Bà Rosa Brooks, giáo sư tại Đại học Georgetown, từng là cố vấn chính sách cho Bộ Quốc phòng Mỹ trong khoảng thời gian 2009-2011 đã kể về chuyến thăm của bà tới Lầu Năm Góc gần đây.
Bà kể: “Khi tôi cùng mẹ tới ăn trưa tại Lầu Năm Góc, ngay khi đi qua lối vào dành cho khách, tôi đã bắt gặp một cửa hàng bán socola”. Bà cho hay, ngay cạnh đó có cả cửa hàng bán hoa, ngân hàng, các tiệm làm móng, các khu ẩm thực.
Mẹ bà Rosa đã đặt câu hỏi: “Vậy ra trung tâm đầu não của quân đội Mỹ là một khu mua sắm?"
Theo bà Rosa, nhận xét đó không hề sai bởi từ khi bà bắt đầu làm việc tại Bộ Quốc phòng (năm 2009), khu đường hành lang dài 17,5 dặm (28,16 km) của Lầu Năm Góc đã mọc lên hàng chục cửa hàng và nhà hàng phục vụ cho 23.000 quân nhân và chuyên viên quân sự.
Tại Lầu Năm Góc, bạn có thể vừa mua một đôi giày mới vừa ra lệnh cho Hải quân tìm kiếm cướp biển Somali; vừa mua một vài viên thuốc Tylenol vừa triển khai một đội quân y tới chống sốt rét ở Chad (Trung Phi); vừa mua điện thoại di động vừa giao nhiệm vụ cho Cơ quan An ninh Quốc gia giám sát tin nhắn của một nghi can khủng bố; vừa mua một mô hình máy bay chiến đấu bằng sôcôla vừa triển khai máy bay không người lái tới Yemen.
Trung tướng Dave Barno đã về hưu có lần cho hay, quân đội Mỹ không ngừng mở rộng để trở thành một siêu Walmart, nơi có thể bán mọi thứ dưới một mái nhà.
Tuy nhiên, cái mà ông Dave muốn nói đến là việc quân đội Mỹ đang xuất hiện ở quá nhiều nơi trên trái đất và làm gần như mọi công việc trên hành tinh này bên cạnh các nhiệm vụ quân sự truyền thống.
Họ thực hiện các dự án cải cách nông nghiệp, lên kế hoạch các cuộc không kích, đưa ra sáng kiến phát triển doanh nghiệp nhỏ, sản xuất các vở kịch truyền hình.
Họ tuần tra chống hải tặc, tiêm phòng cho bò, theo dõi thông tin liên lạc toàn cầu, và thiết kế các chương trình ngăn chặn nạn buôn bán người.
Theo bà Rosa, điều đó chẳng có gì đáng mừng, thậm chí là nguy hiểm bởi nó cho thấy những thay đổi to lớn trong cách nghĩ của Mỹ về chiến tranh. Cách nghĩ đó dẫn đến những thay đổi pháp luật và vai trò của quân đội Mỹ.
Theo bà, nước Mỹ đang rơi vào một vòng luẩn quẩn, trong đó Mỹ tự cài bẫy chính bản thân mình.
Bởi phải đối phó với quá nhiều mối đe dọa an ninh từ phía các mạng lưới khủng bố phi nhà nước, từ các cuộc tấn công mạng, từ tác động của đói nghèo, diệt chủng hay đàn áp chính trị, các nhà hoạch định chính sách Mỹ tự nhiên có thói quen nhìn mọi mối đe dọa mới qua “lăng kính chiến tranh”.
Từ đó, họ yêu cầu quân đội phải thực hiện quá nhiều nhiệm vụ “phi truyền thống”.
Việc coi mọi mối đe dọa đều là “chiến tranh” sẽ khiến ngày càng nhiều hành vi của con người bị đưa vào phạm vi luật chiến tranh, dẫn đến bạo lực và ép buộc nhiều hơn và giảm sự bảo vệ đối với các quyền cơ bản.
Trong khi đó, việc yêu cầu quân đội đảm nhiệm ngày càng nhiều nhiệm vụ mới sẽ cần tới ngân sách quân sự lớn hơn, kéo theo việc cắt giảm ngân sách dân sự bao gồm các chương trình ngoại giao và các chương trình phát triển trong lĩnh vực dân sự.
Khi cắt giảm ngân sách tác động xấu đến các cơ quan dân sự, năng lực của họ bị suy giảm, quân đội sẽ tham gia và từ đó có vai trò ngày càng lớn.
"Nếu bạn chỉ có một cái búa, thì mọi thứ đều được xem là cái đinh”. Theo bà Rosa, câu ngạn ngữ cổ trên có thể áp dụng trong hoàn cảnh này. Nếu cơ quan chức năng duy nhất của một đất nước là quân đội thì mọi thứ đều được nhìn như một cuộc chiến tranh.
Các quy tắc chiến tranh dường như được áp dụng ở mọi nơi thay thế các quy định và tiêu chuẩn thời bình. Khi mọi thứ đều trông giống chiến tranh thì mọi hoạt động đều giống như một nhiệm vụ quân sự, thay thể và phá hủy uy tín của các tổ chức dân sự. Trong khi đó, quân đội bị quá tải.
Trong thời chiến, các chiến binh hay binh sĩ có thể hành động theo cách bị xem là vô nhân đạo hay bất hợp pháp trong thời bình.
Tuy nhiên, khi ranh giới quanh chiến tranh và quân đội bị mở rộng hoặc bị làm mờ thì khả năng xác định xem hành động nào cần được biểu dương hay cần phải lên án sẽ mất đi.
Đó chính là lý do cần xác định rõ ranh giới giữa chiến tranh và hòa bình, giữa vai trò của những quân nhân và quân dân.
Trong khi đó, theo bà Rosa, trong thế giới đầy rẫy những mạng lưới khủng bố xuyên quốc gia, những tin tặc, thì ranh giới giữa chiến tranh và hòa bình, quân sự và dân sự đang ngày càng vô dụng.
Trong một chiến tranh mạng hay một cuộc chiến tranh chống khủng bố, không có ranh giới về thời gian hoặc không gian.
Chúng ta không thể xác định được chiến trường trên một chiếc bản đồ hay không thể khẳng định được khi nào cuộc chiến sẽ kết thúc.
Khi ranh giới chiến tranh và hòa bình bị mờ đi, chúng ta cũng mất khả năng đưa ra những quyết định đúng đắn về việc giao nhiệm vụ cho quân đội hay dân sự.