EU áp lệnh trừng phạt mới với Belarus: Con dao hai lưỡi

Hồng Anh |

Liên minh châu Âu ngày 15/11 đã công bố một loạt các biện pháp trừng phạt đối với Belarus, liên quan đến cuộc khủng hoảng người di cư tại khu vực biên giới giữa nước này với Ba Lan.

Người di cư tại biên giới Belarus - Ba Lan. Ảnh Getty Images.

Người di cư tại biên giới Belarus - Ba Lan. Ảnh Getty Images.

Khi hàng nghìn người tị nạn đang bị mắc kẹt tại khu vực biên giới giữa Belarus với Ba Lan, trong thời tiết giá lạnh khắc nghiệt, EU đã chỉ trích Minsk và tung ra một công cụ mà họ hy vọng sẽ xoay chuyển cuộc khủng hoảng: Áp đặt thêm biện pháp trừng phạt.

Trong cuộc họp tại Brussels ngày 15/11, các bộ trưởng ngoại giao EU đã nhất trí áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với Belarus, nhằm vào các cá nhân và tổ chức mà khối này cho là chịu trách nhiệm đưa người di cư về phía biên giới của EU để tạo ra một “cuộc chiến tranh hỗn hợp”.

Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell khẳng định, quyết định này thể hiện quyết tâm của EU nhằm phản đối việc lợi dụng người di cư để thực hiện “các mục đích chính trị”. Ông cho biết, biện pháp trừng phạt sẽ ảnh hưởng đến một số lượng lớn các cá nhân, còn Ngoại trưởng Đức Heiko Maas tuyên bố rằng: “Tất cả những ai tham gia vào hoạt động vận chuyển người di cư bất hợp pháp mà ông Lukashenko đang thực hiện đều sẽ bị EU trừng phạt”.

Ngoại trưởng Litva – một trong những quốc gia có chung đường biên giới với Belarus - muốn khối nhắm mục tiêu vào sân bay Minsk để biến đây thành "vùng cấm bay". Một số hãng hàng không và công ty du lịch cũng có thể lọt vào tầm ngắm của EU.

Theo ông Josep Borrell, danh sách các cá nhân và tổ chức bị trừng phạt sẽ được hoàn thiện trong những ngày tới. Trong khi đó DW dẫn nguồn tin từ 2 nhà ngoại giao châu Âu cho biết, phải mất hai tuần nữa, lệnh trừng phạt mới có thể chính thức được áp dụng.

Động thái này không gây bất ngờ, bởi trước đó EU đã áp đặt 4 vòng trừng phạt đối với Belarus kể từ tháng 10/2020 với cáo buộc có gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 và trấn áp những người biểu tình cùng các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ.

Vòng trừng phạt mới nhất được đưa ra vào tháng 5/2021 sau vụ nước này ép máy bay của Hãng hàng không Ryanair (Ireland) chuyển hướng để bắt một nhà báo đối lập. Cho đến nay, Brussels đã thực hiện các biện pháp, trong đó có đóng băng tài sản và cấm đi lại nhằm vào 166 cá nhân và 15 tổ chức. Về phần mình, Belarus đã bác bỏ mọi cáo buộc trên.

Trừng phạt có giúp xoay chuyển tình hình?

Ông Francesco Giumeli, chuyên gia nghiên cứu về quan hệ quốc tế tại Đại học Groningen cho rằng, việc nhất trí áp đặt vòng trừng phạt mới là dấu hiện cho thấy sự đoàn kết trong EU. Triển vọng tích cực này cũng được đưa ra trong đánh giá của một quan chức Ba Lan: “Belarus có thể dễ dàng vượt qua các lệnh trừng phạt trước đây vì họ chấp nhận cái giá phải trả và buộc người dân phải chịu đựng. Nhưng với tình hình hiện giờ, điều này không còn khả thi nữa. Đó là lý do tôi cho rằng chúng sẽ có tác dụng”.

