EU và Anh trừng phạt nhiều cá nhân và thực thể Nga

Quang Dũng |

Liên minh châu Âu cùng chính quyền Anh ngày 22/02 đã chính thức công bố các lệnh trừng phạt nhằm vào nhiều cá nhân và tổ chức tại Nga nhằm đáp trả việc Nga công nhận độc lập của hai nhà nước ly khai ở Donbass, miền Đông Ukraine.

Ông Josep Borrell.

Ông Josep Borrell.

Các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu được Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU, ông Josep Borrell và Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian công bố trong cuối giờ chiều ngày 22/2, sau khi Ngoại trưởng các nước EU có cuộc họp bất thường tại thủ đô Paris của Pháp, bên lề Diễn đàn về hợp tác tại Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Theo quyết định được đưa ra, EU sẽ trừng phạt 27 cá nhân và thực thể Nga mà EU cho rằng đã đóng vai trò quan trọng trong việc xâm phạm chủ quyền của Ukraine. Toàn bộ 51 thành viên của Duma quốc gia, tức Hạ viện Nga, sẽ nằm trong diện trừng phạt của EU, chủ yếu là các biện pháp cấm đi đến lãnh thổ các nước EU cũng như đóng băng tài sản của các cá nhân này nếu có tại các nước EU.

Ngoài ra, một số ngân hàng cũng như công ty trong lĩnh vực quốc phòng của Nga cũng bị đưa vào danh sách trừng phạt. Những thực thể này sẽ bị hạn chế tiếp cận với thị trường vốn tại các nước EU. Phát biểu khi công bố các gói trừng phạt, ông Josep Borrell cho rằng, các lệnh trừng phạt này sẽ khiến Nga gánh hậu quả kinh tế nặng nề, nhưng tuyên bố EU vẫn chưa từ bỏ các nỗ lực tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho khủng hoảng Ukraine.

“Các lệnh trừng phạt chỉ là một phần của câu trả lời. Các nỗ lực ngoại giao sẽ được tiếp tục nhằm tránh việc bùng phát chiến tranh ở giữa trung tâm châu Âu. Tôi hoàn toàn nhất trí với Liên Hợp Quốc rằng nguy cơ một xung đột lớn là hiện hữu và cần phải ngăn chặn bằng mọi giá. Do đó chúng tôi sẽ tiếp tục các nỗ lực của mình tại Liên Hợp Quốc và Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu – OSCE, đặc biệt là với OSCE nhằm đưa nước Nga trở lại bàn đàm phán" - ông Josep Borrell nói.

Bên cạnh Liên minh châu Âu, chính phủ Đức trước đó cũng đã ra thông báo sẽ tạm ngưng tiến trình phê chuẩn cho dự án đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc 2” đi vào hoạt động. Lí giải cho quyết định này, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng tình hình hiện nay đã thay đổi căn bản và nước Đức không thể cho phép dự án lớn hợp tác với Nga được triển khai một cách bình thường.

Dự án đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc 2” trị giá 10 tỷ euro, dẫn khí đốt trực tiếp từ Nga sang Đức qua biển Baltic từ lâu nay đã luôn bị nhiều nước phương Tây gây sức ép buộc chính phủ Đức hủy bỏ, bởi cho rằng dự án khiến châu Âu phụ thuộc nhiều vào vũ khí năng lượng của Nga. Việc xây dựng dự án này đã hoàn tất và chỉ chờ triển khai.

Chiều ngày 22/2, chính phủ Anh cũng đã công bố các lệnh trừng phạt của nước này nhằm vào Nga. Phát biểu trước các nghị sĩ Hạ viện Anh, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết Anh sẽ áp lệnh trừng phạt nhằm vào 5 ngân hàng và 3 doanh nhân người Nga mà phía Anh cho rằng có quan hệ mật thiết với chính quyền Nga. Những ngân hàng và cá nhân này sẽ bị phía Anh đóng băng tài sản tại Anh và cấm nhập cảnh vào Anh. Đây được xem là lần đầu tiên Anh ra lệnh trừng phạt nhằm vào những cá nhân người Nga có tài sản lớn, một chủ đề nhạy cảm do Anh là nơi cư trú của rất nhiều doanh nhân Nga có thế lực.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng cho biết, đây chỉ là một phần trong gói trừng phạt mà Anh đã chuẩn bị và những biện pháp cứng rắn hơn sẽ được áp dụng đồng bộ với Mỹ và EU, trong trường hợp phương Tây cho rằng Nga tấn công toàn diện Ukraine./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại