Theo Tổ chức Data & Society Research Institute, tại Mỹ có khoảng 4% người sử dụng mạng cho biết, họ từng là nạn nhân của tình trạng bị trả thù bằng ảnh hay video sex. Với nhóm đối tượng nữ dưới 30 tuổi con số trên là hơn 10%.
Tránh kiểu người bị hại "được vạ thì má đã sưng"
Hiện mạng xã hội lớn nhất hành tinh cũng có một số biện pháp ngăn chặn: nếu kẻ trả thù đăng ảnh nóng, họ sẽ vào cuộc xác minh và tiến tới loại bỏ các ảnh nóng đó.
Tuy nhiên, làm việc kiểu này khá bị động, người bị hại sau vụ việc được vạ thì má đã sưng, thiệt hại về danh dự rất lớn, vì thời gian điều tra khá dài.
Trước thực trạng trên, chi nhánh Facebook tại Úc đã cùng phối hợp với các cơ quan chức năng để ngăn chặn tận gốc nạn trả thù hay tống tiền, tình qua mạng, cho phép người dùng chủ động ngăn chặn những hình ảnh nhạy cảm bị phát tán rộng rãi.
Công việc này khá đơn giản, không mất nhiều thời gian hay kinh phí mà rất hiệu quả.
Người dùng điền thông tin vào một biểu mẫu đơn giản trên trang chủ của cơ quan phụ trách an ninh mạng Úc, tiếp theo gửi thêm những tấm hình hay video nhạy cảm mà bản thân lo ngại nguy cơ bị phát tán, thông qua ứng dụng gửi tin nhắn Messenger.
Sau đó chuyển tiếp các thông tin trên cho Facebook. Cơ quan điều hành mạng xã hội có nghĩa vụ phân tích các video, bức hình trước khi thực hiện bảo mật dữ liệu nhạy cảm bằng mã Hash (còn gọi là PhotoDNA).
Tiến tới, họ đưa dữ liệu vào hệ thống ngăn chặn nội dung đăng tải qua công nghệ nhận diện ảnh tự động.
Do đó, mục đích của kế hoạch mới này là "trao quyền cho mọi người có thể tự bảo vệ và hành động" trước khi các nội dung nhạy cảm lan truyền rộng rãi mà không cần Facebook xét duyệt.
Chặn trước khi gây hậu quả
Antigone Davis, người đứng đầu về an toàn toàn cầu của Facebook, nhấn mạnh: "An toàn và phúc lợi của cộng đồng Facebook là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi.
Với cách thức mới này, người dùng sẽ cảm thấy an toàn hơn trong thời đại số, thời đại mà chỉ mất vài giây thôi, mọi thông tin đã phát tán nhanh đến chóng mặt".
Đầu năm nay, Davis đã đề ra dự án "Sử dụng công nghệ để bảo vệ hình ảnh riêng tư của người dùng và xây dựng cộng đồng mạng xã hội an toàn".
Theo đó, kế hoạch này đã được công bố lần đầu vào tháng 4 và hiện đang được thử nghiệm tại Úc. Các báo cáo gần đây cho thấy rằng nó sẽ sớm được thử nghiệm ở Anh, Mỹ và Canada.
Chuyên viên an toàn điện tử của Úc, Julie Inman Grant, nói thêm: "Người dùng mạng xã hội hầu như không ai muốn hình ảnh riêng tư của mình xuất hiện đột ngột trên Facebook, hoặc trên ứng dụng chia sẻ ảnh Instagram, và trên cả những trang web.
Do đó, sẽ tốt hơn nếu như công nghệ này được áp dụng rộng rãi".
Carrie Goldberg, nữ luật sư chuyên đứng lên bảo vệ an ninh cho an toàn tình dục nói rằng, thế giới hiện có hơn 1 tỷ người dùng Facebook, con số này ngày càng lớn lên, đằng sau tính tương tác giao tiếp thông tin thì nơi đây có nhiều kẻ thực hiện hành vi đê hèn, trả thù tình, tống tiền.
Chính vì thế, chương trình trên đã được nhiều quốc gia hoan nghênh. Vừa ngăn chặn nạn trả thù bằng video nhay cảm, vừa không làm tổn thương tới tâm lý, thiệt hại vật chất tới nạn nhân.
Thực tế, không chỉ phương Tây, bạn trẻ nhiều nước hiện nay khi yêu nhau nồng thắm thường gửi ảnh nóng cho nhau, khi quan hệ không ngại quay video sex.
Song khi tình yêu tan vỡ, nhiều kẻ tung lên mạng hình nhạy cảm này nhằm trả thù hay tống tình, tiền gây hoang mang xã hội.
Facebook đang gấp rút tiến hành đàm phán nhằm tìm kiếm thêm sự hợp tác từ các tổ chức tư nhân và chính quyền ở nhiều nước khác nhau, từ đó giúp mở rộng chương trình mới này trong tương lai gần.
Công nghệ nhận diện hình ảnh cũng không phải là mới và đã được nhiều cơ quan chức năng tại các quốc gia sử dụng nhằm giúp truy quét hoạt động chia sẻ văn hóa phẩm khiêu dâm hoặc xâm hại tình dục trẻ em trên không gian mạng.
Nhưng công nghệ này lại dần tỏ ra thiếu hiệu quả khi kẻ xấu chỉ cần chỉnh sửa một chút là hoàn toàn có thể vượt qua vòng kiểm soát ban đầu.
Vì thế, Hash là rất quan trọng. Thực ra, công nghệ bảo mật mã Hash đã từng được gã khổng lồ công nghệ Microsoft hợp tác với Trường Đại học Dartmouth College, Anh và Trung tâm Bảo vệ Trẻ em Mất tích và Bị lạm dụng Quốc gia Hoa Kỳ tung ra năm 2009.