EU nhất trí về kế hoạch "tự nguyện cắt giảm khí đốt" chưa từng có: Vẫn có những ngoại lệ

Hồng Anh |

Các quốc gia EU không thuộc diện miễn trừ sẽ tự nguyện phấn đấu giảm 15% lượng khí đốt tiêu thụ từ tháng 8/2022 đến mùa xuân năm 2023.

EU đạt đồng thuận về kế hoạch chưa từng có tiền lệ

Đài RT (Nga) đưa tin, hôm 26/7 vừa qua, các bộ trưởng năng lượng của EU đã nhất trí về một kế hoạch "tự nguyện cắt giảm lượng khí đốt tiêu thụ" chưa từng có tiền lệ trong lịch sử.

Kế hoạch tự nguyện cắt giảm này sẽ được áp dụng từ tháng 8/2022 đến mùa xuân năm 2023, kèm theo một số điều khoản miễn trừ dành cho một số quốc gia.

"Đây không phải là Nhiệm vụ bất khả thi! Các bộ trưởng đã đạt được thỏa thuận chính trị về việc cắt giảm lượng khí đốt tiêu thụ trước mùa đông sắp tới", tài khoản Twitter của Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu của Cộng hòa Séc thông báo hôm 26/7.

RT nhận định rằng kế hoạch này mở ra cánh cửa cho việc phân phối khí đốt trên toàn khối EU, một điều sẽ ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp nhưng chưa tác động nhiều tới các hộ gia đình và các dịch vụ thiết yếu như trường học và bệnh viện, trừ khi tình hình diễn biến xấu hơn đáng kể.

Theo The Guardian, các quốc gia EU không thuộc diện miễn trừ sẽ tự nguyện phấn đấu giảm 15% lượng khí đốt tiêu thụ. Trong trường hợp có một cú sốc lớn về nguồn cung khí đốt, chẳng hạn như kịch bản Nga "khóa van" hoàn toàn sang EU, thì khối này có thể ban bố tình trạng khẩn cấp và đưa mục tiêu cắt giảm 15% trở thành bắt buộc, có hiệu lực ngay lập tức.

Ba quốc gia không kết nối với mạng lưới khí đốt của EU là Cyprus, Ireland và Malta sẽ được miễn trừ điều khoản tiết kiệm năng lượng bắt buộc.

Kế hoạch "tự nguyện cắt giảm" này cũng cho phép bất cứ quốc gia thành viên nào của EU - đặc biệt là những nước có ít kết nối với mạng lưới khí đốt, hoặc những quốc gia đang đối mặt với sự cố về nguồn cung cấp điện, sẽ có quyền đăng ký từ chối cắt giảm.

EU nhất trí về kế hoạch tự nguyện cắt giảm khí đốt chưa từng có: Vẫn có những ngoại lệ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

The Guardian cho biết hầu hết các bộ trưởng năng lượng của 27 quốc gia thành viên EU đều ủng hộ kế hoạch tự nguyện cắt giảm 15% lượng khí đốt sử dụng trong mùa đông.

Tuy nhiên, RT dẫn nguồn đài truyền hình Tây Ban Nha La Sexta cho hay Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha không hài lòng về thỏa thuận này và đã đàm phán cắt giảm 7% thay vì 15%. Ngoài Cyprus, Ireland và Malta, các quốc gia vùng Baltic cũng được miễn trừ.

Reuters cho biết Hungary cũng phản đối kế hoạch này do phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt của Nga.

Trong diễn biến có liên quan, Tập đoàn năng lượng quốc doanh Nga Gazprom hôm 25/7 vừa thông báo sẽ tạm ngừng vận hành tuabin thứ hai của đường ống Nord Stream 1, dẫn đến việc nguồn cung khí đốt qua đường ống này tới Đức sẽ tiếp tục giảm 20% công suất. Lý do được Nga đưa ra là do các quy định kỹ thuật yêu cầu bộ phận này phải được đại tu.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết tuabin cần được sửa chữa để đảm bảo an toàn, đồng thời nói thêm rằng nếu Nord Stream 2 được vận hành, EU sẽ không phải chịu cảnh bị cắt giảm nguồn cung như hiện nay. Tuy nhiên, Đức đã nhiều lần loại trừ khả năng sử dụng đường ống Nord Stream 2.

