Quá trình tách vệ tinh khỏi tên lửa đẩy Falcon 9 đã được Elon Musk chia sẻ trên mạng xã hội. Các vệ tinh này là một phần của Starlink, chương trình thử nghiệm Internet tốc độ cao toàn cầu với quy mô lên tới 12.000 vệ tinh. SpaceX được trao hợp đồng phóng các vệ tinh này.
Được gọi là Microsat-2a và Microsat-2b, hai vệ tinh sẽ thử nghiệm công nghệ mới giúp tốc độ Internet tăng gấp 180 lần so với tốc độ trung bình toàn cầu.
Nếu thành công, trong vài năm tới, SpaceX có thể đưa 4.425 vệ tinh của chương trình Starlink vào quỹ đạo cao của trái đất (1.100 tới 1.300 km so với mực nước biển) cùng 7.500 vệ tinh tương tự vào quỹ đạo thấp hơn.
Với gần 12.000 vệ tinh, Starlink sẽ là chương trình tham vọng nhất bởi nó nhiều gấp đôi tổng số vệ tinh từng được phóng lên trong lịch sử chinh phục không gian của loài người.
Đổi lại, Starlink sẽ mang tới cho người dùng Internet tốc độ đường truyền lý tưởng, nhanh gấp 40 lần so với tốc độ Internet được cung cấp trực tiếp bằng vệ tinh hiện nay. Vùng sâu, vùng xa cũng được nhận tốc độ đường truyền này.
Việc phóng hàng nghìn vệ tinh vào quỹ đạo trong thời gian ngắn nghe có vẻ vô lý nhưng SpaceX dường như đã có cách để thực hiện.
Theo đó, bên cạnh việc triển khai tới 10 vệ tinh trong mỗi lần phóng bằng tên lửa Falcon 9 có thể tái sử dụng, SpaceX cũng đang thử nghiệm loại tên lửa Falcon Heavy với khả năng vận tải ưu việt nhất thế giới ở thời điểm hiện tại.
Nó cũng giúp giảm tới ¾ giá thành của các lần phóng truyền thống.
Musk kỳ vọng Starlink có thể hoạt động vào năm 2024. Đây cũng là thời điểm công ty có thể bán dịch vụ cho khách hàng.
Hiện tại, Musk và SpaceX chưa công bố mức phí thuê bao hàng tháng nhưng năm 2015, tỷ phú nổi tiếng ngông cuồng từng nói rằng khách hàng cần một thiết bị đầu cuối có kích thước bằng chiếc máy tính xách tay, giá khoảng 100 đến 300 USD, để có thể tiếp cận được mạng lưới Internet này.
Vệ tinh tách khỏi tên lửa của SpaceX