Ngày 26/9, Tòa án quận Shizuoka, Nhật Bản tuyên bố trắng án cho ông Iwao Hakamada sau gần nửa thế kỷ sống trong án tử. Vụ án thu hút sự chú ý lớn từ dư luận, đặt ra nhiều câu hỏi về việc áp dụng án tử hình tại Nhật Bản.
Ông Iwao Hakamada hiện 88 tuổi, từng là một võ sĩ quyền anh chuyên nghiệp, bị kết án tử hình vào năm 1968 vì tội sát hại ông chủ, vợ và 2 con của ông chủ. Nạn nhân là một gia đình 4 người, bị sát hại và thiêu sống tại nhà riêng 2 năm trước đó.
Ông Hakamada đã trải qua 46 năm trong án tử - được cho là khoảng thời gian dài nhất mà một tù nhân trên toàn thế giới phải chịu đựng - cho đến khi được trả tự do. Ông được trả tự do sau khi có bằng chứng mới và được lệnh xét xử lại.
Ông Hakamada luôn khẳng định mình vô tội và khai rằng các nhà điều tra đã ép buộc ông nhận tội. Trong khi đó, các luật sư của ông cáo buộc cảnh sát đã bịa đặt chứng cứ.
Hiện chưa có quyết định nào về việc liệu các công tố viên có kháng cáo bản án hay không, theo hãng thông tấn Kyodo và các cơ quan truyền thông khác của Nhật Bản đưa tin. Các luật sư bào chữa cho ông Hakamada đã kêu gọi các công tố viên không kháng cáo phán quyết, vì ông đã lớn tuổi.
Chủ tọa phiên tòa sơ thẩm Shizuoka, Thẩm phán Koshi Kunii thừa nhận 3 phần chứng cứ đã bị dàn dựng. Trong đó có cả "lời thú tội" của ông Hakamada và các vật dụng quần áo mà các công tố viên tuyên bố ông đã mặc vào thời điểm xảy ra vụ án mạng.
"Các nhà điều tra đã làm giả mạo quần áo bằng cách làm dính máu lên đó", phán quyết cho biết. Đồng thời, bản án cũng chỉ trích việc sử dụng "các biện pháp thẩm vấn vô nhân đạo nhằm mục đích ép buộc lời khai bằng cách gây đau đớn về thể chất và tinh thần".
Tòa án cho biết: "Hồ sơ của bên công tố thu được bằng cách xâm phạm một cách nghiêm trọng quyền im lặng của bị cáo, trong những trường hợp rất có khả năng dẫn đến lời nhận tội sai."
Bà Hideko Hakamada (91 tuổi), chị gái của ông Hakamada, người đã miệt mài vận động để minh oan cho em trai mình, phát biểu trước báo giới trước phán quyết ngày 26/9: "Chúng tôi đã chiến đấu trong một trận chiến tưởng chừng như bất tận quá lâu rồi. Nhưng lần này, tôi tin rằng nó sẽ được giải quyết."
Vụ án oan sai phơi bày nhiều lỗ hổng trong hệ thống tư pháp Nhật Bản
Ông Hakamada, người bị suy giảm sức khỏe thể chất và tinh thần trong thời gian dài bị giam giữ, đã không có mặt tại phiên tòa hôm thứ Năm. Trong phiên tòa xét xử lại, chị gái ông là người đại diện cho ông.
Kết quả phụ thuộc vào độ tin cậy của những bộ quần áo dính máu mà các công tố viên cho biết ông Hakamada đã mặc vào thời điểm xảy ra vụ án mạng. Vụ án xảy ra tại một nhà máy sản xuất miso ở miền Trung Nhật Bản, nơi ông là một nhân viên nội trú.
Khi ra lệnh xét xử lại vào tháng 3/2023 sau nhiều năm tranh cãi pháp lý, tòa án cấp cao Tokyo cho biết, có khả năng cao là quần áo đã bị các nhà điều tra bỏ vào bể chứa miso. Các luật sư bào chữa cho biết, các xét nghiệm ADN trên quần áo chứng minh máu không phải của ông Hakamada.
Ban đầu, tòa án cấp cao đã quyết định không mở lại vụ án của ông Hakamada, một vụ án nổi tiếng đối với những người vận động phản đối án tử hình. Tuy nhiên, tòa đã đảo ngược quyết định sau khi tòa án tối cao yêu cầu xem xét lại vào năm 2020.
Hàng trăm người đã xếp hàng bên ngoài tòa án quận vào thứ Năm với hy vọng có được một chỗ ngồi trong phòng xử án công khai, trong khi những người ủng hộ giơ cao các biểu ngữ yêu cầu tha bổng cho ông Hakamada.
Các nhà vận động cho biết, thử thách mà ông Hakamada phải đối mặt đã vạch trần những lỗ hổng trong hệ thống tư pháp hình sự của Nhật Bản.
Ông Boram Jang, nhà nghiên cứu về Đông Á tại Tổ chức Ân xá Quốc tế, cho biết: "Chúng tôi vui mừng khôn xiết trước quyết định tha bổng cho ông Iwao Hakamada của tòa án. Sau khi phải chịu đựng gần nửa thế kỷ bị giam cầm oan uổng và 10 năm nữa chờ đợi phiên tòa xét xử lại, phán quyết này là một sự thừa nhận quan trọng về sự bất công sâu sắc mà ông phải chịu đựng trong phần lớn cuộc đời mình. Nó kết thúc một cuộc chiến đầy cảm hứng để lấy lại tên tuổi của ông bởi người chị gái Hideko và tất cả những người đã ủng hộ ông. Khi chúng ta kỷ niệm ngày công lý quá hạn từ lâu cho ông Hakamada, chúng ta nhớ đến tác hại không thể đảo ngược do án tử hình gây ra. Chúng tôi mạnh mẽ kêu gọi Nhật Bản xóa bỏ án tử hình để ngăn chặn điều này xảy ra lần nữa."
Nguồn: The Guardian