Quá trình điều tra vụ án này, các thành viên của ban chuyên án mà chủ công là Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lào Cai phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như toàn bộ quá trình hoạt động phạm tội của các đối tượng đều được thực hiện tại Campuchia; đối tượng sử dụng tài khoản của nhiều ngân hàng khác nhau để nhận tiền; bị hại bị các đối tượng chiếm đoạt tiền ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau.
Trong đó có nhiều bị hại sau khi biết mình bị lừa nhưng không đến cơ quan Công an trình báo về vấn đề tế nhị (các đối tượng tán tỉnh yêu đương)... Nhưng bằng các biện pháp nghiệp vụ và sự kiên trì, tỉ mỉ, chuyên án đã khám phá thành công.
Cú lừa ngoạn mục
Có mặt tại Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lào Cai, chị Đại Thị Th (trú tại tỉnh Lào Cai), nạn nhân của vụ lừa đảo chiếm đoạt 538 triệu đồng vẫn không lý giải được sự nhẹ dạ, cả tin của mình.
Theo lời tố giác của chị Th thì qua mạng xã hội, chị quen biết một người đàn ông ngoại quốc có tài khoản Facebook là “Loveth John”. Quá trình nói chuyện, người đàn ông này hứa sẽ gửi từ Đức về cho chị 700.000 USD...
Ngày 12/2, chị Th nhận được điện thoại của một người phụ nữ tự giới thiệu là nhân viên công ty vận chuyển hàng của cảng hàng không quốc tế Sân bay Tân Sơn Nhất; thông báo cho chị biết có một gói hàng được gửi về từ Đức và yêu cầu phải nộp phí vận chuyển là 17 triệu đồng.
Tin rằng đây là món quà của người đàn ông ngoại quốc gửi cho, chị Th đã làm theo yêu cầu của người phụ nữ, chuyển tiền vào tài khoản của một người đàn ông có tên là Vũ Đình Hữu.
Sau khi chuyển số tiền trên, người phụ nữ tiếp tục yêu cầu chị Th chuyển tiền với lý do hải quan sân bay phát hiện trong kiện hàng có số tiền lớn nên yêu cầu phải nộp 4000 USD (tương ứng 96 triệu đồng) tiền phạt..., chị Th lại tiếp tục làm theo yêu cầu của người phụ nữ trên.
Ngày 13/2, do nghi ngờ, chị Th yêu cầu Loveth John phải gửi hóa đơn chuyển hàng để kiểm tra thì nhận được mẫu hóa đơn gửi hàng kèm theo các thông tin về phí vận chuyển. Khi nhận được mẫu hóa đơn trên thì chị Th chắc mẩm rằng đó là sự thật.
Vì thế, khi các đối tượng yêu cầu chuyển 360 triệu đồng (tương ứng 15.000 USD) chị đã đồng ý ngay...
Những ngày sau đó, các đối tượng tiếp tục đưa các thông tin, tiếp tục yêu cầu chuyển tiền, điều này khiến chị Th nghi ngờ. Nạn nhân sau đó đã đến cơ quan Công an trình báo, vào thời điểm này, tổng số tiền chị chuyển cho các đối tượng đã lên tới 538 triệu đồng.
Nhận định đây là vụ án phức tạp, Đại tá Lưu Hồng Quảng, Giám đốc Công an tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh vào cuộc, nhanh chóng điều tra, làm rõ vụ án.
Để tập trung lực lượng, phương tiện, làm rõ vụ án trong thời gian sớm nhất, ngày 19/2, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lào Cai đã báo cáo Ban Giám đốc Công an tỉnh xác lập chuyên án đấu tranh.
Đồng thời, có công văn đề nghị Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an phối hợp, chỉ đạo đấu tranh triệt phá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia.
