EU bác bỏ khái niệm “vùng ảnh hưởng” khi căng thẳng với Nga leo thang

Quang Dũng |

Hội đồng châu Âu ngày 24/1 ra tuyên bố cho biết, các nước Liên minh châu Âu không chấp nhận khái niệm “vùng ảnh hưởng” và khái niệm này không còn có chỗ đứng trong thế kỷ 21, đồng thời tiếp tục cảnh báo, Nga sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề nếu tấn công Ukraine.

Các quan chức EU liên tục cảnh báo Nga sẽ đối mặt trừng phạt nặng nề. (Ảnh: Consilium EU)

Các quan chức EU liên tục cảnh báo Nga sẽ đối mặt trừng phạt nặng nề. (Ảnh: Consilium EU)

Trong thông cáo kết luận đưa ra trong ngày 24/1, sau cuộc họp của Ngoại trưởng các nước thành viên EU, Hội đồng châu Âu cho biết, đối với tình hình an ninh tại châu Âu hiện nay, các nước EU đều thống nhất quan điểm rằng, an ninh tại châu Âu là không thể bị chia cắt và bất cứ một sự kiện nào thách thức trật tự an ninh tại châu Âu cũng đều có tác động đến các nước thành viên EU.

Đối với quan hệ căng thẳng hiện nay với Nga xoay quanh vấn đề Ukraine, Hội đồng châu Âu cũng khẳng định, các nước EU coi khái niệm “vùng ảnh hưởng” đã lỗi thời, không có chỗ đứng trong thế kỷ 21. Đây được xem là thông điệp của EU gửi đến Nga, bởi theo đa số các chuyên gia và chính khách châu Âu, căng thẳng hiện nay xoay quanh vấn đề Ukraine là do Nga muốn tái lập lại “vùng ảnh hưởng” truyền thống mà Liên Xô trước kia nắm giữ trong thời Chiến tranh lạnh.

Cũng tại cuộc họp của các Ngoại trưởng EU, các lãnh đạo EU tiếp tục nhắc lại lời cảnh báo rằng, Nga sẽ phải đối mặt với những lệnh trừng phạt “lớn chưa từng có” nếu tấn công quân sự Ukraine. Các nước châu Âu cũng cho biết, đã phối hợp chặt chẽ với các đồng minh khác như Mỹ, Anh… để đảm bảo các lệnh trừng phạt này được áp dụng ngay lập tức nếu xảy ra cuộc tấn công của Nga vào lãnh thổ Ukraine.

Cùng lúc đó, một loạt các diễn biến mới liên quan đến căng thẳng Nga – Ukraine cũng đã diễn ra trong ngày 24/1, nổi bật là việc khối quân sự NATO quyết định điều thêm binh lính, máy bay chiến đấu và tàu chiến đến các quốc gia thành viên NATO ở Đông Âu, gần Nga.

Phát biểu trước báo chí tại trụ sở NATO ở Brussels trong chiều 24/1, Tổng thư ký NATO, ông Jens Stoltenberg tuyên bố, việc điều động quân sẽ gia tăng tùy theo diễn biến tình hình: “Chúng tôi đang tiếp tục xem xét tăng cường sự hiện diện ở phần phía Đông của liên minh, bao gồm việc điều động thêm cả các nhóm chiến đấu. Việc điều động này là hợp lý và phù hợp với các cam kết quốc tế của NATO, qua đó tăng cường an ninh châu Âu cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, cùng lúc đó NATO vẫn sẵn sàng tiếp tục đối thoại với Nga”.

Bên cạnh việc triển khai quân của NATO, theo kế hoạch, nguyên thủ một số nước châu Âu như Pháp, Đức, Italy, Anh, Ba Lan và lãnh đạo NATO, EU cũng đã có cuộc trao đổi trực tuyến với Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chiều tối 24/1 nhằm thống nhất chiến lược ứng phó với Nga.

Theo giới ngoại giao châu Âu, hiện đang xuất hiện một số bất đồng trong cách tiếp cận giữa Mỹ và một số đồng minh châu Âu, đặc biệt là Đức. Nguồn tin báo chí châu Âu cho rằng, Đức đã ngăn cản việc các nước NATO cung cấp vũ khí Đức sang cho Ukraine với lí do Đức theo đuổi chính sách không cung cấp vũ khí cho các bên đang trong xung đột. Trước đó, một máy bay Anh chở vũ khí sang Ukraine cũng đã phải bay vòng qua không phận Đức.

Ngoài vấn đề này, một khúc mắc khác có thể gây bất đồng giữa Mỹ và EU là việc các cường quốc EU như Pháp, Đức đang công khai đòi hỏi EU tiến hành một đối thoại riêng với Nga về vấn đề an ninh châu Âu./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại