Trung tướng Jon Davis, phó chỉ huy các phi đội máy bay của Lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ đã mô tả hoạt động huấn luyện tại căn cứ không quân Yuma, bang Arizona (Mỹ) mà F-35 đã tham gia.
Ông cho biết, trong khi một nửa số máy bay tham gia vào cuộc diễn tập như Boeing AV-8B Harrier, F/A-18C và EA-6B Prowlers không thể vượt qua hệ thống phòng không hiện đại của bài huấn luyện, F-35 lại có thể tiêu diệt chúng mà không gặp mấy khó khăn.
Máy bay F-35 của Mỹ
“F-35 đã tiêu diệt toàn bộ mục tiêu có mặt”, ông Davis nói. “Cảnh tượng giống như một con thằn lằn sấm đang săn mồi vậy. Chúng tôi rất mong chờ được sử dụng loại máy bay đó”.
Ông Davis không nói rõ máy bay F-35 đã phải đối đầu với những hệ thống tên lửa phòng không hiện đại nào, song ông cho biết Lực lượng Thủy quân Lục chiến đã tiến hành kiểm tra kỹ thuật đối với F-35 và đang tuyển người để vận hành máy bay.
Tuy nhiên, phiên bản F-35 dành cho lực lượng này (còn có tên gọi khác là F-35B) đến nay mới chỉ có thể cất cánh và được trang bị rất ít vũ khí. Trong khi đó, quân đội Mỹ phải nâng cấp cơ sở hạ tầng hiện đại để hỗ trợ các phi công huấn luyện.
Ngay cả khi F-35 phát huy được hết khả năng chiến đấu của mình trong các buổi huấn luyện, nhiều người vẫn nghi ngờ về tính hiệu quả của loại máy bay này trước các hệ thống phòng không tân tiến của Trung Quốc và Nga.
Nga đã và đang đầu tư phát triển các loại radar bước sóng dài hoạt động trên các dải tần UHF và VHF trong vòng hai thập kỷ qua nhằm đối phó với các loại máy bay tàng hình của Mỹ, cụ thể là máy bay ném bom chiến lược B-2 Spirit mới ra mắt của Mỹ.
“Vấn đề ở đây là mức độ bí mật của các máy bay hiện đại của Mỹ sẽ như thế nào khi hoạt động trong các khu vực có radar bước sóng dài UHF/VHF, được thiết kế để có thể xác định những loại phi cơ tàng hình”, ông Mike Kofman, một nhà nghiên cứu công nghệ quân sự của Nga trả lời tạp chí National Interest.
“Có thể F-35 sẽ qua mặt các loại radar này, nhưng bản thân nó là một chiếc máy bay đắt tiền và sẽ gặp khó khăn khi tìm cách thoát thân”.
Ngoài ra, ông Kofman cho biết F-35 còn có một điểm yếu lớn khác, đó là động cơ Pratt & Whitey F135 của nó.
Mặc dù có công suất rất lớn khi có thể tạo ra lực đẩy cực lớn, song nó cũng dễ nóng lên khi hoạt động. Khác với máy bay F-22 Raptor với động cơ F119 được thiết kế có hình dáng phẳng để giảm bớt tín hiệu nhiệt, thiết kế của F-35 không có cách nào để ngăn đối phương nhận ra được động cơ của máy bay.
Nga có rất nhiều hệ thống cảm biến hồng ngoại lợi hại, và họ có thể dùng tín hiệu nhiệt của F-35 để phát triển một loại vũ khí mới để đối phó với F-35.
“Có thể nói rằng F-35 có động cơ nóng nhất trên thế giới hiện nay”, ông Kofman nói. Vì vậy, Lầu Năm Góc phải chủ yếu tập trung khắc phục nhược điểm này, nếu không trong tương lai nó sẽ khiến F-35 gặp khó khăn trong chiến đấu.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.