Với sự phối hợp đồng bộ của các đơn vị nghiệp vụ, đến ngày 26/2, các đơn vị phối hợp đã triệu tập 4 đối tượng trong chuyên án gồm Otujieme Frank Ikenna gọi tắt là Frank (SN 1989, Quốc tịch Nigerian); Ngô Thị An (SN 1990, Rạch Giá, tỉnh An Giang); Nguyễn Thị Phương Trúc (SN 1992, huyện Gò Công Tây, Tiền Giang) và Trần Nam Phong (SN 1979, tại TP Hồ Chí Minh).
Cùng thời điểm này, một mũi trinh sát tại TP Hồ Chí Minh đã triệu tập vợ của Phong là Nguyễn Ngọc Huệ (SN 1984, trú tại phường An Lạc, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) để đấu tranh làm rõ.
Quá trình đấu tranh đồng thời xác định Bede Osuchukwu là đối tượng có liên quan đến đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia đối với các bị hai người Việt Nam thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo.
Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, ngày 9/3, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lào Cai đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự; khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Frank Ikennia, Bede Osuchuku, Ngô Thị An và Nguyễn Thị Phương Trúc về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Từ đây, đã lộ diện một đường dây lừa đảo xuyên quốc gia.
Khi các nữ quái tiếp tay cho hành vi phạm tội
Khoảng 2 năm trước Otujieme Frank Iken (Frank) nhập cảnh vào Việt Nam qua sân bay Tân Sơn Nhất và sống tại thành phố Hồ Chí Minh. Đến tháng 5/2019, đối tượng quá cảnh sang thủ đô Phnompenh, Campuchia.
Trong quãng thời gian sinh sống tại đây, Frank gặp Osuchukwu Bede Okwudiri (Bede) và bàn bạc nhau việc thực hiện các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhằm vào những người phụ nữ Việt Nam nhẹ dạ; qua hình thức giả gửi các món quà từ nước ngoài về rồi yêu cầu người bị hại nộp các khoản phí vận chuyển, tiền thuế... vào tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt.
Các đối tượng thỏa thuận, người có thông tin của người bị hại (trực tiếp Chat kết bạn với bị hại) được hưởng 73% tổng số tiền chiếm đoạt được, người gọi điện (giả danh nhân viên công ty vận chuyển hàng, hải quan...) liên lạc với bị hại để nhận tiền thì được hưởng 27%.
Khoảng tháng 5/2019, Frank quen và sinh sống với Ngô Thị An như vợ chồng tại Campuchia và lôi kéo An vào đường dây phạm tội.
An là người liên lạc với người bị hại (theo danh sách Frank cung cấp hàng ngày) giả danh là nhân viên công ty vận chuyển hàng nhân viên Hải quan.... để thông báo cho người bị hại biết họ có gói quà được gửi từ nước ngoài về và yêu cầu người bị hại nộp tiền phí vận chuyển, tiền thuế (theo số tiền Frank yêu cầu)...
Khi người bị hại đồng ý nộp tiền, An sẽ gửi số tài khoản để người bị hại chuyển tiền. Frank thông nhất cho An 5%/ tổng số tiền chiếm đoạt được. Để thực hiện hành vi phạm tội, An về Việt Nam; thuê Vũ Đình Hữu (SN 1997, trú tại tỉnh Kiên Giang) mở nhiều tài khoản ở các ngân hàng khác nhau....
Quá trình điều tra, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lào Cai xác định từ ngày 4/6/2019 đến tháng 31/12/2019, An đã thuê Hữu mở 9 tài khoản tại các Ngân hàng mang tên Vũ Đình Hữu để sử dụng vào việc lừa đảo).
Đây là một trong những khó khăn của ban chuyên án trong quá trình điều tra, làm rõ vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên.