Trong bối cảnh Tổng thống Alexander Lukashenko vẫn nắm quyền và Minsk phủ nhận mọi cáo buộc, các nhà phê bình tỏ ra hoài nghi về việc liệu các biện pháp trừng phạt của EU có thực sự làm xoay chuyển tình hình hay không. Trong một bài bình luận trên tờ Carnegie Europe, cựu Ngoại trưởng Litva Linas Linkevicius nhận định: “Nói một cách trực tiếp và ngắn gọn, các lệnh trừng phạt sẽ không khiến Tổng thống Lukashenko thay đổi vì ông ấy đã vượt qua mọi giới hạn và có thể không có ý định quay trở lại chiến thuật thông thường để cân bằng giữa Nga và phương Tây”.

Cấm bay hiệu quả hơn trừng phạt

Trong vài ngày qua, các quan chức hàng đầu của EU đã đến các nước Iraq, Lebanon và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), để thực hiện chiến lược ngoại giao con thoi, ngăn chặn cái mà họ cho là nỗ lực của Minsk lôi kéo những nước này chống lại EU.

Cách tiếp cận đó đã cho thấy kết quả. Hãng hàng không Turkish Airlines, Iraqi Airlines và hãng hàng không Cham Wings Airlines của Syria đã đặt ra các hạn chế hoặc tạm dừng các chuyến bay đến Belarus. Trong khi đó, Iraq có kế hoạch thực hiện chuyến bay đầu tiên chở công dân nước này tại biên giới Ba Lan – Belarus hồi hương vào ngày 18/11.

Amanda Paul, nhà phân tích chính sách cấp cao tại Trung tâm Chính sách Châu Âu đánh giá: “Quyết định của các hãng hàng không nói trên sẽ được hoan nghênh vì có rất nhiều người quá cảnh qua những nơi này trên đường đến Minsk. Tôi cho rằng, điều đó sẽ hiệu quả hơn lệnh trừng phạt”.

Tuy nhiên, nhà phân tích Amanda Paul lo ngại tình hình trên thực địa có thể tồi tệ hơn trước khi các bên tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng di cư.

Con dao hai lưỡi

Nhà phân tích Giumeli cho biết, các biện pháp trừng phạt của EU đối với Belarus trước kia thường mạnh mẽ và nhắm vào nhiều đối tượng hơn, nhưng thời gian gần đây đã thu hẹp quy mô để giảm thiểu tác động đối với dân thường. Tuy vậy, chúng vẫn được coi là “con dao hai lưỡi”. “Khi trừng phạt các hãng hàng không, châu Âu sẽ khiến Belarus bị cô lập nhưng đổi lại họ cũng có thể phải gánh một số hậu quả”.

Trước đó ngày 12/11, Belarus đã đe dọa cắt dòng chảy khí đốt tới châu Âu. Động thái này có thể gây thêm áp lực cho các nhà lãnh đạo châu Âu trong bối cảnh châu lục này vẫn bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Hơn nữa, lệnh trừng phạt có thể khiến Belarus cắt đứt mọi sự hợp tác với EU và liên kết chặt chẽ hơn với Nga – một đồng minh thân thiết của nước này.

Nga có bị liên đới?

Nhiều nhân vật tại Brussels nghi ngờ Nga tiếp tay cho Belarus gây ra cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới EU. Phát biểu với báo chí hôm qua, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho biết: “Tôi không nghĩ ông Lukashenko có thể làm điều đó mà không có sự hỗ trợ mạnh mẽ của Nga”. Tuy nhiên, Moscow đã bác bỏ cáo buộc này.

Giới phân tích cho rằng, EU sẽ khó có thể áp đặt trừng phạt đối với Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng di cư tại biên giới Ba Lan - Belarus. “Bạn không thể nhắm mục tiêu trừng phạt bất cứ ai. Bạn cần lý do và bằng chứng. Rất khó để chứng minh có sự liên đới của Nga trong cuộc khủng hoảng này”, nhà phân tích Giumeli lưu ý. Theo ông Giumeli, châu Âu nên dành thời gian xem xét cách thức cụ thể để chấm dứt cuộc khủng hoảng thay vì tập trung đối phó quá nhiều với các hoạt động và vai trò của Nga trong khu vực./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại