Bị đơn nên thuê luật sư tại Mỹ
Facebook vừa nộp đơn kiện lên tòa án tại bang California (Mỹ) để chống lại 4 người đang sống tại Việt Nam. Theo đơn kiện, nhóm bị đơn đã dùng thủ đoạn chiếm tài khoản để quảng cáo, livestream bán hàng trái phép…
Facebook cáo buộc nhóm bị đơn đã thu bất chính 36 triệu USD (827 tỷ đồng) nên đề nghị tòa án tuyên 4 người trên vi phạm pháp luật bang California; yêu cầu họ bồi thường 36 triệu USD. Trước thông tin này, nhiều người cho rằng đây là chuyện đùa, vì bị đơn đều sống ở Việt Nam nên Mỹ không thể làm gì.
TS Trần Thúy Hằng, giảng viên Đại học Luật Hà Nội, đánh giá, đây là một vụ kiện dân sự với bị đơn là công dân Việt Nam không thường trú ở Mỹ.
Do đó, tòa án tại California phải thông báo cho bị đơn về việc tham gia phiên tòa thông qua thủ tục ủy thác tư pháp theo Luật Tương trợ tư pháp của nước ta cũng như Công ước La Hay về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại năm 1965.
"Sau khi nhận được thông báo, các bị đơn có thể lựa chọn tham gia hoặc không. Tôi cho rằng, việc các bị đơn vắng mặt là sự lựa chọn không khôn ngoan vì như vậy, khả năng thua kiện rất cao. Nếu không thể tham gia, các bị đơn tại Việt Nam có thể ủy quyền cho luật sư tại Mỹ", bà Hằng nói.
Theo bà Hằng, trong vụ kiện dân sự của Facebook, các bị đơn người Việt Nam vẫn đang ở trong nước và chưa có bản án của tòa án tại Mỹ kết luận về vi phạm cũng như yêu cầu phải bồi thường thiệt hại. Do đó, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chưa thể tiến hành bảo hộ công dân.
Bà Hằng khuyên: "Các bị đơn cần tham vấn các luật sư có kiến thức về pháp luật nước Mỹ trước khi đưa ra quyết định có tham gia vào phiên tòa này hay không. Trước một nguyên đơn có đầy đủ năng lực tài chính và sự am hiểu về pháp luật, chúng ta cần cân nhắc khả năng thua kiện và bản án sẽ được thi hành theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam".
Nhiều người Việt bị tòa án nước ngoài xử thua
Được hỏi nếu trường hợp 4 người Việt Nam nói trên thua kiện, bản án sẽ được thi hành ra sao, bà Hằng cho rằng, nguyên đơn (Facebook) cần thực hiện thủ tục xin công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài.
Việc xin công nhận và cho thi hành bản án này tại đâu phụ thuộc vào bị đơn hoặc tài sản của bị đơn có thể được dùng để đảm bảo thi hành án hiện đang tồn tại trên lãnh thổ quốc gia nào.
Các bị đơn trong vụ kiện của Facebook gồm Nguyễn T, Lê K, Nguyễn Quốc B và Phạm Hữu D. Theo nguyên đơn, từ tháng 10/2020, Lê K phát triển một ứng dụng có tên "Ads Manager" và tải lên Google Play Store.
Tháng 1/2021, nó được đổi tên thành "Ads Manager for Facebook". Khi cài đặt, ứng dụng yêu cầu người dùng nhập thông tin tài khoản quảng cáo Facebook, qua đó chiếm đoạt tài khoản. Sau đó, nhóm này sử dụng thông tin để đăng nhập, chạy quảng cáo trên Facebook và Instagram.
Một trong những hình thức quảng cáo phổ biến là chạy video livestream bán hàng. Thậm chí, nhóm 4 người Việt còn cho thuê lại các tài khoản có thể chạy quảng cáo livestream hoặc quảng cáo cho các trang web bán dịch vụ tới người dùng ở Mỹ, Châu Âu, Việt Nam…
Facebook cho rằng, bằng những cách trên, 4 bị đơn người Việt đã chiếm đoạt khoảng 36 triệu USD...
TS Hằng nói thêm, giả sử tài sản của các bị đơn đều hiện diện trên lãnh thổ Việt Nam, Facebook cần làm các thủ tục để xin công nhận và cho thi hành bản án dân sự của tòa án nước ngoài tại Việt Nam. Việc này có khả năng vì nó không nằm trong các trường hợp thuộc thẩm quyền riêng biệt của tòa án Việt Nam theo Điều 440 và 470 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
"Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một trong các điều kiện. Để được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam, các bản án của tòa án nước ngoài cần thỏa mãn các quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự về loại bản án, trình tự thủ tục, không rơi vào các trường hợp không được công nhận và cho thi hành…", bà Hằng nói.
TS Hằng cho biết, hằng năm, Bộ Tư pháp nhận được nhiều đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài tại Việt Nam, trong đó có nhiều vụ bị đơn người Việt thua kiện và thực tế, đã có trường hợp doanh nghiệp Việt Nam phải thi hành án.
Bà Hằng lấy ví dụ: "Một doanh nghiệp hàng không của ta đã bị tòa án Ý tuyên thua kiện, phải bồi thường hàng triệu USD nhưng doanh nghiệp không có tài sản tại Ý.
Phía nguyên đơn sau đó đề nghị Pháp công nhận bản án tại nước này vì 2 nước có tương trợ tư pháp với nhau. Lúc này, doanh nghiệp hàng không của Việt Nam buộc phải thi hành án để giữ tài sản tại Pháp".