Đường sắt muốn rót hàng trăm tỷ cho 1 nhà ga để vươn tầm quốc tế: Tàu sẽ đi sâu vào Trung Quốc, châu Âu

Thái Hà |

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) muốn biến ga Cao Xá (Hải Dương) thành ga liên vận quốc tế với khoảng 300 tỷ đồng đầu tư nâng cấp.

Nâng cấp ga Cao Xá của Hải Dương thành ga liên vận quốc tế

Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị ưu tiên đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng đường sắt phục vụ vận tải tại ga Cao Xá (Hải Dương), đồng thời cấp phép hoạt động liên vận quốc tế tại ga Cao Xá từ quý I/2024.

Trước đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cũng đã gửi đề xuất tới Bộ GTVT và Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về việc đầu tư nâng cấp cải tạo kết cấu hạ tầng đường sắt phục vụ khai thác chạy tàu tại khu vực ga Cao Xá thuộc tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng đạt tiêu chuẩn liên vận quốc tế theo 2 giai đoạn.

Cụ thể, giai đoạn 1 đầu tư khoảng 61 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế của Bộ GTVT (không bao gồm giải phóng mặt bằng) để thực hiện các hạng mục: cải tạo đường số 3 thành đường đón gửi và lưu chứa xe có chiều dài khoảng 600m; xây dựng mới một đường xếp dỡ dài khoảng 250m; xây dựng mới một nhà văn phòng, dịch vụ hải quan 200m2; xây dựng mới kho hàng 1.000m2, bãi hàng 10.000m2...

Giai đoạn 2 đầu tư khoảng 234 tỷ đồng từ nguồn vốn của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các nguồn vốn hợp pháp khác để nghiên cứu, đầu tư nâng cấp hoàn thiện tổ hợp khu ga Cao Xá với quy mô lớn.

Đường sắt muốn rót hàng trăm tỷ cho 1 nhà ga để vươn tầm quốc tế: Tàu sẽ đi sâu vào Trung Quốc, châu Âu - Ảnh 1.

Hiện trạng của ga Cao Xá. Ảnh: Báo Hải Dương

VNR cũng đề xuất 2 tuyến vận chuyển khi ga Cao Xá được phép khai thác hoạt động liên vận quốc tế gồm:

Tuyến 1: Ga liên vận quốc tế Cao Xá (Hải Dương) - ga Yên Viên - ga Kép (Bắc Giang) - ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) - ga Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc). Từ đây đi sâu nội địa Trung Quốc hoặc quá cảnh Trung Quốc sang các nước Trung Á, Nga, EU...

Tuyến 2: Ga liên vận quốc tế Cao Xá (Hải Dương) - ga Lào Cai - ga Sơn Yêu (Hà Khẩu bắc - Vân Nam), từ đây chuyển đổi phương tiện đi sâu nội địa Trung Quốc. Đoàn tàu gồm 20-25 container, có thể sử dụng container thường và container lạnh tự phát điện.

Thời gian chạy tàu từ ga Cao Xá đến ga biên giới Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc) là 1 ngày; đến ga Sơn Yêu (Vân Nam, Trung Quốc) là 1,5 ngày.

Kỳ vọng lớn từ việc nâng cấp ga đường sắt Cao Xá

Theo phân tích của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, ga Cao Xá thuận lợi về kết nối và có diện tích mặt bằng để đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Hiện ga Cao Xá đang là ga hạng 4, nằm tại lý trình Km50+ 870 thuộc tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng,

Ga Cao Xá nằm gần các khu công nghiệp Đại An, Cẩm Điền, Phúc Điền, Tân Trường, Ken mark.Ga này kết nối thuận lợi với đường 194B (đường huyện kết nối giữa các khu công nghiệp với cảng đường sông Tiên Kiều).

Bên cạnh đó, khoảng cách từ ga về trung tâm TP Hải Dương chỉ khoảng 5km, ra cảng Tiên Kiều là 2km, từ đây, hàng hóa có thể vận chuyển đi nhiều nơi. 

Đường sắt muốn rót hàng trăm tỷ cho 1 nhà ga để vươn tầm quốc tế: Tàu sẽ đi sâu vào Trung Quốc, châu Âu - Ảnh 3.

Đề xuất nâng cấp ga Cao Xá để khai thác hoạt động liên vận quốc tế. Ảnh minh họa: Bộ GTVT

Không những thế, ga Cao Xá còn có tiềm năng lớn để thực hiện vận tải liên vận quốc tế qua cửa khẩu Lào Cai và Đồng Đăng. Bằng con đường này, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hải Dương có thể dễ dàng xuất khẩu đi Trung Quốc và các nước Châu Âu, Trung Á, đều mà hiện nay Hải Dương chưa làm được dù tỉnh này là một trong những tỉnh có hoạt động sản xuất hàng hóa XNK hàng đầu trong cả nước.

Hiện nay, Hải Dương có 20 khu công nghiệp và hơn 50 cụm công nghiệp. Các doanh nghiệp trong các KCN đều có nhu cầu nhập khẩu vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất và xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Trung Quốc, châu Âu, Trung Á… Thế nhưng năm 2022 sản lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt trên địa bàn tỉnh Hải Dương chỉ là 5.056 tấn. 

Nếu tổ chức được hoạt động liên vận quốc tế, hàng hóa tại Hải Dương có thể xuất khẩu đi khắp nơi bằng đường sắt thay vì mất thời gian và công sức phải vận chuyển hàng hóa đến các cảng biển.

Mặt khác, thời gian vận chuyển từ Việt Nam sang thị trường Nga, châu Âu bằng đường sắt cũng được rút ngắn, chỉ bằng 2/3 so với đường biển truyền thống.

Hoạt động vận tải đường sắt có thể chuyên chở khối lượng lớn, hàng siêu trường, siêu trọng, an toàn, giá rẻ hơn nhiều so với những phương thức vận tải khác. Phát triển đường sắt là giúp giảm áp lực cho giao thông vận tải đường bộ cũng như bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại