Ước mơ thành hiện thực
Mẹ của cậu bé Bilal Tagirov, cô Zalikha Ashakhanova, đã hai năm chưa gặp lại con. Tháng 10/2015, cậu bé bị cha ruột bắt cóc và đem tới sống cùng tại hang ổ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), lúc đầu ở Syria, và sau đó tới Iraq.
Sau 2 năm tìm kiếm bất thành, cô Ashakhanova bắt gặp hình ảnh con mình trong một đoạn video từ thành phố Mosul được đăng tải trên mạng.
"Lúc xem đoạn video ấy, tôi ngay lập tức nhận ra thằng bé. Ngoại hình hầu như không thay đổi, và giọng của thằng bé cũng vậy. Cha đứa bé cũng có mặt trong đoạn video, cả mẹ tôi và họ hàng của anh ấy đều xác nhận," mẹ cậu bé cho biết.
Người phụ nữ này tới văn phòng công tố địa phương để nhờ giúp đỡ. Một đội tìm kiếm và cứu trợ được thành lập. Tuần trước, cậu bé Bilal cuối cùng cũng đã trở về nhà từ Baghdad, Iraq.
"Con tôi đã sống những ngày địa ngục của cả đời người. Khi Mosul sụp đổ, Bilal và cha cậu bé sống dở chết dở giữa đống đổ nát. Nếu không được hỗ trợ kịp thời, có lẽ con tôi đã không sống được đến ngày hôm nay," cô viết.
Một cậu bé Nga trở về từ Mosul, đoàn tụ với mẹ. Ảnh: RT.
Khó khăn pháp lí
Theo Samih Beno, một chính trị gia người Jordan, có khoảng 48 trẻ nhỏ, hầu hết có quốc tịch Nga, hiện đang được trông nom ở các khu vực khác nhau ở Iraq. Hiện tại chưa có một thời gian cụ thể khi nào những đứa trẻ có thể được mang trở về nhà tại thời điểm hiện tại, vì các thủ tục pháp lí rất phức tạp.
Để được mang một đứa trẻ về nước Nga, đầu tiên đứa trẻ phải được xác nhận là công dân Nga – thông thường việc này rất khó bởi không thể tìm được giấy tờ tùy thân và các em còn quá nhỏ để tự nói về bản thân mình. Ông Beno cho biết, trong trường hợp ấy, việc xét nghiệm ADN sẽ giúp chứng minh mối quan hệ họ hàng giữa phụ huynh hoặc người bảo trợ với những đứa trẻ.
Bộ Lao động và Xã hội Iraq, cùng các tổ chức dân sự, quốc tế đã cùng nhau triển khai một chương trình toàn diện để chăm sóc những đứa trẻ bị bỏ lại ở các khu vực đã sạch bóng IS.
Trả lời RT, một đại diện của Ủy ban Phúc lợi Trẻ em, cho biết tổ chức này đã tiếp nhận rất nhiều trẻ mồ côi, một số không rõ lai lịch, một số bị lạc và rất nhiều em bị cha mẹ bỏ rơi. Tình trạng sức khỏe của các em rất tệ, nhiều em chịu các bệnh tâm lí và da liễu vì ở trong các trại của lính IS quá lâu.
Một số khác nặng hơn, bị gãy tay, chân. Có những em là người Chechen (thuộc Cộng hòa Chechnya, Nga), có trẻ em Iraq, Trung Quốc và có một em bé người Pháp.
Ngoại trưởng Nga, Cộng hòa Chechnya, Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, các chính trị gia người Jordan và Iraq cũng đang tham gia đàm phán để đưa những đứa trẻ này về nhà. Trước khi đoàn tụ gia đình, các em sẽ được hỗ trợ tâm lí và thuốc men để ổn định về thể chất và tinh thần.
Tháng trước, khi Mosul được giải phóng khỏi nhóm khủng bố IS, lực lượng quân đội Iraq và Mỹ đã bị các tổ chức nhân quyền và cộng đồng quốc tế chỉ trích nặng nề vì mất quá nhiều thời gian để chiếm lại Mosul, khiến số dân thường thiệt mạng tăng quá cao.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho biết khoảng 170 gia đình, chủ yếu là phụ nữ vè trẻ em, bị tình nghi là quân IS và bị ép tới ở tại các "trại tái hòa nhập" ở Bartalla, cách Mosul 14km về phía Đông. Một đại diện của HRW cho biết, hàng trăm phụ nữ, trẻ em bị giữ lại đây và không biết bao giờ mới được tự do.