Video một đôi F-35 của Israel hộ tống B-52 Mỹ (nguồn: Quốc phòng Israel):
"Chuyến bay được triển khai như trong khuôn khổ hợp tác với quân đội Mỹ, một lực lượng quan trọng trong đảm bảo an ninh quốc gia cho nhà nước Israel, duy trì ổn định của khu vực và ngăn chặn các mối đe dọa trong khu vực”, quân đội Israel cho biết trong một tuyên bố.
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) lưu ý chuyến bay ngày 10/11 là lần đầu tiên nước này triển khai máy bay chiến đấu F-35I Adir (phiên bản F-35 dành cho Israel) để hộ tống máy bay ném bom Mỹ. Chuyến bay này cũng là một phần trong loạt cuộc tập trận và huấn luyện nhằm cải thiện khả năng hoạt động của IDF và tăng cường mức độ sẵn sàng cho mọi tình huống.
Các máy bay F-35 của Israel được trang bị các bộ công cụ tác chiến điện tử, cảm biến cũng như được thay đổi để tương thích với vũ khí do Israel sản xuất.
Israel đặt hàng tập đoàn Lockheed 50 chiến đấu cơ F-35 và tính đến nay, quốc gia này đã nhận được 33 chiếc.
Đây cũng là lần thứ 2 kể từ tháng 9 IDF điều động chiến đấu cơ hộ tống máy bay ném bom B-52 của Mỹ bay qua quốc gia này. Lần hộ tống trước có sự tham gia của chiến đấu cơ F-16i.
Trong nhiều thập kỷ trở lại đây, không quân Mỹ thường xuyên điều động máy bay ném bom B-52 đến Vịnh Ba Tư trong bối cảnh căng thẳng với các đối thủ trong khu vực như Iran tiếp tục leo thang.
Tiến trình làm tan băng trong quan hệ Iran - Mỹ sau khi Tổng thống Joe Biden đắc cử đã bị đảo ngược trong năm nay do Tehran và Washington không thống nhất được các điều kiện để Mỹ chấp thuận tham gia lại Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA). Đây là một thỏa thuận mang tính bước ngoặt được ký kết vào năm 2015, đặt ra các quy định đối với chương trình năng lượng hạt nhân của Iran để đổi lấy việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.
Hồi tháng 5, các lực lượng Mỹ đã tham gia cùng không quân Israel trong cuộc tập trận mô phỏng tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng hạt nhân của Iran.
Đến tháng 7, Tổng thống Biden lên tiếng cảnh báo Washington sẽ sẵn sàng đặt dấu chấm hết cho JCPOA để tiếp tục liệt lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) của Iran vào trong danh sách khủng bố. Trước đó, Tehran yêu cầu Washington bỏ IRGC ra khỏi danh sách và coi đây là một điều kiện để khôi phục thỏa thuận JCPOA.
Về phần mình, Israel từ lâu luôn chỉ trích JCPOA và nhiều lần nhấn mạnh họ không bị ràng buộc bởi các điều khoản thỏa thuận.