EU áp trần giá dầu 60 USD/thùng có làm khó Nga?

TRƯƠNG KHẮC TRÀ |

Một hiện tượng lạ lùng đã xảy ra trên thị trường dầu mỏ thế giới. Đó là bên tiêu thụ hàng hóa có quyền quyết định giá cả, chứ không phải do bên sản xuất.

EU áp trần giá dầu 60 USD/thùng có làm khó Nga? - Ảnh 1.

Khoảng 2/3 dầu Nga bán cho EU bằng đường biển

Ai hưởng lợi từ giá dầu?

Sau nhiều lần đắn đo, Liên minh châu Âu ( EU ) đã quyết định ấn định mức trần giá dầu Nga xuất bán qua đường biển 60USD/thùng từ ngày 3/12 vừa qua. Đây là hành động mới nhất của phương Tây nhằm bóp nghẹt các nguồn tài trợ của Nga cho chiến sự Nga- Ukraine.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ, bà Yanet Yellen cho rằng, mức giá trần “sẽ đặc biệt có lợi cho các nước có thu nhập thấp và trung bình, những nước đã phải gánh chịu hậu quả của giá năng lượng và lương thực tăng cao do chiến sự Nga- Ukraine ”.

Người phát ngôn điện Kremlin, Peskov phản bác: “Chúng tôi đang phân tích tình hình, một vài kịch bản đã được tính tới. Chúng tôi không chấp nhận mức giá này”.

Phương thức kiểm soát của phương Tây là ngưng cung cấp phương tiện vận tải cũng như bảo hiểm rủi ro cho dầu thô của Nga được phân phối ở bất cứ đâu trên địa cầu, trừ khi chúng được giao dịch từ 60USD/thùng trở xuống.

Châu Âu là “ông trùm” dịch vụ vận tải và bảo hiểm trong lĩnh vực buôn bán dầu thô, các siêu tàu đến từ Na Uy, Đan Mạch, Hà Lan. Trung tâm thị trường bảo hiểm hàng hải toàn cầu do người Anh kiểm soát phần lớn.

Các tàu không có bảo hiểm hoặc không được bảo hiểm sẽ không được phép vào bất kỳ cảng chính nào hoặc đi qua các điểm tắc nghẽn vận chuyển quan trọng như Bosporus hoặc Kênh đào Suez...

Trên thực tế, nhiều chuyên gia đánh giá việc áp trần giá dầu Nga khó toại nguyện các nhà lập pháp châu Âu. Tờ Financial Times tiết lộ, Nga đã tìm cách mua lại hơn 100 tàu chở dầu cỡ lớn hướng tới tương lai tự chủ lĩnh vực logictics.

Mặt khác, vấn đề bảo hiểm có thể giải quyết bằng cách khác, thông qua bảo đảm của nhà nước (bên bán dầu) trong khuôn khổ các hiệp định quốc tế với các nước thứ ba.

Khoảng 2/3 dầu nhập khẩu của EU từ Nga qua đường biển với mức giá bình quân 100USD/thùng, nếu như quyết định nói trên của Châu Âu phát huy hiệu quả, Moscow sẽ mất gần 40% doanh thu, tương tương hàng chục tỷ USD mỗi năm.

Tuy nhiên, giá trần mà EU thống nhất cao hơn nhiều so với chi phí sản xuất của Nga, đồng nghĩa nó có thể không mang lại nhiều tác động trực tiếp đối với Nga, theo nhận định của nhiều chuyên gia phân tích. Giá dầu thô Urals của Nga hiện được giao dịch ở mức khoảng 65 USD/thùng.

EU áp trần giá dầu 60 USD/thùng có làm khó Nga? - Ảnh 2.

Trần giá dầu 60USD/thùng không ảnh hưởng nhiều đến kinh tế Nga

Theo chuyên gia kinh tế trưởng Robin Brooks, tại Viện Tài chính Quốc tế ở Washington, mức giá trần 30 USD/thùng mới có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính với Nga. Nếu Nga ngưng cung cấp dầu, cơn đại khủng hoảng năng lượng chắc chắn xảy ra.

Không giống như các mặt hàng khác, dầu thô có tầm quan trọng đặc biệt mà không một nền kinh tế nào có thể khước từ. Người mua sẽ tìm mọi cách để tiếp cận, kể cả thông qua “thị trường xám”, chấp nhận rủi ro.

Các công ty xuất khẩu dầu từ Nga hoàn toàn có thể giao dịch dầu theo giá EU đề nghị, nhưng đối tác sẽ thanh toán bù vào hợp đồng lương thực, khoáng sản, phân bón.

Nga, Trung Quốc và Iran không khác gì trục liên minh kinh tế, khả năng hoán đổi tiền tệ giữa các quốc gia này sẽ hỗ trợ tiến trình xuất khẩu dầu, trong đó Trung Quốc đóng vai trò như trạm trung chuyển phân phối cho bên thứ 3.

Nhìn chung, quan điểm của Washington chỉ là ngăn chặn giá dầu leo thang, giúp họ kiểm soát lạm phát. Nhưng cũng phải thấy rằng, OPEC+ đã làm mọi cách sẵn sàng đi ngược lợi ích chung để neo giá dầu thì Nga chẳng dễ dàng từ bỏ quyền tự quyết với lĩnh vực kinh tế quan trọng nhất của họ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại