Chúng tôi, thế hệ F1
Ngành chế biến gỗ có đặc thù hầu hết phát triển từ thợ mộc ở cơ sở nhỏ lẻ, vươn dần thành doanh nghiệp lớn, mang dấu ấn công ty gia đình đậm nét. Vì vậy thế hệ khai mở luôn trăn trở tìm kiếm người kế thừa. F1 ra đời từ mong muốn của những doanh nhân kỳ cựu tại Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA), tập hợp các con em để giao lưu học hỏi hướng đến kế thừa sản nghiệp gia đình.
Dương Thị Minh Tuệ, Chủ nhiệm CLB F1 là ái nữ của ông Dương Minh Chính, nhà sáng lập Công ty gỗ Minh Dương. Sau khi tốt nghiệp NUS (Singapore), Tuệ làm việc ở một số nơi. Nhưng khi nhìn thấy cơ nghiệp cha mẹ mình gầy dựng suốt mấy chục năm cần có người trợ giúp, Tuệ gật đầu “về với gia đình” ở vị trí Giám đốc Tiếp thị và kinh doanh. Gỗ Minh Dương là công ty lớn với gần 20 năm hoạt động trong lĩnh vực nội thất, mỗi tháng xuất khẩu hàng trăm container ra thị trường quốc tế. “Đó là một áp lực lớn với những người thừa kế như chúng tôi. Quay về kế nghiệp bố mẹ, ban đầu, tôi ngợp, vì mình còn trẻ, không am tường con đường của thế hệ trước. Cũng như nhiều bạn F1, kế nghiệp không chỉ là công việc mà còn là trách nhiệm với gia đình” - Tuệ nói.
Phạm Chân Quang, một thành viên gạo cội khác của F1, tốt nghiệp ngành Kỹ sư đô thị tại Đại học UCI (Mỹ) và Kiến trúc tại The Florence Institute of Design International (Ý). Sau 10 năm sống và làm việc tại Mỹ, chàng trai sinh năm 1987 này quyết định trở về Việt Nam theo lời động viên của cha mẹ để điều hành Công ty CP Gỗ Tân Thành, một doanh nghiệp lớn của ngành gỗ.
Ở Tân Thành, 60% trong tổng số hơn 1.000 công nhân được ở trong các chung cư do công ty xây, có trường mẫu giáo, nhà ăn, có xe đưa rước học sinh đi học. Về tiếp quản, Phạm Chân Quang đứng ra tổ chức các lớp học cho công nhân nâng cao trình độ, lớp tiếng Anh miễn phí cho con em công nhân. Mỗi cuối tuần anh lại tổ chức giao lưu văn nghệ, câu cá, thể thao. Anh chia sẻ: “Cha mẹ đã cho tôi một bài học về cách đối xử tốt với người lao động để họ yên tâm và gắn bó với công ty như gia đình. Tôi phải tiếp tục nền tảng văn hóa đó và muốn làm tốt hơn”.
Gần 30 thành viên F1 toàn các bạn trẻ 8X, 9X hậu duệ của các doanh nghiệp gỗ lớn. Tất cả đều được học hành bài bản, đủ đầy, có năng lực nên dù sinh ra đã có nhiều thuận lợi. nhưng ban đầu không hẳn ai cũng có đam mê với nghề của cha mẹ. Đa phần các bạn trẻ, giỏi ngoại ngữ, du học các ngành thời thượng và mong muốn phát triển sự nghiệp riêng. Trong F1, có rất nhiều cái tên “kế nghiệp” đang giữ trọng trách cao tại doanh nghiệp: Phùng Quốc Cường (Bảo Hưng Furniture), Nguyễn Hoàng Noel (Hố Nai), Nguyễn Hoài Bảo (Scansia Pacific), Lê Nguyễn Anh Tuấn ( Đức Lợi 2), Nguyễn Khoa (Bình BFC)…
Các thành viên F1 cho rằng, ngay ở Trung Quốc, Malaysia, Mỹ hay nhiều nước có ngành chế biến gỗ phát triển, đều phải đối mặt với việc mất đi thế hệ kế thừa. Thế hệ thứ nhất xây dựng cơ nghiệp và kiên trì theo đuổi nó, nhưng thế hệ thứ 2, có điều kiện đi học nước ngoài, nhìn thấy những ngành hấp dẫn hơn, thời thượng hơn thì không muốn kế nghiệp gia đình. Công việc sản xuất đồ gỗ không hề đơn giản, đầy thử thách và đòi hỏi người trẻ phải rất kiên trì.