Nga phản pháo cáo buộc của Đức

Theo đài RT, tuần trước, Thủ tướng Đức Olaf Scholz vừa đưa ra tuyên bố ngụ ý rằng Berlin không còn có thể dựa vào Moskva về nguồn cung khí đốt - ám chỉ những động thái giảm lưu lượng khí đốt của Nga qua đường ống Nord Stream 1 và tạm ngừng cung cấp để bảo trì vào đầu tháng này.

Hai diễn biến nói trên đã khiến EU thiếu khí đốt và lo sợ về kịch bản Nga không cung cấp khí đốt trở lại sau thời gian bảo trì. Tuy nhiên, Nga đã mở van cung cấp trở lại vào ngày 21/7, với công suất 40% như trước đợt bảo trì.

EU nhất trí về kế hoạch tự nguyện cắt giảm khí đốt chưa từng có: Vẫn có những ngoại lệ - Ảnh 2.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz

Nhà lãnh đạo Đức cũng bày tỏ rằng ông không thấy tuyên bố trước đó của Nga là thuyết phục - cụ thể là tuyên bố về việc công ty Siemens của Đức chậm trả tuabin là lý do ảnh hưởng đến hoạt động của Nord Stream 1.

Phản hồi về tuyên bố của Thủ tướng Đức, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, nhận xét của ông Scholz rằng Nga không phải là nhà cung cấp khí đốt đáng tin cậy là "trái với thực tế và lịch sử".

"Ngay cả trong những thời khắc khó khăn nhất, Nga vẫn tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình", ông Peskov khẳng định với báo giới ở Moskva.

"Thực tế là hiện nay khối lượng nguồn cung giảm là do những hạn chế bất hợp pháp mà người châu Âu, đặc biệt là Đức, đã áp đặt đối với Nga", ông Peskov nhấn mạnh.

Ukrinform: Naftogaz tuyên bố vỡ nợ

Theo hãng tin Ukrinform (Nga), vào ngày 26/7, công ty năng lượng Naftogaz của Ukraine đã chính thức thông báo không có khả năng chi trả trái phiếu châu Âu của mình - điều này đồng nghĩa với việc vỡ nợ.

Tuyên bố của Naftogaz trên Telegram xác nhận: "Vào ngày 26/7/2022, thời hạn thanh toán cho các chủ sở hữu trái phiếu châu Âu của Naftogaz đã hết hạn".

Đài Sputnik (Nga) cho biết Hội đồng Bộ trưởng Ukraine đã cấm công ty thanh toán trái phiếu châu Âu. Naftogaz được yêu cầu thanh toán toàn bộ các trái phiếu đến hạn vào tuần tới, cùng với các khoản thanh toán phiếu giảm giá bổ sung cho những trái phiếu có giá trị đến năm 2024. Sputnik dẫn nguồn Reuters cho biết số tiền Naftogaz cần thanh toán là 335 triệu USD.

EU nhất trí về kế hoạch tự nguyện cắt giảm khí đốt chưa từng có: Vẫn có những ngoại lệ - Ảnh 3.

Ukraine định "vay" khí đốt của Mỹ

Đài RT trích dẫn thông báo của Thủ tướng Ukraine Denis Shmigal trong cuộc họp nội các hôm 26/7 cho biết, Kiev sẽ đề nghị Mỹ cung cấp khí đốt tự nhiên theo nguyên tắc tương tự như áp dụng đối với vũ khí và đạn dược.

Theo đó, ông Shmigal cho biết cái gọi là "hợp đồng cho thuê khí đốt" này sẽ cần thiết để đảm bảo ổn định về nguồn cung năng lượng cho mùa đông tới.

Ông Shmigal nói thêm: "Các công tác chuẩn bị cho mùa đông khó khăn nhất trong lịch sử của chúng tôi vẫn đang tiếp tục, và chúng tôi đang tìm kiếm tất cả các công cụ có thể để sẵn sàng ứng phó trong bất kỳ kịch bản nào."

Đề xuất của Thủ tướng Shmigal được đưa ra trong bối cảnh công ty khí đốt nhà nước Naftogaz đã không thể thanh toán trái phiếu châu Âu đúng hạn, tương đương với vỡ nợ, và yêu cầu chính phủ Ukraine phải chịu "toàn bộ trách nhiệm về việc huy động vốn cần thiết để nhập khẩu khí đốt tự nhiên cho mùa đông sắp tới"./.

Nguồn tổng hợp: RT, Ukrinform, The Guardian, Sputnik


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại