Vào đêm 13/4, hơn 300 vũ khí đã được Iran phóng về phía Israel. Số này bao gồm 185 máy bay không người lái, 110 tên lửa đạn đạo và 36 tên lửa hành trình. Phần lớn đã bị hệ thống phòng không "Vòm sắt" của Israel bắn hạ với sự trợ giúp từ Anh, Mỹ và nước láng giềng Jordan.
Theo trang Firstpost (Ấn Độ), việc thiếu tác động trên mặt đất khiến nhiều người mô tả cuộc tấn công của Iran là một thất bại về mặt chiến thuật. Nhưng cuộc tấn công trực tiếp đầu tiên vào Israel của Iran có thể sẽ là một thành công chiến lược. Thời điểm của cuộc tấn công là rất quan trọng, được sắp xếp để cho thấy sự chia rẽ trong nội bộ Israel cũng như giữa Israel và Mỹ.
Gia tăng áp lực lên Thủ tướng Netanyahu
Theo Firstpost, vào cuối tuần lễ Phục sinh, hàng chục nghìn người đã xuống đường ở một số thành phố của Israel để phản đối chính phủ. Họ kêu gọi loại bỏ Thủ tướng Benjamin Netanyahu, chủ yếu vì thiếu tiến triển trong việc đàm phán thả các con tin vẫn bị lực lượng Hamas giam giữ ở Gaza.
Những người biểu tình coi ông Netanyahu là trở ngại cho thỏa thuận thả con tin; khi ông liên tục từ chối đàm phán với Hamas, nói rằng chiến thắng hoàn toàn trước Hamas, chứ không phải đàm phán, mới là điều sẽ giúp các con tin được thả.
Theo Firstpost, vấn đề là Thủ tướng Netanyahu đang cố gắng duy trì một liên minh mong manh đại diện cho những quan điểm rạn nứt trên chính trường Israel. Bất kể có thể đạt được thỏa thuận hay không, các phần tử theo đường lối cứng rắn của liên minh vẫn đang thúc đẩy một cuộc tấn công toàn diện vào thành phố Rafah ở miền nam Gaza để loại bỏ lực lượng Hamas.
Ông Netanyahu đã công khai tuyên bố rằng "không có cách nào để làm điều này nếu không có cuộc tấn công trên bộ". Chính phủ Israel cũng đã đưa ra một số tuyên bố công khai và tối hậu thư rằng họ sẽ tiến hành một cuộc tấn công vào Rafah nếu các con tin không được thả và rằng cần phải đạt được mục tiêu đã nêu là chiến thắng Hamas.
Cho đến nay, Israel vẫn kiềm chế không tấn công thành phố này. Nhưng Firstpost nhận định, cuộc tấn công của Iran có thể sẽ gây thêm áp lực cho chính phủ của ông Netanyahu vì thiếu giải pháp giải quyết tình hình thực tế.
Quan hệ Mỹ - Israel đang căng thẳng
Theo Firstpost, Mỹ đã gây ảnh hưởng lên Israel về những tác động nhân đạo tiềm ẩn của một cuộc tấn công toàn diện vào Rafah. Bất chấp những tuyên bố gần đây của Tổng thống Joe Biden rằng sự ủng hộ của Mỹ dành cho Israel là "bền như thép", vẫn có bằng chứng về sự chia rẽ.
Tín hiệu rõ ràng nhất là việc Washington quyết định bỏ phiếu trắng đối với Nghị quyết 2728 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kêu gọi ngừng bắn ở Gaza, bất chấp việc Mỹ từng phủ quyết các nghị quyết trước đó kêu gọi ngừng bắn vào tháng 2/2024 và tháng 12/2023, cũng như nghị quyết vào ngày 18/10/2023 kêu gọi tạm dừng nhân đạo ở Gaza.
Trên thực tế, Mỹ đã phủ quyết các nghị quyết chỉ trích Israel nhiều hơn bất kỳ thành viên Hội đồng Bảo an nào khác. Kể từ năm 1945, Mỹ đã phủ quyết tổng cộng 89 nghị quyết của hội đồng, và 45 trong số đó là để ủng hộ Israel.
Theo Firstpost, lý do Mỹ không phủ quyết Nghị quyết 2728 liên quan đến những lo ngại về cuộc tấn công tiềm tàng nhằm vào Rafah. Nó báo hiệu cho Israel rằng, sự bảo đảm chắc chắn của Mỹ không phải là một "tấm séc trắng"; đúng hơn, hành động của Israel phải phù hợp với những gì Mỹ cho là có thể chấp nhận được.
Do đó, cách Israel chọn cách đáp trả cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Iran có khả năng tạo thêm xích mích trong mối quan hệ của Israel với Mỹ. Tổng thống Biden đã kêu gọi Israel kiềm chế và nói rõ rằng Mỹ sẽ không tham gia vào một cuộc tấn công trả đũa nhằm vào Iran – một lập trường đã được Anh củng cố sau đó.
Israel đã thể hiện sự kiềm chế khi đối mặt với cuộc tấn công vào đất nước này trong quá khứ. Trong Chiến tranh vùng Vịnh (1990 – 1991), Tổng thống Iraq lúc bấy giờ là Saddam Hussein đã tấn công các thành phố của Israel bằng tên lửa. Đó là một nỗ lực nhằm buộc Israel phải đáp trả và phá vỡ Liên minh Mỹ-Ả Rập đang tìm cách đánh đuổi quân đội Iraq khỏi Kuwait.
Mỹ đã gây áp lực lớn để Israel không trả đũa và cung cấp cho Israel hệ thống phòng không chiến thuật Patriot - hệ thống phòng không và tên lửa chủ chốt của quân đội Mỹ.
Nhưng liệu Israel có chấp nhận được áp lực như vậy trong bối cảnh hiện tại?
Theo Firstpost, việc cho phép Iran tấn công mà không bị trừng phạt dường như không có lợi cho trạng thái răn đe của chính Israel. Thủ tướng Netanyahu phải cân bằng phản ứng trực tiếp với Iran với phản ứng của ông trước cuộc xung đột đang diễn ra ở Gaza.
Và chỉ có thời gian mới biết được liệu Iran có đạt được thành công chiến lược hay không. Nhưng điều rõ ràng là cuộc tấn công đã khiến liên minh của Thủ tướng Israel Netanyahu phải đau đầu.