FPT kể chuyện từ giải cứu Thủy điện Hòa Bình đến giải cứu HoSE, ông Trương Gia Bình tự hào: "Chúng tôi đã sống hết mình cho đất nước"

Ngọc Điệp |

Trong lúc đại công trường Thủy điện Hòa Bình với hàng chục nghìn cán bộ, công nhân phải đối mặt với khó khăn nghiêm trọng, FPT khi đó đã mạnh dạn đề xuất phương án "giải cứu".

Trong cuốn Sử ký 35 năm FPT, một câu chuyện "giải cứu" đã được kể lại, đó là giải cứu Thuỷ điện Hoà Bình.

Khởi công năm 1979, Thủy điện Hòa Bình là công trình thủy điện lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á cho đến cuối thế kỉ 20. Với sự hỗ trợ xây dựng và vận hành của Liên Xô, nhà máy dự kiến có 8 tổ máy hoạt động, mang công suất thiết kế 1.920MW. Tuy nhiên, sự tan rã của Liên Xô vào năm 1991 khiến việc cung cấp và lắp đặt thiết bị cho nhà máy rơi vào ngưng trệ hoàn toàn. Khi đó, chỉ mới 4 tổ máy được hoàn thành. Đại công trường Thủy điện Hòa Bình với hàng chục nghìn cán bộ, công nhân phải đối mặt với khó khăn nghiêm trọng.

FPT khi đó đã mạnh dạn đề xuất phương án tái ký phần hợp đồng còn lại với hình thức thanh toán đổi hàng. Theo đó, FPT là đầu mối thanh toán cho đối tác bằng hàng dệt may, nông sản, điện tử, giày da... để họ tiếp tục cung cấp và lắp đặt 4 tổ máy còn lại.

Chiến dịch này được Giám đốc FPT, lúc đó là ông Trương Gia Bình trực tiếp chỉ huy. Cuối cùng, Công ty được chỉ định làm đối tác, đặt bút ký vào hợp đồng 3 bên: Thủy điện Hòa Bình, đơn vị cung cấp thiết bị của Nga và FPT.

Ông Phan Ngô Tống Hưng, Thành viên Hội đồng sáng lập FPT, nguyên Phó Tổng Giám đốc FPT chia sẻ:

"Trong khi các tổng công ty lớn của Bộ Thương mại và Bộ Công nghiệp như Tocontap, Textimex, Confectimex... với lực lượng sản xuất hùng hậu, với kinh nghiệm xuất khẩu hàng nghị định thư dày dạn, với hàng chục thậm chí hàng trăm mẫu mã đang trưng bày và catalog sản phẩm xuất khẩu phong phú đã sẵn sàng nhảy vào tham chiến, thì việc FPT với kim ngạch xuất nhập khẩu 300.000 USD và chưa từng xuất khẩu hàng công nghiệp nhẹ, đề xuất làm đầu mối thanh toán cho hợp đồng Thủy điện Hòa Bình, là vô cùng táo bạo.

FPT đã quyết tâm và đã thành công trong dự án Thủy điện Hòa Bình. Đây là dự án quan trọng khởi đầu cho quan hệ kinh doanh rất thành công của FPT với ngành điện Việt Nam suốt từ những năm đó cho đến nay."

Ngày 20/12/1994, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình chính thức được khánh thành sau hơn 15 năm xây dựng.

Ông Lê Quang Tiến - Thành viên Hội đồng Sáng lập FPT - cho biết, cũng theo mô hình của Thủy điện Hòa Bình, năm 1992, FPT tiếp tục làm dự án Thủy điện Ialy. Cụ thể, bên Điện lực xây nhà máy với sự hỗ trợ kỹ thuật và thiết bị của Nga. FPT là đơn vị làm việc với đối tác bên Nga để thanh toán cho phần kỹ thuật và thiết bị bằng cách đổi hàng.

Gần đây, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2024 sáng ngày 28/2, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT cũng đã gửi gửi lời tri ân Chính phủ, Bộ Tài chính, UBCKNN đã cho FPT 100 ngày "giải cứu" nghẽn lệnh HOSE. "100 ngày giải cứu đó đem lại cái nhìn mới về FPT, từ ngày đó, cổ phiếu FPT liên tục tăng trưởng", ông Trương Gia Bình cho biết.

Trong bối cảnh vị thế của Việt Nam như hiện tại, lãnh đạo FPT cho rằng TTCK của Việt Nam đã làm rất tốt trong nhiều năm nhưng chưa xứng đáng với vị thế. TTCK của Việt Nam phải lên một tầm nữa tương đương với tất cả các TTCK của các nền kinh tế thị trường lớn.

"Các TTCK lớn có gì, tác nghiệp gì thì ta cũng phải làm được như mua trước bán sau, thanh toán bù trừ,... Điều này phụ thuộc vào chính chúng ta. Các TTCK có năng lực gì thì chúng ta phải có năng lực đó. Ví dụ ở NASDAQ, AI đã tham dự vào từ năm 2016, năm 2018 ở Nhật Bản, Thái Lan năm vừa rồi bắt đầu. Chúng ta phải nâng cấp thị trường của chúng ta lên thị trường mới nổi", ông Trương Gia Bình nhấn mạnh.

Với vai trò của một công ty niêm yết, đại diện FPT cho rằng nhờ niêm yết trên thị trường, FPT mới dễ làm việc với các tập đoàn lớn trên thế giới. FPT sẽ tiếp tục nỗ lực phát triển công nghệ tốt nhất để phục vụ sự phát triển của TTCK, phát triển nền kinh tế và phục vụ các doanh nghiệp nói chung.

Chia sẻ trong Sử ký FPT 35 năm, ông Trương Gia Bình cho biết: "Với khát vọng chung "Vì một Việt Nam cường thịnh", FPT đặt mục tiêu làm chủ, sáng tạo công nghệ, mong muốn góp phần đưa Việt Nam vươn ra thế giới. Để rồi sau biết bao khó khăn, cũng đến thời điểm, Việt Nam được ghi danh trên bản đồ công nghệ toàn cầu với những sản phẩm Make in Vietnam được thế giới công nhận. Chúng tôi đã sống hết mình cho đất nước, cho niềm tự hào của dân tộc. Và sống với niềm hứng khởi lớn."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại