EU trước bài toán khó về áp trần khí đốt

Hồng Nhung |

Áp trần giá khí đốt để kiểm soát giá năng lượng tăng cao là chủ đề chính của Hội nghị không chính thức bộ trưởng năng lượng các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) diễn ra hôm qua (12/10).

Ảnh minh họa: Reuters

Ảnh minh họa: Reuters

Tuy nhiên, kết thúc hội nghị, các nước thành viên Liên minh châu Âu vẫn chưa đưa ra được quyết định nào về vấn đề này. Trong khi đó, Nga tiếp tục ra cảnh báo về nguồn cung năng lượng.

Phát biểu với báo giới sau khi cuộc họp kết thúc, Cao ủy Năng lượng Liên minh châu Âu Kadri Simson cho biết, khối này vẫn chưa có đủ sự ủng hộ của các nước thành viên để áp trần khí đốt của Nga. Vấn đề “gai góc” này sẽ được để lại thảo luận tiếp tại Hội nghị Thượng đỉnh chính thức của khối diễn ra vào tuần tới tại Bỉ. Để tạm thời kiểm soát giá khí đốt tăng cao, Liên minh châu Âu mới chỉ thống nhất về việc mua chung khí đốt trước mùa Hè 2023 nhằm tăng cường đoàn kết và tiết kiệm năng lượng:

“Chúng tôi sẽ đề xuất các giải pháp áp trần khí đốt vào ngày 18/10 tới. Đó phải là các giải pháp phải nhận được sự đồng thuận cao nhất của các nước thành viên”.

Áp trần khí đốt được xem là vấn đề gai góc gây tranh cãi trong nội bộ Liên minh châu Âu hiện nay. Một số nước như Italy, Ba Lan và Hy Lạp ủng hộ áp giá trần với khí đốt. Tuy nhiên, một số nước nhập khẩu lượng lớn khí đốt từ Nga - trong đó có Hungary, Slovakia và Áo lên tiếng phản đối giải pháp này vì lo ngại Nga sẽ cắt đứt dòng chảy khí đốt, khiến đất nước của họ rơi vào suy thoái. Ngay bản thân Ủy ban châu Âu (EC) cũng không mấy hào hứng với ý tưởng này, vì lo ngại Liên minh châu Âu sẽ mất lợi thế trước các nước sẵn sàng trả nhiều hơn để mua khí thiên nhiên hóa lỏng.

Theo đánh giá của giới phân tích, việc áp giá trần với khí đốt của Nga không đơn giản. Bởi lẽ, biện pháp này có thể dễ dàng bị phá vỡ nếu các nước ngoài Liên kinh châu Âu như Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục mua dầu của Nga trên mức giá trần. Bên cạnh đó, nếu áp đặt giải pháp này, Liên minh châu Âu sẽ phải đối mặt với vô vàn khó khăn về nguồn cung năng lượng trong bối cảnh mùa đông sắp đến gần. Nga có thể trả đũa bằng cách cắt giảm mạnh hơn lượng khí đốt cung cấp cho châu Âu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó đã nhiều lần cánh báo sẽ ngừng xuất khẩu năng lượng đến các nước tham gia áp trần. Lời cảnh báo này tiếp tục được người đứng đầu nước Nga nhấn mạnh một lần nữa tại phiên họp toàn thể “Năng lượng toàn cầu trong thế giới đa cực” trong khuôn khổ Diễn đàn quốc tế Tuần Năng lượng Nga lần thứ 5 diễn ra ở thủ đô Moscow hôm qua (12/10)

“Chúng tôi sẽ không cung cấp năng lượng cho các quốc gia áp trần khí đốt - những người muốn đưa ra những biện pháp chèn ép đối tác, làm xấu quy định của thị trường. Chúng ta đang sống trong một môi trường có những người như vậy. Tôi không thể để bản thân quốc gia mình bị tổn thương trước những động thái như vậy”.

Theo kế hoạch, Ủy ban châu Âu sẽ đưa ra những đề xuất chi tiết hơn về các biện pháp chống tăng giá năng lượng, trong đó có việc áp trần khí đốt tại Hội nghị Thượng đỉnh chính thức của khối tại Bỉ trong các ngày 20 và 21/10 tới. Đây được xem là một bài toán khó, một thách thức không nhỏ đối với Liên minh châu Âu hiện nay. Khi các nước chia rẽ quan điểm, Ủy ban châu Âu - cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo các đề xuất pháp lý trong Liên minh châu Âu sẽ phải theo đuổi các chính sách nhằm đoàn kết 27 thành viên./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại