“FBI kêu gọi tất cả các vận động viên để điện thoại di động cá nhân của họ ở nhà và sử dụng điện thoại tạm thời khi thi đấu”, CNN ngày 1/2 dẫn thông báo của FBI.
Điện thoại “cục gạch” chỉ có các chức năng cơ bản nhất như gọi điện, nhắn tin text, tương thích mạng 2G hoặc 3G, không sử dụng công nghệ định vị, khó vào hoặc không vào mạng xã hội, lướt web… được như với smartphone, nhưng giá rẻ (tương đương vài trăm nghìn đồng) và pin rất “trâu”. Ví dụ, Nokia 3320 3G có thời gian đàm thoại 22 giờ, thời gian chờ 31 ngày, theo DCW.
Dù không biết về “bất kỳ mối đe dọa mạng cụ thể nào chống lại Thế vận hội”, FBI nói rằng điều quan trọng là những người tham gia thi đấu phải “cảnh giác và duy trì các phương pháp tốt nhất trong môi trường kỹ thuật số và hệ thống mạng của họ”.
FBI kêu gọi các vận động viên tham dự Olympic Bắc Kinh sử dụng điện thoại 'cục gạch'. Ảnh: Getty Images. |
“Lo sợ vô căn cứ”
Các Ủy ban Olympic Mỹ, Anh, Canada, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Đức và Hà Lan nói với đoàn thể thao của họ rằng các vận động viên, huấn luyện viên không nên mang thiết bị điện tử thông thường của mình đến Bắc Kinh, và thay vào đó hãy sử dụng thiết bị dùng một lần (có thể bỏ đi sau khi Olympic mùa đông chấm dứt), Daily Mail đưa tin. Tất cả thành viên đội Olympic của Anh được cấp một điện thoại “cục gạch”, chỉ có chức năng nghe-gọi, nhắn tin thông thường. Những mẫu điện thoại “cục gạch” bán chạy nhất ở Anh đầu năm 2022 bao gồm Nokia 3310 3G, Nokia 105, Alcatel 10.66, Artfone C1, Doro 1370…, DCW đưa tin.
Sau khi Mỹ, Anh, Canada, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Đức và Hà Lan khuyên các vận động viên , huấn luyện viên của họ không dùng smartphone mà dùng điện thoại “cục gạch” tại Olympic Bắc Kinh, các đại sứ quán Trung Quốc ở những nước này đã lên tiếng nói rằng, nỗi lo về việc bị giám sát là “không cần thiết”, “vô căn cứ”, “hoàn toàn không có cơ sở”, báo Hong Kong-Trung Quốc South China Morning Post (SCMP) đưa tin.
Cảnh báo của FBI được đưa ra trong bối cảnh các quan chức an ninh quốc gia Mỹ đang gia tăng lo ngại về hoạt động gián điệp và đánh cắp tài sản trí tuệ do phía Trung Quốc thực hiện. Giới chức tình báo Mỹ công khai cảnh báo rằng, Trung Quốc đã tạo ra mạng lưới giám sát rộng khắp sử dụng các công nghệ tiên tiến như camera mạng, nhận dạng khuôn mặt…
Các quan chức phản gián của Mỹ từ lâu đã cảnh báo rằng, các quan chức tiểu bang và địa phương của Mỹ, thành viên của doanh nghiệp, học viện, những người đến Trung Quốc, đối mặt nguy cơ bị hack thiết bị cá nhân của họ.
FBI thường xuyên cung cấp bản tin phòng vệ cho những người Mỹ mà họ cho là có nguy cơ trở thành nạn nhân của nỗ lực gián điệp từ phía Trung Quốc.
Trong số điện thoại "cục gạch", Nokia 3320 3G hiện bán chạy nhất tại Anh. Ảnh: DCW. |
Theo Giám đốc FBI Chris Wray, FBI đang mở hơn 2.000 cuộc điều tra phản gián về những nỗ lực bị của Bắc Kinh bị cáo buộc nhằm đánh cắp thông tin công nghệ của Mỹ. Trong bài phát biểu trước công chúng tại Thư viện Tổng thống Ronald Reagan hôm thứ Hai, ông Wray nói: “Khi kiểm đếm những gì chúng tôi thấy trong các cuộc điều tra của mình, không có quốc gia nào gây ra mối đe dọa lớn hơn đối với ý tưởng, sự đổi mới và an ninh kinh tế của chúng ta như là Trung Quốc”.
Trong khi các vận động viên Mỹ được phép thi đấu tại Olympic Bắc Kinh diễn ra từ 4-20/2, chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ không cử các quan chức chính phủ tới tham dự với lý do phía Trung Quốc vi phạm nhân quyền. Chính sách tương tự cũng được áp dụng cho Paralympic mùa đông, cũng diễn ra ở Bắc Kinh (từ 4-13/3).
Trong khi đó, Trung Quốc khẳng định, việc tẩy chay ngoại giao của Mỹ và một số đồng minh đối với Thế vận hội là chính trị hóa thể thao, đi ngược lại tinh thần Olympic, China Daily đưa tin. Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cuối tháng 1, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị yêu cầu Mỹ chấm dứt “can thiệp” vào Olympic Bắc Kinh.
Điện thoại "cục gạch" Alcatel 10.66 cũng đang bán chạy ở Anh. Ảnh: DCW. |
Đơn vị nghiên cứu và chính sách chiến lược Citizen Lab của Đại học Toronto (Canada) thông báo, ứng dụng My2022 dùng để theo dõi sức khỏe và dữ liệu đi lại của vận động viên tại Olympic Bắc Kinh có lỗi bảo mật, The Guardian đưa tin. Sau đó, giám đốc kỹ thuật Yu Hong của Ban tổ chức Olympic Bắc Kinh nói rằng, mọi lỗi của ứng dụng đã được sửa, bảo đảm sẽ không có việc rò rỉ dữ liệu.