Người dân Việt Nam đeo khẩu trang, tấm chắn giọt bắn trong khi xếp hàng chờ tới lượt xét nghiệm Covid-19. Ảnh: Tuấn Mark
Tôi đến Việt Nam vào tháng 6 năm 2013, và trong 3 năm đầu tiên sống ở đây, tôi hầu như chỉ giao tiếp với những người nước ngoài khác. Trong thời gian đó, tôi được nghe nhiều thông tin sai lệch. Không may, có những người phương Tây đến Việt Nam để hưởng thụ mức sống rẻ, cảnh quan xinh đẹp, và những con người thân thiện, hiếu khách, nhưng họ lại hay ca thán và đưa ra các phép so sánh "ngốc nghếch" giữa Việt Nam với đất nước của họ.
Chẳng hạn như, có người Mỹ sống ở Việt Nam phàn nàn về nạn "tham nhũng", cứ như là họ không biết đến hệ thống tham nhũng được hợp pháp hóa khổng lồ mà chúng tôi gọi là "vận động hành lang" ở Mỹ, hay than vãn về sự "đói nghèo" ở Việt Nam mà không nhận ra rằng, đất nước của chúng tôi, "quốc gia thịnh vượng nhất thế giới", có số tử vong vì suy dinh dưỡng gấp 45 lần Việt Nam (nguồn: world life expectancy) và những chiếc lều đầy người vô gia cư ở mọi thành phố lớn ở Mỹ.
Một số người lại thích "buôn" những tin đồn và những câu chuyện hư cấu về Việt Nam. Dưới đây là một số tin đồn tôi được nghe qua nhiều năm:
"Bạn đã nghe người Việt phải có thị thực xuất cảnh mới được ra khỏi Việt Nam chưa?"
"Bạn đã nghe người Việt không thể sở hữu nhà của mình chưa?"…
May mắn thay, càng sống lâu ở Việt Nam, và càng dành nhiều thời gian gặp gỡ với những người bạn Việt Nam, tôi càng nhận ra rằng, những tin đồn mà những người bạn phương Tây của tôi gieo rắc hầu như hoàn toàn sai.
Nỗi nghi ngờ về những tin đồn này lần đầu tiên nhen nhóm khi tôi bắt đầu nói chuyện với thêm nhiều người Việt Nam. Khi tôi hỏi họ về những tin đồn đó, tôi nhận ra rằng, tôi thường xuyên nhận được những ánh mắt bối rối, rồi sau đó là câu hỏi: "Cậu nghe câu chuyện đó từ chỗ nào thế?"
Nhưng điều thực sự khiến tôi nhận ra sự hoang đường của các tin đồn đó là thời gian, thời gian tôi sinh sống và quan sát điều kiện vật chất của Việt Nam.
Đường phố Nha Trang, Việt Nam trong giai đoạn giãn cách xã hội. Ảnh: Quoc Huy Duong / PIxabay
Ý tôi là, tất nhiên, Việt Nam gặp phải một số vấn đề, nhưng qua thời gian, tôi nhận thấy Việt Nam đang tiến bộ đi lên, với việc cải thiện điều kiện sống, trong khi tình trạng lại đang tệ đi đối với lực lượng lao động ở Mỹ.
Trong khi 90% người Việt Nam sở hữu nhà, khoảng 40% người thuê nhà - ít nhất 25 triệu người - ở Mỹ (bao gồm nhiều người bạn thân nhất của tôi) hiện đang phải đối mặt với nguy cơ bị đuổi ra khỏi nhà và một cuộc khủng hoảng nhà ở.
Ở Việt Nam, hạ tầng cũng đang tốt hơn qua từng năm, trong khi tình hình ở Mỹ đang ngược lại. Tôi nhớ vào năm 2013, khi tôi mới đến thành phố Hồ Chí Minh, khá nhiều đèn giao thông không hoạt động và một số con đường dường như không được bảo trì từ những năm 1970. Một số nơi ở trung tâm thành phố nhếch nhác và không được dọn dẹp. Nhưng những ngày này, khi đến thăm thành phố Hồ Chí Minh, tôi cảm giác như đó là một thế giới khác: khi tôi đến quán bar Broma trên Nguyễn Huệ vào một tối thứ Bảy, con phố buồn tẻ và kém ánh sáng tôi từng biết đã được thay thế bằng một phố đi bộ xinh đẹp tràn đầy sức sống.
Ít nhất thì đó là vào lúc tôi đến vào năm 2020. Bây giờ, khi đang viết những dòng này, tôi tưởng tượng mọi thứ trên phố đi bộ Nguyễn Huệ không còn nhộn nhịp, vì thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội do đợt bùng phát nghiêm trọng của biến thể Delta.
