Gần đây, sự việc các chi nhánh của Công ty CP Kinh doanh F88 (Công ty F88) bị khám xét để phục vụ công tác điều tra các hoạt động cho vay và cưỡng đoạt tài sản nhận được nhiều sự quan tâm. Đặc biệt là sau khi công ty này vừa gọi vốn thành công 50 triệu USD vòng series C - nơi các quỹ đầu tư sẽ rót vốn với kỳ vọng đạt lợi nhuận cao và nhanh hơn nhiều lần so với các vòng gọi vốn trước.
F88 thông tin ban đầu, cơ quan chức năng đang làm việc để thu thập thông tin phục vụ cho công tác điều tra liên quan đến một nhân sự của F88. Doanh nghiệp này đang theo sát và phối hợp với cơ quan chức năng để điều tra, làm rõ vụ việc.
Được thành lập vào năm 2013, F88 là đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính cá nhân có quy mô và tốc độ phát triển nhanh tại Việt Nam. Mô hình hoạt động của doanh nghiệp này là cung cấp dịch vụ tài chính cho những khách hàng dưới chuẩn ngân hàng (unbanked và underbanked) và các doanh nghiệp siêu nhỏ (Micro SME) chưa đáp ứng được các yêu cầu của các tổ chức tài chính ngân hàng.
Hiện tại, F88 có tới 830 chi nhánh trên toàn quốc, cung cấp các dịch vụ tài chính như dịch vụ cho vay cầm cố, phân phối bảo hiểm, thanh toán và chuyển tiền. Doanh nghiệp này cũng đặt mục tiêu IPO vào năm 2024, khi đạt 1.400 chi nhánh và vốn hóa thị trường đạt 1 tỷ USD. Nguồn vốn từ đâu?
Trên website, F88 tự giới thiệu doanh nghiệp có lợi thế nguồn vốn lớn từ sự đầu tư của các quỹ đầu tư tài chính uy tín trên thế giới.
Để phát triển kinh doanh, F88 đã lựa chọn đồng hành cùng các nhà đầu tư tài chính như Mekong Capital và Granite Oak.
Năm 2017-2018, F88 đã gọi thành công vòng gọi vốn đầu tiên (serie A) từ quỹ Mekong Enterprise Fund III và vòng tiếp theo (serie B) từ quỹ Granite Oak liền sau đó.
Theo bản công bố thông tin về cơ hội đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của F88 năm 2020, ông Phùng Anh Tuấn nắm giữ 20% cổ phần F88. Quỹ đầu tư Mekong Capital nắm 41,8%. Quỹ Granite Oak giữ 12,9%.
Trong năm 2022, F88 đã huy động thành công 70 triệu USD từ các quỹ tài chính như CLSA Capital Partners (HK) Limited (Lending Ark) và Lendable (London) với mục đích mở rộng điểm bán.
Đầu năm 2023, doanh nghiệp này tiếp tục nhận 50 triệu USD (tương đương 1.185 tỷ đồng) trong vòng gọi vốn Series C với hai nhà đầu tư chính là Quỹ Việt Nam-Oman (VOI) và Quỹ Mekong Enterprise Fund IV (MEF IV).
Trong đó, Quỹ đầu tư Việt Nam Oman (VOI) góp vốn lên đến 30 triệu USD. Riêng Mekong, đây là lần thứ 3 quỹ này rót vốn cho F88, sau hai đợt đầu tư đã được công bố trước đó vào năm 2017 và 2020 khi doanh nghiệp này mới chỉ có 15 phòng giao dịch.
F88 công bố huy động thành công 50 triệu đô la Mỹ vòng Series C hôm 2/3.
Bên cạnh đó, để đẩy nhanh tốc độ chiếm lĩnh thị trường, từ năm 2022, doanh nghiệp kết hợp với các ngân hàng quốc tế như CIMB Việt Nam (chi nhánh của tập đoàn CIMB có nguồn gốc từ Malaysia) và Kasikornbank (Kbank- Thái Lan) để phân phối các sản phẩm tài chính, trong đó có các khoản vay theo hình thức cầm cố tài sản.
Gần đây, F88 cho biết, doanh nghiệp này bắt tay với Thế Giới Di Động triển khai dịch vụ vay tiền mặt xuống toàn miền Tây và 3 tỉnh miền Đông, khoản vay đến 20 triệu. Hình thức giải ngân sẽ là tiền mặt và chuyển khoản song song áp dụng từ nửa cuối tháng 3/2022.
Trong giai đoạn thử nghiệm ban đầu, khách hàng có thể đến các cửa hàng của Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh tại Hồ Chí Minh vay tiền mà không cần phải mua hàng. Tuy nhiên, hiện tại chỉ giải ngân qua tài khoản ngân hàng, khách hàng cần phải có tài khoản ngân hàng để sử dụng dịch vụ vay của F88.
Với sự hậu thuẫn của các nhà đầu tư ngoại và bắt tay nhiều đối tác, doanh nghiệp này đã phát triển từ 300 phòng giao dịch vào tháng 1/2021 lên hơn 830 phòng giao dịch vào tháng 1 năm 2023. Tốc độ tăng trưởng dư nợ và doanh thu trung bình của F88 đạt gần 200%/năm trong ba năm liên tiếp gần.
Thậm chí, F88 dự kiến năm nay sẽ giải ngân tới 1 tỷ USD và sẽ chính thức IPO vào năm 2024 với 1.400 phòng giao dịch, quy mô vốn hóa đạt 1 tỷ USD.