"Facebook thật sự nguy hiểm", đó là điều mà Maryke Steffens phải thốt lên vào ngày mà cô thức dậy, mở Facebook và thấy tất cả tin tức báo chí ở quốc gia mình đều đã biến mất.
Là một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Sydney và đại học Macquarie, chuyên gia xã hội học về tiêm chủng, cộng tác viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong đại dịch COVID-19, Steffens đủ hiểu về những hậu quả mà lệnh cấm của Facebook có thể gây ra cho nước Úc.
"Quyết định cấm các tổ chức truyền thông đăng link báo chí tin tức lên trên nền tảng mạng xã hội khổng lồ của mình được Facebook đưa ra chưa đầy một tuần trước khi cả nước Úc bắt đầu triển khai đợt tiêm chủng vắc-xin COVID-19 đầu tiên", Steffens lo lắng.
"Lệnh cấm ấy cũng đã ngăn chặn nhiều tổ chức y tế, bộ y tế của chính phủ và các tổ chức khác đăng liên kết của mình. Tác động tổng hợp từ tất cả những hiệu ứng này có thể gây ra những thiệt hại vô cùng lớn".
Tại Trung tâm Nghiên cứu và Giám sát Tiêm chủng Quốc gia Úc, nhiệm vụ của Steffens là nghiên cứu cách mà tin giả trên internet, bao gồm cả các mạng xã hội đang ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe cộng đồng.
"Khi tôi xem được tin tức về lệnh cấm của Facebook sáng nay, tôi đã bị bất ngờ bởi thời điểm mà họ ban hành nó thật khủng khiếp. Giờ là thời điểm hơn bao giờ hết, chúng tôi cần đến đến những thông tin đáng tin cậy, dựa trên bằng chứng về vắc-xin COVID-19 trên mạng xã hội", cô nhấn mạnh.
Các thông tin này sẽ là thứ mà người dân Úc tìm được trên các trang Facebook của chính phủ, Bộ Y tế, các trang báo chính thống. Nhưng bây giờ, tất cả đã bị chặn. Ngược lại, tin giả về vắc-xin được lưu hành chủ yếu trên các nhóm và tài khoản cá nhân chống vắc-xin. Chúng vẫn còn đó và giờ có thể sẽ áp đảo thông tin chính thống.
Mất cân bằng thông tin về vắc-xin
Nghiên cứu của Steffens và các nhà khoa học xã hội khác cho thấy, nhìn chung, báo chí đóng một vai trò rất quan trọng trong việc phổ biến thông tin y tế đến cho công chúng. Họ được ví như những người gác cổng, cung cấp thông tin khách quan, kịp thời và khoa học.
Đồng thời, các tài khoản Facebook báo chí cũng đấu tranh mạnh mẽ với tin giả và thông tin sai lệch về vắc-xin trên mạng xã hội. Họ trở thành một đối trọng lớn đối với các tài khoản cá nhân đang lan truyền tin tức nguy hiểm, không được kiểm chứng.
Nhưng sau quyết định cấm các trang Facebook báo chí đăng link bài dẫn về website của mình tại Úc, đối trọng này đột nhiên biến mất. "Hiện nay chúng ta có nguy cơ mất cân bằng các loại thông tin vắc-xin COVID-19 trên mạng xã hội", Steffens cảnh báo.
"Ngay cả các tổ chức y tế công cộng – bao gồm cơ quan chính phủ, viện nghiên cứu, tổ chức từ thiện và phi lợi nhuận – những người đã đóng góp rất nhiều công sức vào việc tuyên truyền thông tin đúng đắn về vắc-xin cũng bị vướng vào lệnh cấm".
Trang Facebook của Bộ Y tế Úc bị chặn giữa đại dịch.
Đó là một tình trạng đáng lo ngại. Bởi Steffens cho biết bây giờ là thời điểm mà mọi người đang "khát" thông tin về vắc-xin trước ngày Úc triển khai chiến dịch tiêm chủng COVID-19 đầu tiên. Mọi người sẽ có xu hướng tìm kiếm và đọc chúng trên Facebook.
Một mặt, Facebook từ trước đến nay vốn là nơi lan truyền rất nhiều thông tin sai lệch về vắc-xin. Mạng xã hội này gần đây đã phải thực hiện một cuộc thanh trừng lớn, nhằm hạn chế lượt tiếp cận, cấm quảng cáo và xóa đi các bài đăng truyền bá thông tin sai lệch về vắc-xin.
Nhưng mặt khác, việc cấm các phương tiện truyền thông như báo chí và các tổ chức y tế công cộng đăng tải đường link chắc chắn không giúp ích cho nỗ lực đó mà ngược lại, còn gây ra tác động tiêu cực.
Chiến dịch tiêm chủng COVID-19 tại Úc sẽ bị ảnh hưởng
Facebook hiện là nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất ở Úc, được sử dụng bởi hai phần ba dân số nước này. Vì vậy, không khó để nhận thấy khi thông tin về vắc-xin trên Facebook bị mất cân bằng, chiến dịch tiêm chủng COVID-19 sắp tới của họ sẽ bị ảnh hưởng.
"Nhiều tổ chức truyền thông đang lên kế hoạch đưa tin nhiều về việc triển khai vắc xin COVID-19. Nói chung, tôi rất ấn tượng với những nỗ lực của họ.
Các cơ quan báo chí và tổ chức truyền thông đang thực hiện rất nhiều công việc nặng nhọc nhằm chung tay với các tổ chức y tế công cộng tuyên truyền thông tin khoa học về vắc-xin COVID-19 đến người dân và lật tẩy những lầm tưởng và thông tin sai lệch về chúng", Steffens nói.
"Nhưng bằng cách giảm thiểu vai trò của phương tiện truyền thông tại thời điểm này, Facebook sẽ khiến mọi người khó tiếp cận được thông tin tốt hơn, ngay vào thời điểm họ cần chúng nhất".
Steffens nhấn mạnh rằng nước Úc nói riêng và cả thế giới nói chung đang ở trong đại dịch COVID-19, một sự kiện sức khỏe cộng đồng quan trọng. Vì vậy, Facebook có trách nhiệm đạo đức trong việc hỗ trợ các thông điệp về sức khỏe cộng đồng.
"Nhưng quyết định của họ ngày hôm nay không giúp họ đáp ứng được điều đó", cô nói.
Trước động thái lên án quyết liệt, Facebook đã khôi phục một số tài khoản của cơ quan chính phủ Úc, tổ chức từ thiện và y tế công cộng cho phép các trang này được chia sẻ link tin tức, bao gồm cả các bài viết liên quan đến chiến dịch tiêm chủng vắc-xin mới.
Họ giải thích ngoài lệnh cấm báo chí thì các trang truyền thông này chỉ vô tình bị ảnh hưởng, và Facebook sẽ khôi phục tất cả các trường hợp nào bị ảnh hưởng giống như vậy.