AC Energy, được dẫn dắt bởi Tập đoàn Ayala của tỷ phú Philippines Jaime Zobel de Ayala và Tập đoàn Sunseap có trụ sở tại Singapore đang mạnh tay đầu tư hơn 2,4 tỷ USD vào các dự án năng lượng tái tạo trên khắp Đông Nam Á, bao gồm cả Việt Nam.
Sunseap, được hỗ trợ bởi công ty năng lượng Banpu PCL và chi nhánh đầu tư nhà nước Temasek của Singapore, vào ngày 20/7/2021 đưa ra thông báo rằng họ đã ký kết một biên bản ghi nhớ với tổ chức Badan Pengusahaan Batam (Indonesia) để xây dựng một trang trại điện mặt trời nổi và cơ sở lưu trữ năng lượng trị giá 2 tỷ USD trên đảo Batam thuộc Indonesia.
Theo Forbes, Sunseap cho biết, trang trại điện mặt trời nổi này có thể tạo ra lượng điện tối đa lên tới 2,2 GW và rộng khoảng 1.600 ha trên hồ chứa Duriangkang ở phía nam của đảo Batam. Đây là lý do khiến trang trại sẽ trở thành hệ thống quang điện nổi lớn nhất thế giới.
Ngoài ra, cơ sở lưu trữ năng lượng cùng dự án với trang trại điện nổi này cũng sẽ là cơ sở lưu trữ điện lớn nhất thế giới với công suất hơn 4.000 MW mỗi giờ. Sunseap hy vọng trang trại điện nổi ở Batam có thể tạo ra khoảng 2.600 GW giờ điện và giảm tải hơn 1,8 triệu tấn carbon mỗi năm.
Các công ty trong khu vực Đông Nam Á bắt đầu tập trung đẩy mạnh đầu tư vào năng lượng tái tạo. Đặc biệt là trong thời điểm chính phủ các quốc gia trong khu vực đang tìm phương án loại bỏ dần các nhà máy điện chạy bằng than và các nhiên liệu hóa thạch khác.
Còn ở Việt Nam, AC Energy và các đối tác đã và đang vận hành các trang trại điện mặt trời và điện gió, tạo ra 525 MW mỗi năm. Tập đoàn đặt mục tiêu đưa 5.000 MW năng lượng tái tạo phủ rộng toàn Đông Nam Á vào năm 2025.
Theo dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII), tới năm 2030, tổng công suất nguồn điện của Việt Nam sẽ đạt 137,2 GW. Trong đó, nhiệt điện than 27%; nhiệt điện khí 21%; thủy điện 18%; điện gió, mặt trời và năng lượng tái tạo khác 29%, còn lại là các nguồn năng lượng khác.
Đến năm 2045, tổng công suất đặt của nguồn điện đạt gần 276,7 GW. Trong đó, nhiệt điện than 18%; nhiệt điện khí 24%; thủy điện 9%; điện gió, mặt trời và năng lượng tái tạo khác trên 44%.
Theo Viện Năng lượng, Quy hoạch điện VIII sẽ thúc đẩy phát triển năng lượng sạch từ khoảng 13% năm 2020 lên tới gần 30% năm 2030 và 44% năm 2045. Điều này cho thấy Việt Nam đang đi đúng với xu hướng phát triển của thế giới.
Mục tiêu quy hoạch điện Việt Nam năm 2030. Nguồn: Báo cáo QHĐ8
Mục tiêu quy hoạch điện Việt Nam năm 2045. Nguồn: Báo cáo QHĐ8
Chính vì xu hướng này, AC Energy đưa ra thông báo vào ngày 20/7 rằng họ đang đầu tư 445 triệu USD để xây dựng 5 trang trại điện gió tại Việt Nam với tổng công suất hàng năm là 440 MW điện. Địa điểm 5 trang trại điện gió được xây dựng bao gồm Mũi Né với 170 MW, trang trại Lạc Hòa, Hòa Đông với tổng công suất 60 MW, trang trại điện gió Quảng Bình 252 MW; và trang trại gió Ninh Thuận 88 MW.
Ngoài ra, trong khu vực Đông Nam Á, Philippines là một trong những quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào nhiên liệu hóa thạch. Năm 2020, hơn một nửa tổng sản lượng điện của quốc gia này đến từ các nhà máy điện than đốt.
Tỷ phú Ramon Ang của Tập đoàn San Miguel đang nỗ lực thay đổi điều này bằng cách ngưng đầu tư vào các dự án năng lượng than, thay vào đó đầu tư 1 tỷ USD để xây dựng 31 cơ sở lưu trữ năng lượng pin mới, với công suất được đánh giá là 1.000 MW, trên khắp đất nước.