Theo Thượng tá Nguyễn Minh Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lào Cai thì việc xác minh mất nhiều thời gian để xác minh làm rõ thông tin nhân thân người bị hại do các đối tượng sử dụng tài khoản của nhiều ngân hàng khác nhau để nhận tiền (trong đó các tài khoản này đều được các đối tượng thuê chủ tài khoản mở để sử dụng). Sau khi nhận tiền của bị hại, đối tượng chuyển tiền vòng qua nhiều tài khoản khác nhau sau đó mới chuyển vào tài khoản của người đổi tiền.
Trong thời gian từ ngày 20/6 đến ngày 14/10/2019, Ngô Thị An cùng đồng bọn đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của hàng trăm phụ nữ là người Việt Nam ở nhiều tỉnh, thành phố và chủ yếu thực hiện việc rút tiền USD tại các cây ATM ở thủ đô Phnompenh, Campuchia (có 1 số lần An về Việt Nam rút tiền ở các cây ATM tại Kiên Giang và Bình Dương).
Tuy nhiên do các cây ATM khống chế hạn mức, mỗi ngày chỉ rút được 1.200USD nên An đã vào mạng xã hội Facebook “Cộng đồng người Việt Nam ở Campuchia kết nối, thuê vợ chồng Nguyễn Ngọc Huệ, Trần Nam Phong, trú tại phường An Lạc, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh (Phong làm nghề đổi tiền và sống tại thủ đô Phnompenh, Campuchia) đổi tiền từ Việt Nam đồng sang USD với mức phí là 0,2%.
Từ ngày 15/10/2019 đến 27/2/2020, toàn bộ số tiền chiếm đoạt được của các bị hại thông qua tài khoản của Vũ Đình Hữu, An đều chuyển vào tài khoản số: 11715000001150 của Nguyễn Ngọc Huệ tại ngân hàng BIDV và tài khoản số: 19124466847013 của Nguyễn Ngọc Huệ tại Ngân hàng Techcombank. Trong đó tài khoản số: 11715000001150 của Huệ nhận được 1.179.000.000đ; tài khoản. 19124466847013 nhận 17 tỷ đồng.
Cuối mỗi ngày Huệ chốt tổng số tiền nhận được và quy đổi ra đồng USD. (theo tỷ giá biến động hàng ngày), sau khi trừ 0,2% tiên phí thỏa thuận, Huệ thông báo cho Phong biết tổng số tiền USD phải thanh toán cho An để Phong gian tiền USD tại Campuchia. An cũng chính là người phụ nữ đã gọi điện thoại cho chị Đại Thị Th, đóng vai là nhân viên để chiếm đoạt tiền.
Quá trình đấu tranh, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lào Cai đồng thời làm rõ hành vi phạm tội của Bede.
Tại cơ quan điều tra, Bede cho biết đã cùng với người đàn ông tên là C Kay, quốc tịch Nigeria cùng tham gia vào các phi vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó, C Kay là người cung cấp cho Bede thông tin về tên, địa chỉ, số điện thoại, số tiền sẽ lừa của người bị hại.
Còn Bede có nhiệm vụ liên lạc và tạo ra các lý do để người bị hại chuyển tiền theo yêu cầu; tỷ lệ ăn chia C Kay hưởng 60%, Bede hưởng 40%/ tổng số tiền chiếm đoạt được. C Kay là người đã cung cấp cho Bede thông tin về chị Đại Thị Th cho An và Frank thực hiện hành vi phạm tội...
Ngoài trường hợp của chị Đại Thị Th, Ngô Thị An cùng đồng bọn còn thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của một só phụ nữ khác ở Lào Cai và 52 tỉnh, thành phố khác trên cả nước.
Về phần Nguyễn Thị Phương Trúc đã câu kết với đối tượng người nước ngoài là JohnSon thực hiện vụ lừa đảo của chị Nguyễn Thị H (ở tỉnh Lai Châu) với số tiền khoảng gần 100 triệu đồng...
Và nhiều người bị hại khác. Hiện vụ án trên đang tiếp tục được điều tra, mở rộng, làm rõ vai trò của các đối tượng có liên quan.