Khác con đường, chung đích đến
Mang tiếng là “thiếu gia”, nhiều thành viên F1 cứ 5 giờ sáng đã bắt đầu xuống xưởng. Ngày nghỉ, khi bạn bè đi chơi thì họ gặp khách hàng, rà soát công việc, lên kế hoạch cho tuần mới. Là những người trẻ, cởi mở và cầu tiến, F1 khởi xướng kiến tạo các giá trị mới, gây dựng tính cộng đồng trong kinh doanh của ngành, điều mà trước đây, các doanh nhân đi trước chưa chú ý.
Theo Tuệ, áp lực của những F1 kế nghiệp là ảnh hưởng của thế hệ trước đã in dấu quá lớn suốt hàng chục năm. Sự khác biệt trong cách nghĩ, cách làm của người trẻ với người lớn luôn tồn tại. “Khi cha mẹ mong muốn con kế nghiệp, giao cho một vị trí ở công ty, nghĩa là họ kỳ vọng mình đủ năng lực để cùng lèo lái con thuyền. Khởi nghiệp khó 1 thì kế nghiệp khó 10. Bạn chỉ được làm cho nó phát triển hơn. Thất bại đồng nghĩa với làm mất đi cả sản nghiệp gia đình. F1 tổ chức các buổi gặp gỡ, giao lưu, tổ chức các hoạt động chung và nhất là cùng nhau học hỏi và chia sẻ những “nỗi niềm” của người kế nghiệp. Chúng tôi hiểu khát vọng và nỗi niềm của nhau”.
Từ những “nỗi niềm” chung, các thành viên F1 dần quý mến và gần gũi nhau hơn. Các thành viên có những chia sẻ về nghề, giải quyết những bài toán khó trong công việc và có động lực đi tiếp. Từ mối liên kết này, một số công ty sẽ tìm ra được điểm chung kết nối về mặt kinh doanh, chia sẻ các cơ hội, tạo nguồn lực lớn hơn khi có những đơn hàng lớn từ nước ngoài.Khởi nghiệp khó 1 thì kế nghiệp khó 10. Bạn chỉ được làm cho nó phát triển hơn. Thất bại đồng nghĩa với làm mất đi cả sản nghiệp gia đình.
Dương Thị Minh Tuệ
F1 không chỉ hoạt động trong nước mà còn tham gia nhiều hoạt động với những “đồng niên” quốc tế qua những sự kiện: Giao lưu doanh nhân trẻ ngành nội thất Đông Nam Á (AYFE) tại Indonesia, Giao lưu doanh nhân trẻ Hiệp hội gỗ Đông Quản (Trung Quốc), Diễn đàn doanh nhân trẻ Đông Nam Á…
Thời gian tới, F1 sẽ tập trung tạo ra các hoạt động giao lưu cho nhiều bạn trẻ, không phân biệt là “con em trong ngành”, đồng thời gia nhập vào các hệ sinh thái khởi nghiệp để giao lưu với ngành ngoài: logistics, thương mại điện tử, thiết kế, marketing... “Một khi chúng ta tập hợp được các bạn trẻ ở các lĩnh vực khác có ý tưởng tốt và tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ nghĩa là ngành gỗ sẽ có được lực lượng hùng hậu để hội tụ và phát triển ngành”, Tuệ nhận định.
Phạm Chân Quang, chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp cùng các bạn trẻ
Ngành đồ gỗ hùng mạnh của Trung Quốc mất 30 năm để đi từ gia công thuần đến tạo được thương hiệu. Việt Nam có phải tốn khoảng thời gian dài như vậy không? Thủ lĩnh F1 tự tin: “Không cần, vì chúng ta đã có những người đi trước thử nghiệm, đã “trả học phí” cho những sai lầm, và có thể chia sẻ kinh nghiệm lại cho thế hệ sau”.