EU muốn "thắt lưng buộc bụng" khí đốt, Hungary nói điều bất ngờ về năng lượng Nga

Hồng Anh |

Đề xuất của EU về cắt giảm sử dụng khí đốt cần sự chấp thuận của đa số các quốc gia thành viên để được thông qua.

EU kêu gọi giảm sử dụng khí đốt, các thành viên nói gì?

Theo Al Jazeera, Ủy ban châu Âu mới đây vừa kêu gọi các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) cắt giảm 15% nhu cầu sử dụng khí đốt cho đến tháng 3 năm sau, do lo ngại về nguy cơ Nga có thể ngừng cung cấp khí đốt cho khối này trong những tháng tới.

Kể từ sau khi cuộc xung đột quân sự tại Ukraine nổ ra, mối quan hệ của Nga và phương Tây đã xấu đi đáng kể. Moskva đã cắt giảm nguồn cung khí đốt tự nhiên sang EU - nguồn năng lượng được sử dụng để cung cấp năng lượng cho các nhà máy, sản xuất điện và sưởi ấm cho các hộ gia đình ở châu Âu.

Hôm 19/7, một ngày trước khi Ủy ban châu Âu công bố đề xuất cắt giảm, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo rằng Nga có thể giảm nguồn cung khí đốt sang châu Âu hơn nữa.

Sau đây là những thông tin liên quan đến đề xuất mới của Ủy ban châu Âu về khí đốt:

1. EU đã đề xuất gì?

Ủy ban châu Âu kêu gọi các quốc gia thành viên cắt giảm 15% nhu cầu sử dụng khí đốt của họ từ tháng 8/2022 đến tháng 3/2023. Con số này được tính so với nhu cầu sử dụng trung bình của giai đoạn 2016-2021.

Brussels có thể ban bố lệnh cắt giảm bắt buộc nếu xét thấy có nguy cơ thiếu hụt trầm trọng, ví dụ như trường hợp Nga "khóa van" hoàn toàn.

Đề xuất của Ủy ban châu Âu cần có sự chấp thuận của đa số các quốc gia thành viên EU để được thông qua - tối thiểu là 72%, tức 19/27 thành viên.

Đề xuất này sẽ được bỏ phiếu tại cuộc họp của các bộ trưởng năng lượng của EU vào ngày 26/7 tới.

EU muốn thắt lưng buộc bụng khí đốt, Hungary nói điều bất ngờ về năng lượng Nga - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

2. Vì sau EU đưa ra đề xuất trên?

EU lo ngại rằng Nga có thể ngừng xuất khẩu khí đốt sang khối này nhằm gây áp lực kinh tế và chính trị đối với các quốc gia thành viên của khối trong mùa đông sắp tới, và khiến xung đột năng lượng giữa hai bên thêm trầm trọng.

Nga đã giảm đáng kể và cắt nguồn cung khí đốt sang một số quốc gia thành viên EU - bao gồm Ba Lan, Bulgaria, Hà Lan, Đan Mạch và Phần Lan - do các quốc gia này từ chối tuân thủ quy định thanh toán khí đốt bằng đồng rúp của Nga.

Tháng trước, Nga cũng cắt giảm nguồn cung khí đốt sang EU qua đường ống Nord Stream 1 còn 40% công suất do "các vấn đề kỹ thuật" mà họ cho là liên quan đến các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Việc Nga tạm ngừng hoạt động của đường ống để bảo trì trong tháng 7 cũng khiến EU lo ngại, dù đây là hoạt động thường niên. Đường ống đã hoạt động trở lại vào một ngày sau khi chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cáo buộc Nga "sử dụng năng lượng làm vũ khí".

Bà Von der Leyen cảnh báo các quốc gia thành viên rằng họ cần chuẩn bị cho kịch bản "khí đốt Nga bị gián đoạn hoàn toàn", và kêu gọi họ tiết kiệm sử dụng để nhanh chóng lấp đầy các cơ sở dự trữ khí đốt, đề phòng khả năng bị cắt giảm nguồn cung trong tương lai.

"Đây là một lời đề nghị rất lớn, nhưng là điều cần thiết để chúng ta tự bảo vệ mình", bà Von der Leyen nói.

EU muốn thắt lưng buộc bụng khí đốt, Hungary nói điều bất ngờ về năng lượng Nga - Ảnh 2.

Các nước EU nhập khẩu bao nhiêu khí đốt từ Nga? Nguồn: Al Jazeera

3. Các nước EU phản ứng ra sao?

Một số quốc gia EU đã lên tiếng phản đối đề xuất của khối về việc cắt giảm sử dụng khí đốt.

Theo đó, chỉ trong vòng 24h sau khi Ủy ban châu Âu công bố đề xuất, Ba Lan và Tây Ban Nha đã đưa ra tuyên bố phản đối.

Bộ trưởng Năng lượng Tây Ban Nha Teresa Ribera hôm 20/7 cho biết nước này không phụ thuộc vào khí đốt của Nga nên sẽ không ủng hộ đề xuất của Ủy ban châu Âu.

Tương tự, Bộ trưởng Năng lượng Bồ Đào Nha Joao Galamba hôm 21/7 khẳng định chính phủ của ông "hoàn toàn phản đối" đề xuất cắt giảm của EU.

Trả lời báo Expresso của Bồ Đào Nha, Bộ trưởng Galamba cho hay đề xuất của EU không xét đến nhu cầu thủy điện của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, mà hiện tại do hạn hán nên hai nước này buộc phải tăng cường sản xuất điện thông qua các nhà máy sử dụng khí đốt làm nhiên liệu.

Trong khi đó, một phát ngôn viên của chính phủ Hy Lạp hôm 21/7 cho biết Athens cũng phản đối kế hoạch này. Hy Lạp trước đó đã công bố bản kế hoạch dự phòng, bao gồm việc cắt điện luân phiên là biện pháp cuối cùng nếu nguồn cung khí đốt của Nga bị gián đoạn.

Cơ quan quản lý năng lượng của Hy Lạp cho biết biện pháp khẩn cấp này sẽ chỉ được kích hoạt nếu như những biện pháp khác, bao gồm tăng công suất nhiệt điện than, yêu cầu người tiêu dùng giảm tiêu thụ điện vào giờ cao điểm và ngừng xuất khẩu điện, không hiệu quả.

Đề xuất của EU cũng vấp phải sự phản đối từ các nước thành viên khác bao gồm Ba Lan, quốc gia đã dự trữ đến 98% công suất và Hungary, quốc gia phụ thuộc nhiều vào nguồn năng lượng nhập khẩu của Nga.

Tuy nhiên, một số quốc gia khác như Đan Mạch, Áo, Italy, Thụy Điển và Đức đều đã kích hoạt các kế hoạch khẩn cấp với mục tiêu tiết kiệm khí đốt, do đó các quốc gia này được cho là sẽ ủng hộ đề xuất của Ủy ban châu Âu.

Nhiều quốc gia châu Âu cũng đang tích cực tìm kiếm các nguồn cung khí đốt thay thế như Mỹ, Qatar, Algeria, Azerbaijan và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất trong những tuần gần đây.

EU muốn thắt lưng buộc bụng khí đốt, Hungary nói điều bất ngờ về năng lượng Nga - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

4. Nga nói gì?

Moskva hiện vẫn chưa đưa ra bình luận cụ thể về kế hoạch của EU nhưng đã nhiều lần khẳng định rằng họ là một nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy.

Hôm 21/7, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã bác bỏ cáo buộc của bà Von der Leyen và cho biết bất cứ "trở ngại về công nghệ" nào liên quan đến việc Nga cung cấp khí đốt cho các khách hàng châu Âu là do các lệnh trừng phạt của EU và các quốc gia thành viên EU.

Hungary: Thiếu Nga thì không có an ninh năng lượng

Phát biểu tại thủ đô Moskva trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết: Hungary cần mua thêm 700 triệu mét khối khí đốt tự nhiên trong năm nay để đảm bảo an ninh năng lượng, và điều này "đơn giản là không thể" thực hiện được nếu không có Nga.

Ông Szijjarto nói thêm rằng "thực tế không thay đổi, dù bạn muốn hay không - Chúng tôi không thể mua lượng khí đốt tự nhiên bổ sung này ở châu Âu mà thiếu đi nguồn cung của Nga."

Theo Ngoại trưởng Hungary, hiện tại là "thời điểm bất thường", do đó Hungary cần mua thêm khí đốt để thấy an tâm.

EU muốn thắt lưng buộc bụng khí đốt, Hungary nói điều bất ngờ về năng lượng Nga - Ảnh 4.

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov

RT cho biết Ngoại trưởng Lavrov nói rằng yêu cầu mua thêm khí đốt tự nhiên của chính phủ Hungary "sẽ được báo cáo và xem xét ngay lập tức."

Sau khi xung đột Ukraine nổ ra, EU - cùng với Mỹ, Anh và nhiều quốc gia đồng minh của Mỹ - đã áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Moskva, bao gồm một số mặt hàng xuất khẩu năng lượng của nước này.

Tuy nhiên, Hungary, quốc gia phụ thuộc khoảng 85% vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga, đã liên tục phản đối việc áp đặt lệnh cấm vận đối với khí đốt của Nga.

Nguồn tham khảo: RT, Al Jazeera


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại