Những cuộn thép mạ kẽm tại một nhà máy gia công kim loại ở Nga
Cơ quan thống kê của EU tiết lộ, nhập khẩu từ Nga vào EU đã giảm gần 5 lần kể từ khi khối áp đặt các hạn chế đối với Nga liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ukraine vào năm ngoái.
Theo số liệu mới nhất của Eurostat, các giá trị được điều chỉnh theo mùa cho thấy thị phần của Nga trong nhập khẩu của EU từ bên ngoài khối đã giảm từ 9,5% vào tháng 2/2022 xuống còn 2% vào tháng 9/2023.
Tỷ trọng xuất khẩu từ khối này sang Nga cũng giảm trong cùng kỳ, từ 3,8% xuống 1,4%.
Eurostat cho biết, thâm hụt thương mại cao nhất với Nga được ghi nhận vào tháng 3/2022 và lên tới 18,6 tỷ euro do giá các sản phẩm năng lượng tăng cao, tuy nhiên, thâm hụt thương mại đã giảm đáng kể kể từ đó.
Thâm hụt thương mại là số tiền mà giá trị nhập khẩu của một quốc gia vượt quá giá trị xuất khẩu của quốc gia đó.
Khí đốt tự nhiên, dầu mỏ, niken, sắt thép cũng như phân bón chiếm khoảng 2/3 tổng lượng nhập khẩu của EU từ quốc gia bị trừng phạt.
Trong khi thị phần của Nga trong việc nhập khẩu những sản phẩm đó giảm đáng kể, thì khối này đã tăng cường mua khí đốt tự nhiên và dầu mỏ từ Mỹ, Na Uy, Algeria và Ả Rập Saudi.
Mỹ mở rộng thị phần của mình trong việc cung cấp niken, và Trung Quốc nổi lên là nhà cung cấp sắt thép chính.
Tuy nhiên, phân bón lại đi theo một mô hình khác, Eurostat lưu ý. Thị phần của Nga trong nhập khẩu ngoài EU đã giảm gần 1/3 vào năm 2022 nhưng đã phục hồi trở lại mức 27% trước khi có lệnh trừng phạt vào tháng 7, tháng 9 năm nay.
EU đã áp đặt 11 đợt trừng phạt đối với Nga kể từ đầu năm 2022, khi căng thẳng âm ỉ sau năm 2014 giữa Moscow và Kiev chuyển sang can dự quân sự.
Khối này nhằm mục đích làm suy yếu nền kinh tế Nga bằng cách tước đi khả năng tiếp cận các công nghệ và thị trường quan trọng của nước này, đồng thời cắt giảm thu nhập từ xuất khẩu nguyên liệu thô.
Đáp lại, Nga đã chuyển hướng phần lớn thương mại sang châu Á, chủ yếu là Ấn Độ và Trung Quốc.
Theo Eurostat, thương mại của EU với Nga đã bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các hạn chế xuất nhập khẩu.
Theo RT