Trong khi lực lượng liên quân quốc tế đang mở chiến dịch chống IS ở Mosul, các nhà phân tích nói rằng việc Philippines tạo khoảng cách với phương Tây có thể làm gia tăng nguy cơ khủng bố bạo lực trong khu vực.
Chính sách rời bỏ Mỹ của Tổng thống Rodrigo Duterte có thể tạo nên một tác động sâu sắc đến cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo ở Đông Nam Á. Trong thời điểm các nhóm cực đoan tại đây ngày càng có liên hệ sâu sắc với Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở Iraq và Syria (IS).
Mặc dù cuộc càn quét của liên quân quốc tế ở Iraq gây thương tổn nặng nề tới sào huyệt chính của IS, chuyên gia Sidney Jones từ Viện Chính sách Phân tích (IPAC) lo ngại điều này có thể thúc đẩy những kẻ trung thành với IS trên thế giới thực hiện các hành vi tàn bạo hơn.
"IS đã bắt tay mạnh mẽ với các nhóm cực đoan ở Đông Nam Á, trong khi các cơ quan thực thi pháp luật ở các quốc gia nơi đây vốn không có chuyên môn và kinh nghiệm để đối phó với mối đe dọa", Sidney Jones nói trong một báo cáo gần đây, trong đó bà nhấn mạnh vào khu vực nhiều biến động như Mindanao của Philippines.
Jones cho biết để đánh giá chính xác mối đe dọa an ninh đang xảy ra với Indonesia hay Malaysia, có thể nhìn vào sự phát triển ở miền nam Philippines - khu vực được bộ sậu thủ lĩnh IS coi như lãnh thổ mở rộng của mình ở Đông Nam Á.
Mindanao là một tỉnh Hồi giáo ở Philippines. Các tổ chức cực đoan ở đây đã đưa Abu Sayyaf làm lãnh đạo khu vực Đông Nam Á và có hàng trăm kẻ cực đoan cam kết trung thành.
Hiện tại, Mỹ chỉ còn khoảng 100 quân còn lại tại đây so với 600 quân trong thời kỳ hoạt động đỉnh điểm trong giai đoạn từ giữa 2008 và 2012. Nhiệm vụ chủ yếu của các lực lượng Mỹ là hỗ trợ và huấn luyện cho quân đội Philippines.
Cho đến nay, mặc dù động thái của ông Duterte không ảnh hưởng quá lớn tới các lực lượng của Mỹ, nhưng việc yêu cầu Mỹ rời khỏi Mindanao có thể làm giảm sự hỗ trợ đối với các hoạt động đào tạo, an ninh tình báo - điều sẽ khiến Philippines gặp phải những khó khăn trong thời gian tới khi IS lớn mạnh hơn.
Các hoạt động của IS ở Mindanao đã không chỉ gói gọn trong phương thức bắt cóc đòi tiền chuộc cổ điển. Giờ đây nhóm này còn vươn vòi bạch tuộc đến mọi tầng lớp, dân tộc, mở rộng việc tuyển dụng đến cả các sinh viên đại học am hiểu công nghệ và mở rộng thêm các kênh liên lạc quốc tế để nhận tài trợ. Cùng với đó là các vụ tấn công đánh bom nhằm vào dân thường.
Chỉ một tháng trước, lực lượng cực đoan Abu Sayyaf đã tiến hành vụ đánh bom đẫm máu tại một khu chợ đêm ở Davao - nơi Tổng thống Duterte từng có 22 năm làm thị trưởng.
Chính vì điều này, nhiều chuyên gia đã khuyến cáo Philippines nên xây dựng mối quan hệ với Mỹ một cách thiện chí hơn để tiếp tục duy trì các hỗ trợ về mặt quân sự nhằm ứng phó trước chủ nghĩa khủng bố cực đoan đang phát triển nghiêm trọng ở Đông Nam Á.