Nhìn chung, tình hình COVID-19 ở Việt Nam vẫn còn rất tốt cho đến đợt bùng phát gần đây. Tôi đã có thể đi du lịch Đà Lạt, Phú Quốc, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vào năm ngoái mà không sợ COVID-19 vì không có ca lây nhiễm cộng đồng nào trên cả nước, trong khi bạn bè của tôi ở Mỹ bị buộc phải cách ly tại chỗ trong bối cảnh các ca lây nhiễm kinh khủng.
Nhưng có phải cục diện đã thay đổi? Trong đợt bùng phát dữ dội, liệu những thành công của Việt Nam trong việc đánh bại COVID-19 có tan vỡ không?
Trời ơi không!
Mặc dù sự thật là vào lúc này, tình hình dịch bệnh ở Việt Nam đang không ổn lắm, nhưng việc Việt Nam đã có thể bảo vệ người dân (không chỉ công dân trong nước, mà cả người nước ngoài như tôi) qua nhiều đợt bùng phát là điều vô cùng ấn tượng. Những ngày này, khi tôi nghe những người nước ngoài than phiền về điều kiện ở Việt Nam, tôi trở nên bớt kiên nhẫn với họ.
Thực tế là, chúng tôi may mắn khi ở đây. Tôi không chỉ an toàn hơn kể từ khi bùng phát COVID-19, tôi còn tự do hơn, sống ít lo lắng và ít căng thẳng hơn nhiều so với bạn bè của tôi ở Mỹ.
Những ngày này, khi nghe thấy ai đó trong số những người bạn phương Tây của mình phàn nàn, tôi sẽ nói với họ: Chúng ta nên biết ơn vì người dân Việt Nam đã chào đón và bảo vệ chúng ta, cung cấp những biện pháp bảo vệ (bao gồm cả tiêm chủng!) mà họ đang cung cấp cho người dân địa phương.
Đúng, mọi thứ không thoải mái lắm vào lúc này. Tôi rất buồn vì không thể đặt đồ ăn hoặc đi biển Đà Nẵng! Nhưng nghiêm túc mà nói, làm sao tôi có thể phàn nàn, khi đất nước quê hương tôi hiện đang bị bao trùm bởi "đại dịch của những người chưa được tiêm chủng", không chỉ bởi vì chính phủ, mà còn bởi những "kẻ chống khẩu trang" và "những kẻ chống vaccine" hay những kẻ chống khoa học lập dị nực cười?
So với quê hương tôi, Việt Nam còn "nghèo". GDP thấp hơn, thu nhập bình quân đầu người thấp hơn và chính phủ có ít nguồn lực hơn nhiều so với chính phủ Mỹ. Nhưng điều mà Việt Nam còn thiếu về sức mạnh kinh tế lại tạo nên một cam kết vì cuộc sống con người.
Khi người Việt Nam nói "không ai bị bỏ lại phía sau", tôi, một người nước ngoài, hiểu một cách rõ ràng là, họ thực sự muốn như vậy. Tôi thực sự cảm thấy sức khỏe của tôi được quan tâm cẩn thận như bất kỳ người địa phương nào. Tôi cũng rất ấn tượng về việc chính quyền và người dân sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế ngắn hạn để bảo vệ tính mạng người dân.
Những nỗ lực của Việt Nam chống lại COVID-19 nhắc nhở tôi về chiến lược phòng thủ của Việt Nam chống lại cuộc xâm lược của quân Nguyên Mông vào thế kỷ 13.
Trong cuộc khánh chiến đầu tiên chống quân Nguyên Mông xâm lược, người Việt đã thực hiện chiến lược "vườn không nhà trống", người dân rời khỏi thành phố và làng mạc, không để lại lương thực cho kẻ địch. Tương tự như vậy, người dân Việt Nam "bỏ trống" hết đường phố và nhà hàng, hy sinh lợi nhuận ngắn hạn, ngay khi COVID-19 bắt đầu bùng phát, và kết quả là cứu sống vô số người.
Khi quân Nguyên xâm lược quay lại lần thứ hai, người Việt sẵn sàng phá hủy mùa màng và nơi ở để chúng thậm chí không thể duy trì một cuộc xâm lược. Đối với tôi, điều này tương tự như giai đoạn hiện tại, với những yêu cầu hạn chế nghiêm ngặt gây ra thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế và lợi nhuận của các doanh nghiệp, nhưng có như vậy mới bảo toàn tính mạng người dân trước biến thể Delta nguy hiểm hơn.
Trong cuộc xâm lăng thứ ba, người Mông Cổ đã chuẩn bị kỹ càng hơn, và đi bằng đường biển, tự mang theo lương thực và vật dụng. Nhưng lúc này, người Việt Nam cũng đã chuẩn bị kỹ càng hơn, và sử dụng quân đội của mình để đánh bại quân xâm lược một cách toàn diện. Tôi tin rằng đây là những gì chúng ta sẽ thấy trong những tháng tới, khi Việt Nam bắt đầu triển khai tiêm chủng trên diện rộng để đánh bại COVID-19 một lần và mãi mãi.