Theo nguồn tin này, hệ thống càng đáp của phiên bản F-35C tạo ra rung động quá mạnh khi máy bay rời hệ thống máy phóng. Điều này có thể làm phi công tổn thương vùng đầu do gia tốc quá mạnh hoặc mất kiểm soát tạm thời khi máy bay cất cánh.
"Tác động lên vùng đầu của phi công đủ để tạo ra những nguy hiểm không thể lường trước", Business Insider đăng tải.
Những đánh giá liên quan tới lỗi thiết kế hệ thống càng đáp trên máy bay F-35C được thu thập dựa trên thông tin khai báo của 105 phi công.
74 người trong số họ cho biết, khi máy bay cất cánh, họ phải chịu một gia chấn gây cảm giác đau đớn mức trung bình (độ 3), 18 người khác chịu mức đau đớn độ 4 (trên mức chịu đựng thông thường) và 1 trường hợp cho biết cơn đau phải chịu đựng khi F-35C cất cánh là "không thể chấp nhận được".
Biến thể F-35C dành cho Hải quân Mỹ
Trước đó, hồi tháng 12-2016, lãnh đạo chương trình F-35 thuộc Lầu Năm góc, Trung tướng Christopher Bogdan đã thừa nhận phát hiện nhiều vấn đề và trục trặc trên lô F-35C đầu tiên bàn giao cho Hải quân Mỹ.
Ông này khẳng định, chỉ một số lượng nhỏ F-35C bàn giao gặp lỗi và vấn đề gia tốc quá tải gây tổn thương cho phi công sẽ biến mất khi máy bay F-35C cất cánh với đầy đủ vũ khí và nhiên liệu ở trạng thái chiến đấu. Tuy nhiên, Lầu Năm góc sau đó đã phải thành lập đoàn điều tra độc lập mang tên "Đội đỏ" liên quan tới vấn đề trên.
Theo kế hoạch hiện tại, F-35C sau khi vượt qua giai đoạn thử nghiệm sẽ chính thức phục vụ trong biên chế Hải quân Mỹ từ năm 2019. Trong khi đó, các biến thể dành cho Không quân F-35A đã được chấp nhận trang bị từ tháng 8-2016 và biến thể dành cho Thủy quân lục chiến F-35B được chấp nhận từ tháng 8-2015.
Hiện tại, chương trình Máy bay tấn công liên quân (JSF) phát triển máy bay F-35 đang nhận nhiều lời chỉ trích vì bội chi ngân sách và các phiên bản của máy bay không đạt được tính năng như kỳ vọng thiết kế.
Giới chuyên gia đánh giá, tổng chi phí của chương trình máy bay F-35, bao gồm cả chi phí dịch vụ duy trì hoạt động của dòng máy bay thế hệ 5 trong 55 năm tới, ở thời điểm hiện tại đã chạm mốc 1.500 tỷ USD. Con số này còn có thể tăng thêm, nếu số lượng máy bay F-35 Mỹ và các quốc gia đặt mua tiếp tục giảm.
Được thiết kế với nhiều tính năng tân tiến, trong đó có khả năng tàng hình, Bộ Quốc phòng Mỹ dự kiến chi ra 392 tỷ USD để mua 2.442 máy bay F-35 (mức giá dự kiến mỗi máy bay là 160 triệu USD). Tuy nhiên, giá thành của F-35 có thể sẽ tăng lên nhiều do các lỗi kỹ thuật và quá trình phát triển chậm tiến độ tới 7 năm.