Hội nghị tập trung vào tiến trình đàm phán gia nhập EU sau khi Ukraine thực hiện tất cả các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC). Theo Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba, Ukraine đang chuẩn bị trình bày kết quả thực hiện toàn bộ 7 khuyến nghị của Ủy ban châu Âu tại hội nghị với kỳ vọng nhận được những đánh giá tích cực từ phía khối này.
EU và Ukraine. Ảnh: Europa.
Chủ đề ưu tiên sẽ được các bên đưa vào bàn thảo là triển vọng bắt đầu quá trình đàm phán gia nhập EU sớm nhất có thể. Ukraine tin tưởng vào tiến bộ đáng kể trong quá trình tiếp cận thị trường nội khối của EU và hợp tác năng lượng. Bên cạnh đó, tình hình an ninh, công tác triển khai Công thức Hòa bình của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và vấn đề tái thiết sau xung đột cũng sẽ được xem xét. Kết thúc hội nghị, EU và Ukraine dự kiến sẽ ký kết một số văn kiện và ra tuyên bố chung.
Giới lãnh đạo Ukraine đang đặt nhiều kỳ vọng nước này sẽ trở thành thành viên EU trong vòng chưa đầy hai năm sau khi các cuộc đàm phán về việc gia nhập bắt đầu. Song nguồn tin trong phái đoàn châu Âu dự Hội nghị thượng đỉnh Ukraine - EU vừa tiết lộ với hãng truyền thông Tass rằng, dù ghi nhận Ukraine đã trải qua một hành trình dài, đạt được tiến bộ trong cải cách, nhưng EU hiện tại không có ý định rút ngắn quy trình gia nhập của Kiev. Lập trường của khối này vẫn là Ukraine chỉ có thể gia nhập cộng đồng châu Âu sau khi không còn xung đột trên lãnh thổ nước này.
Giữa lúc cuộc xung đột tại Ukraine vẫn chưa đi tới hồi kết, Hội nghị thượng đỉnh EU – Ukraine được tin rằng sẽ gửi đi thông điệp đoàn kết, đồng thời khuyến khích chính quyền Kiev tiếp tục các nỗ lực cần thiết để đạt được mục tiêu trở thành thành viên EU.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von Der Leyen vừa khẳng định: "Châu Âu đã sát cánh cùng Ukraine ngay từ ngày đầu tiên bởi vì chúng tôi biết rằng tương lai của lục địa chúng ta đang được viết nên ở đây. Chúng tôi biết rằng các bạn đang chiến đấu vì nhiều thứ hơn là cho chính mình.”
Ngoài nhấn mạnh cam kết hỗ trợ Ukraine hội nhập sâu hơn nữa sau khi trao cho nước này quy chế ứng cử viên hồi tháng 6 năm ngoái, việc hàng chục quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) hôm qua đã đến thủ đô Kiev của Ukraine phần nào cho thấy nỗ lực tái khẳng định cam kết của khối về hỗ trợ quân sự, tài chính và chính trị cho quốc gia Đông Âu này. Hội nghị thượng đỉnh EU-Ukraine được tổ chức chỉ 1 ngày sau khi Chính phủ Ukraine và Ủy ban châu Âu có các cuộc tham vấn được ghi nhận "lần đầu tiên trong lịch sử". Các quan chức hai bên sẽ tiếp tục trao đổi việc gửi thêm vũ khí và tài chính cho Ukraine, cũng như tăng thị phần các sản phẩm của Ukraine tại thị trường EU, giúp nước này đáp ứng nhu cầu năng lượng và một số vấn đề khác.
Đây là Hội nghị thượng đỉnh EU- Ukraine đầu tiên được tổ chức kể từ tháng 2/2022 và được xem là nhằm gửi đi thông điệp mạnh mẽ tới Nga trong bối cảnh xung đột tại Ukraine chuẩn bị bước sang năm thứ 2. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushco hôm 2/2 cảnh báo, các bước đi của phương Tây chỉ làm kéo dài hơn nữa cuộc xung đột. Ông đồng thời tuyên bố, Nga không có kế hoạch trở lại Hội đồng châu Âu, cho rằng cơ chế này đã không còn là một tổ chức thúc đẩy sự thống nhất của các quốc gia châu Âu. Nga đã rút khỏi Hội đồng châu Âu từ tháng 3/2022 nhằm phản đối sự can thiệp ngày càng sâu của phương Tây vào mối quan hệ giữa Nga và Ukraine./.