Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Ảnh: Getty
Đảng chính trị lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU) - Đảng Nhân dân châu Âu - cho biết, quyết định gần đây của Hungary - nước thành viên của NATO và Liên minh châu Âu (EU) - trong việc nới lỏng hạn chế thị thực đối với du khách Nga là cánh cửa mở cho các hoạt động gián điệp của Moscow tại EU và cảnh báo các nhà lãnh đạo EU nên có biện pháp đối phó khẩn cấp.
Quy định của Hungary khiến châu Âu lo ngại
Tạp chí Financial Times (FT) cho biết, Chủ tịch Đảng Nhân dân Châu Âu Manfred Weber trong một lá thư gửi Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cảnh báo rằng, động thái của Hungary sẽ cho phép những người Nga chưa được kiểm tra kỹ đi qua hầu hết các nước EU mà không bị cản trở. Điều này làm dấy lên "mối quan ngại nghiêm trọng về an ninh quốc gia".
Tháng này, Hungary đã công bố thông tin chi tiết về hệ thống thị thực mới dành cho công dân của 8 quốc gia trong đó có Nga và Belarus trong đó cho phép họ nhập cảnh vào Hungary mà không cần kiểm tra an ninh hoặc phải trải qua các hạn chế khác. Budapest cho biết, sẽ có nhiều người tới xây dựng một nhà máy điện hạt nhân tại nước này bằng công nghệ của Nga.
Tuy nhiên, ông Weber đánh giá rằng, hệ thống nhập cư mới ở Hungary là "đáng ngờ" và cảnh báo nó có thể "tạo ra lỗ hổng nghiêm trọng cho các hoạt động gián điệp và có khả năng cho phép một lượng lớn người Nga vào Hungary với ít sự giám sát, gây ra rủi ro nghiêm trọng cho an ninh quốc gia."
"Chính sách này cũng có thể giúp người Nga dễ dàng di chuyển trong khối Schengen (khu vực không biên giới), bỏ qua các hạn chế theo luật của EU," Chủ tịch Đảng Nhân dân châu Âu nói.
FT cho biết, bức thư của ông Weber kêu gọi các lãnh đạo EU "áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt nhất để bảo vệ ngay lập tức tính toàn vẹn của khu vực Schengen, hạn chế rủi ro an ninh và ngăn chặn các nước thành viên thực hiện các sáng kiến tương tự trong tương lai."
Theo luật của EU, chính phủ các quốc gia thành viên có quyền quyết định về các chính sách di cư. Những người từ ngoài EU có thị thực của EU thường có thể di chuyển tự do trong khu vực Schengen (bao gồm 29 quốc gia - tính thêm cả Na Uy và Thụy Sĩ).
Lưu ý rằng, dưới các biện pháp trừng phạt áp đặt lên Nga sau khi nước này phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, người Nga không bị cấm du lịch đến EU mặc dù các hãng hàng không đặt trụ sở tại Nga không còn được phép bay vào khu vực của EU và có hàng trăm cá nhân liên quan đến Điện Kremlin phải chịu lệnh cấm đi lại và bị đóng băng tài sản.
Hungary liên tục vấp chỉ trích ở EU
Thủ tướng Hungary Viktor Orban - lãnh đạo châu Âu có mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin - đã vấp phải phản ứng dữ dội từ các nhà lãnh đạo EU khác vào đầu tháng này khi ông bất ngờ tới Moscow để gặp ông Putin.
Mặc dù Hungary đang giữ chức chủ tịch luân phiên EU, các nhà lãnh đạo khác trong khối đã nhanh chóng tuyên bố ông Orban không đại diện cho họ trong các chuyến công du cá nhân. Nhiều quốc gia kể từ đó đã từ chối cử bộ trưởng của họ đến các cuộc họp được tổ chức tại Hungary.
FT cho biết, EU ngày càng thất vọng với Hungary vì lập trường thân Nga của nước này. Lập trường đó cũng làm căng thẳng mối quan hệ của Budapest với đồng minh cũ là Ba Lan.
Vào cuối tuần trước, ông Orban đã chỉ trích Ba Lan với cáo buộc gián tiếp mua dầu Nga.
Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Władysław Teofil Bartoszewski bác bỏ cáo buộc này. Ông Władysław Teofil Bartoszewski nói: "Tôi thực sự không hiểu tại sao Hungary lại muốn tiếp tục là thành viên của tổ chức mà họ cho là đối xử tệ với họ. Tại sao [ông Orban] không tạo ra một liên minh với ông Putin và các quốc gia cùng tư tưởng?"