Financial Times viết về 'giấc mơ Mỹ' của ông Phạm Nhật Vượng: Có 'sự tự tin phi thường', tham vọng IPO định giá VinFast 60 tỷ USD, lớn hơn vốn hóa Ford Motor

Vân Đàm |

Báo tây nhận định, ông Phạm Nhật Vượng có "sự tự tin phi thường" khi buông bỏ nhiều thứ để "tất tay" vào VinFast.

Tờ Financial Times mới có bài viết nhận định về việc tập đoàn lớn nhất Việt Nam Vingroup đang lên kế hoạch đưa thương hiệu xe hơi VinFast của họ nước ra nước ngoài.

Cụ thể, Vingroup lên kế hoạch tấn công vào thị trường Mỹ - một trong những thị trường ô tô cạnh tranh nhất thế giới. Tham vọng của Vingroup không chỉ bán xe ô tô mà còn cả những dòng xe cao cấp – gồm cả xe ô tô điện – lĩnh vực vẫn còn rất mới mẻ.

VinFast gần đây đã nhận được giấy phép thử nghiệm xe điện tự lái trên đường phố California. Vingroup cũng cho biết đang xây dựng phòng nghiên cứu và thậm chí dự định xây cả một nhà máy ở Mỹ. Mục tiêu cuối cùng của họ là chinh phục được khách hàng ở thị trường ô tô lớn thứ 2 thế giới.

Tờ Financial Times nhận định, đây là một "sự tự tin phi thường" trên hành trình chinh phục mảng kinh doanh sản xuất xe ô tô của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Ông đã tự bỏ tiền túi 2 tỷ USD để rót vào VinFast. Họ cũng đang có dự định niêm yết tại Mỹ hoặc sắp nhập với một công ty SPAC. Đại diện Vingroup nói vào tuần trước rằng đã thuê các bên tư vấn cho kế hoạch IPO gồm cả JPMorgan và Deutsche Bank.

"Tập đoàn sẽ đưa ra thông báo thích hợp nếu có bất kỳ giao dịch nào được xác định", đại diện Vingroup trả lời Financial Times khi được hỏi về khả năng niêm yết.

Hồi tháng 4, tờ Reuters trích dẫn 2 nguồn tin thân cận nói rằng mục tiêu đó có thể định giá VinFast ở mức 60 tỷ USD – lớn hơn cả vốn hóa thị trường hiện tại của Ford Motor. Trong khi đó, VinFast chỉ bắt đầu sản xuất xe vào năm 2019 và mới chỉ bán được 30.000 xe vào năm ngoái.

Kế hoạch của Vingroup tới trong bối cảnh chính phủ Việt Nam đang khuyến khích phát triển các công ty tư nhân lớn để xây dựng thương hiệu quốc gia.

Vingroup được thành lập năm 1993 khi ông Vượng khởi nghiệp thành công với mỳ ăn liền tại Ukraine rồi bán lại cho Nestle. Sau đó ông trở về nước và khởi đầu với lĩnh vực bất động sản. Cho tới giờ, bất động sản vẫn là "con gà đẻ trứng vàng" của Vingroup.

Trong hơn 1 thập kỷ qua, Vingroup đã mở rộng sang bán lẻ, sản xuất điện thoại và tivi cũng như nhiều lĩnh vực mới gồm cả trí thông minh nhân tạo. VinFast đã mua bản quyền của BMW để phát triển chiếc xe hơi đầu tiên.

Tuy nhiên, ông Vượng hiện đã rút khỏi nhiều mảng kinh doanh và chỉ tập trung vào xe ô tô. Vingroup đã từ bỏ kế hoạch mở hãng hàng không vào đầu năm ngoái ngay trước khi dịch Covid-19 ập đến. Họ cũng đã sáp nhập mảng bán lẻ với Masan, giảm quyền kiểm soát tại đây. Gần đây, Vingroup cũng dừng hoạt động VinSmart.

Trước đó, phía doanh nghiệp này cũng chia sẻ với Bloomberg rằng họ có thể huy động nhiều nhất 3 tỷ USD tại Mỹ nếu IPO thành công VinFast.

Tuy nhiên, tờ Finanacial Times nhận định việc tham gia vào sản xuất xe hơi không hề dễ, mảng kinh doanh lâu đời này vốn có sự cạnh tranh cực kỳ khốc liệt. Michael Dunne - CEO công ty tư vấn xe tự lái cho biết: "VinFast – giống như bất kỳ startup xe điện nào sẽ gặp những khó khăn thách thức khi vào Mỹ. 

Câu hỏi là làm sao họ có thể thuyết phục được người tiêu dùng mua sản phẩm của một doanh nghiệp mới bước chân vào thị trường?". Về xe diện, còn có nhiều thách thức như cơ sở hạ tầng trạm sạc.

Tuy nhiên, Dunne nói rằng VinFast có thể hưởng lợi từ việc chính quyền ông Biden khuyến khích xe điện và thị trường vẫn còn mới. "Vẫn có cửa cho VinFast để giành được người mua trước khi lĩnh vực này trở nên quá đông đúc".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại