Quyết định gia hạn các biện pháp trừng phạt Moscow của EU cho thấy các nhà lãnh đạo có ảnh hưởng nhất của EU đã hạ quyết tâm cứng rắn với Nga bất chấp việc nước này là nhà cung cấp năng lượng và đối tác kinh tế quan trọng trong khu vực.
Kể từ khi có mâu thuẫn với EU và Mỹ vì tình hình ở Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn luôn nỗ lực chuyển hướng sang Trung Quốc dù những nỗ lực đó chưa có kết quả gì đáng kể. Tuy nhiên, lần này có lẽ ông sẽ có những bước đi quyết đoán hơn về phía Bắc Kinh.
Vào ngày 25/6 tới, Tổng thống Nga sẽ bắt đầu chuyến thăm tới Trung Quốc. Dựa vào phát biểu của ông Putin tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St.Petersburg hàng năm vừa qua, nhiều người nhận xét, Nga đang hy vọng sẽ đưa Trung Quốc vào một mối quan hệ thương mại tương tự như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Washington.
Theo truyền thông Nga, chỉ vài giờ sau khi Brussels quyết định gia hạn các lệnh trừng phạt về năng lượng, tài chính đối với Nga thêm 6 tháng nữa, ông Putin đã tuyên bố sẽ thảo luận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về các biện pháp thiết thực nhằm tăng cường mối quan hệ giữa hai nước. Một loạt các hiệp định song phương dự kiến sẽ được ký kết trong dịp này.
Chuyến công du của ông Putin tới Trung Quốc diễn ra ngay sau Hội nghị Thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) gồm 6 nước Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan ở Tashkent, Uzbekistan.
Ông Putin dự kiến cũng sẽ gặp ông Tập Cận Bình trong hội nghị thượng đỉnh này.
Vấn đề đang được chú ý nhiều nhất trong mối quan hệ Nga – Trung là việc hai nước đang thảo luận kế hoạch xây dựng một Liên minh kinh tế Á-Âu (EEU) mới với sự tham gia của cả Trung Quốc.
Liên minh này sẽ kết nối với các đối tác Ấn Độ, Iran, Pakistan, cũng như hoan nghênh các đối tác đến từ châu Âu. EEU hiện là một liên minh thương mại có 5 thành viên gồm Kazakhstan, Belarus, Armenia, Kyrgyzstan và Nga.
Trung Quốc sẽ tham gia EEU nếu cảm thấy có lợi cho xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng đang dư thừa ở nước này như than, xe hơi và thép.
Tuần trước (hôm 17/6), tờ Nước Nga Ngày nay đã dẫn lời Tổng thống Nga cho hay: “Chúng tôi tin rằng Cộng đồng Kinh tế Á Âu sẽ là một trong những trung tâm hòa nhập lớn hơn với châu Á.
Chúng tôi đang đề xuất thành lập mối quan hệ đối tác Á - Âu lớn hơn có liên quan đến EEU và các nước mà chúng tôi đã có quan hệ gần gũi như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Iran”.
Xoay trục sang châu Á được xem là một bước đi hợp lý trong bối cảnh nền kinh tế Nga vẫn đang rất ảm đạm. Giá dầu tăng gần đây cũng không đủ để thay đổi các dữ liệu đáng buồn của nền kinh tế nước này.
Tháng 5/2016, Cơ quan Thống kê Rosstat của Nga cho hay, ngành xây dựng của nước này giảm 9%, doanh số bán lẻ giảm 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Lương thực tế còn ảm đạm, giảm 1% trong tháng 5/2016.
Dù vậy, nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển chậm lại. Việc Trung Quốc đang dư thừa nhiều mặt hàng sẽ không thể đem lại lợi ích cho những nước đang muốn phát triển ngành sản xuất của riêng mình, thay vì nhập khẩu hàng từ Trung Quốc.
Theo Forbes, đối với ông Putin, việc kéo Trung Quốc về phía Nga mang nhiều mục đích chính trị hơn là về kinh tế. Ông muốn chứng minh rằng, phương Tây không thể cô lập được Nga.
Hơn nữa, theo nhiều nhà phân tích, mặc dù EU quyết định gia hạn trừng phạt đối với Moscow nhưng tâm lý muốn hòa giải với Nga đang ngày càng tăng ở châu Âu.
Hôm 22/6, ông George Soros, một tỷ phú người Mỹ được mệnh danh là một trong những nhà đầu tư vĩ đại nhất thế giới, nhận định, ảnh hưởng của Nga ở châu Âu đang ngày càng lớn do EU đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng di cư, những khó khăn về kinh tế và nguy cơ tan rã.
Ông Soros không phải là một người ủng hộ Nga, do vậy, bình luận trên của ông được xem như là một lời cảnh báo trên khắp châu Âu.