EU muốn tránh leo thang căng thẳng với Nga, Litva có thể sẽ sớm dỡ phong tỏa Kaliningrad?

Hồng Anh |

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Litva cho biết nước này sẽ tiếp tục tham vấn với Ủy ban châu Âu về việc áp dụng các lệnh trừng phạt Nga.

Litva có thể sắp dỡ phong tỏa vùng Kaliningrad của Nga?

Hãng thông tấn Reuters (Anh) dẫn lời hai nguồn thạo tin cho biết, Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực đạt thỏa thuận về vấn đề Kaliningrad nhằm giảm bớt căng thẳng với Nga.

Cụ thể, các nguồn tin trên cho hay hoạt động vận chuyển hàng hóa từ Nga tới vùng lãnh thổ Kaliningrad qua Litva có thể sẽ bình thường trở lại "trong vài ngày tới".

Vùng lãnh thổ Kaliningrad thuộc về Nga nhưng lại "lọt thỏm" giữa các quốc gia EU, và hoạt động vận chuyển hàng hóa đến vùng lãnh thổ này phải phụ thuộc nhiều vào đường sắt và đường bộ qua Litva. 

Tuy nhiên, các hoạt động này đã bị gián đoạn do Litva ban bố lệnh cấm quá cảnh đường sắt đối với một số loại hàng hóa kể từ ngày 17/6, theo lệnh trừng phạt của Brussels.

EU muốn tránh leo thang căng thẳng với Nga, Litva có thể sẽ sớm dỡ phong tỏa Kaliningrad? - Ảnh 1.

Ảnh: Reuters

Được biết, các quan chức EU đang thảo luận về việc miễn trừ các lệnh trừng phạt cho vùng lãnh thổ này - vốn đã ảnh hưởng đến các mặt hàng công nghiệp như thép. EU có thể đạt được thỏa thuận vào đầu tháng 7 nếu Litva đồng ý dỡ bỏ lệnh cấm vận, các nguồn tin giấu tên của Reuters cho hay.

Những cuộc tranh luận về việc phong tỏa Kaliningrad đang thử thách quyết tâm của châu Âu trong việc thực thi các lệnh trừng phạt Nga, Reuters bình luận.

EU được cho là đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan khi vừa muốn trừng phạt Nga nghiêm khắc, vùa muốn tránh leo thang thêm với Nga.

Đó là lý do các quan chức châu Âu, với sự hậu thuẫn của Đức, đang tìm kiếm một thỏa hiệp để giải quyết bớt một trong số những cuộc xung đột của EU với Nga.

EU muốn tránh leo thang căng thẳng với Nga, Litva có thể sẽ sớm dỡ phong tỏa Kaliningrad? - Ảnh 2.

Ảnh: Reuters

Đã có những lo ngại rằng nếu tuyến đường vận chuyển hàng hóa truyền thống từ Nga qua Belarus và Litva đến Kaliningrad không được khôi phục, thì Nga có thể sử dụng đến lực lượng quân sự để mở ra một hành lang trên đất liền đến vùng lãnh thổ của họ.

Trong khi đó, Đức - quốc gia có binh sĩ đóng quân ở Litva và có thể bị cuốn vào cuộc đối đầu cùng với các đồng minh NATO nếu kịch bản trên xảy ra.

Là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, Đức cũng phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu khí đốt của Nga và sẽ dễ bị tổn thương nếu bị Nga cắt giảm nguồn cung khi căng thẳng Kaliningrad leo thang.

Một nguồn tin của Reuters cho biết: "Chúng tôi phải đối diện với thực tế" rằng Kaliningrad là vùng đất "bất khả xâm phạm" đối với Moskva. "Ông Putin có nhiều đòn bẩy hơn chúng tôi. Do đó việc tìm kiếm một sự thỏa hiệp sẽ có lợi cho chúng tôi".

EU muốn tránh leo thang căng thẳng với Nga, Litva có thể sẽ sớm dỡ phong tỏa Kaliningrad? - Ảnh 3.

Ảnh: Reuters

Nga: Chính người dân Litva sẽ "cảm nhận nỗi đau" vì Kaliningrad

Đầu tuần này, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đã cảnh báo rằng Moskva có thể đáp trả Litva bằng các động thái "không đối xứng", bao gồm các biện pháp kinh tế có hả năng "cắt đứt nguồn dưỡng khí" cho "những người hàng xóm không thân thiện" ở vùng Baltic.

Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev trước đó cũng đã bình luận rằng các hành động của Litva cho thấy Nga không thể tin tưởng phương Tây, nơi mà ông cho rằng đã phá vỡ các thỏa thuận bằng văn bản về Kaliningrad.

Ông Patrushev cũng cảnh báo rằng Nga "chắc chắn sẽ đáp trả" những hành động ấy, và "chúng sẽ có tác động tiêu cực nghiêm trọng đến người dân Litva".

Trong khi đó, Thủ tướng Litva Ingrida Simonyte tuần trước tuyên bố: "Không có chuyện phong tỏa Kaliningrad. Litva chỉ đơn giản là đang thực hiện các lệnh trừng phạt của EU."

Litva nói gì?

Trong khi đó, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Litva cho biết nước này sẽ tiếp tục tham vấn với Ủy ban châu Âu về việc áp dụng các lệnh trừng phạt và nhấn mạnh rằng bất kỳ sự thay đổi nào của khối sẽ không ảnh hưởng đến quốc gia Baltic này.

"Các biện pháp trừng phạt phải được thực thi và bất kỳ quyết định nào được đưa ra không được làm suy giảm uy tín và hiệu quả của chính sách trừng phạt của EU", người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Litva tuyên bố.

Trả lời báo giới bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO tuần này, Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis nói với hãng tin Euronews rằng ông không mong đợi một cuộc đối đầu với Nga.

EU muốn tránh leo thang căng thẳng với Nga, Litva có thể sẽ sớm dỡ phong tỏa Kaliningrad? - Ảnh 4.

Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis

"Nga không hài lòng về các lệnh trừng phạt... đó là điều có thể hiểu được khi đất nước này vốn phụ thuộc rất nhiều vào phương Tây, nay lại bị phương Tây cắt nguồn cung nên họ bất bình về điều đó", ông Landsbergis nói.

Tuy nhiên, theo ông Landsbergis, hiện tại chỉ có "khoảng 0,7% lưu lượng hàng hóa bị cấm quá cảnh qua lãnh thổ Litva, đây không phải là lý do dẫn đến đối đầu. Nga vẫn còn nhiều cách khác để vận chuyển bất cứ thứ gì họ cần đến Kaliningrad".

Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu chỉ ra tuyên bố ngày 22/6 rằng Litva đang thực hiện các hạn chế của EU và việc cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho Kaliningrad không bị cản trở.

Cho đến nay, các lệnh trừng phạt của EU nhằm vào Nga đã ngăn cản việc vận chuyển sắt, thép và kim loại đến Kaliningrad qua lãnh thổ các nước EU.

Danh sách hàng hóa bị cấm vận sẽ mở rộng theo từng giai đoạn: cụ thể là xi măng và rượu từ ngày 10/7, than đá trong tháng 8 và các sản phẩm dầu như nhiên liệu trong tháng 12. Trong giai đoạn cuối, khoảng một nửa số hàng hóa được vận chuyển đến Kaliningrad từ Nga sẽ chịu ảnh hưởng của lệnh cấm vận.

Cả hành khách và thực phẩm đều không nằm trong danh sách này, và việc di chuyển hay vận chuyển hàng hóa đến Kaliningrad bằng máy bay hoặc đường biển cũng không bị cấm./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại