Được nhận xét là giống Trung Quốc của 15 năm trước, một cường quốc đang nổi có thể thách thức vị thế công xưởng toàn cầu của nền kinh tế số 2 thế giới?

Yến Nguyễn |

Những cải cách và ưu đãi của Ấn Độ đang thu hút các nhà đầu tư toàn cầu muốn đa dạng hóa bên ngoài Trung Quốc dưới chiến lược được gọi là "Trung Quốc+1".

Được nhận xét là giống Trung Quốc của 15 năm trước, một cường quốc đang nổi có thể thách thức vị thế công xưởng toàn cầu của nền kinh tế số 2 thế giới?- Ảnh 1.

Hai thập kỷ trước, Trung Quốc và Ấn Độ cùng ngang tài ngang sức về kinh tế và thường được so sánh lần lượt như rồng và voi. Qua nhiều năm, rồng đã đánh bại voi để trở thành công xưởng của thế giới.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng Ấn Độ hiện đang chuẩn bị xoay trục và có thể sớm thách thức vị thế vượt trội về sản xuất của Trung Quốc trong bối cảnh trật tự thế giới đang thay đổi.

Bang Tamil Nadu là một trong những câu chuyện thành công của đất nước. Là ngôi nhà của hơn 130 công ty thuộc top Fortune Global 500, bang cực nam của Ấn Độ gần đây đã đưa ra một chương trình ưu đãi nhằm khuyến khích các nhà đầu tư chuyển từ lắp ráp các sản phẩm có giá trị thấp sang sản xuất hàng hóa có giá trị cao.

Sự quan tâm toàn cầu đối với Ấn Độ tăng lên kể từ khi chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đưa ra các ưu đãi sản xuất cho các lĩnh vực như điện tử và thiết bị năng lượng tái tạo. Chính phủ cũng thực hiện một loạt cải cách để cắt giảm quan liêu và cải thiện cơ sở hạ tầng.

“Ấn Độ có giống Trung Quốc 15 năm trước không?” Kevin Carter, nhà sáng lập quỹ ETF thương mại điện tử và Internet cho các thị trường mới nổi, đặt câu hỏi. Và “câu trả lời là có.”

Ông chỉ ra rằng hơn một nửa dân số Ấn Độ dưới 30 tuổi. Nước này đã vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất vào năm ngoái và cũng là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

“Khi kết hợp nhân khẩu học và tăng trưởng, Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc về lượng người tiêu dùng,” Carter nói trong một hội thảo trực tuyến về đầu tư gần đây.

Cải cách và cơ hội

“Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là cơ hội dành cho Ấn Độ. Naushad Forbes, cựu chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ, nhận định. Cơ hội không chỉ đến từ cạnh tranh Mỹ-Trung và chiến lược “Trung Quốc +1” của các công ty toàn cầu, mà còn từ hai nguồn khác.

“Các chính sách nội bộ của Trung Quốc thực sự đang cản trở các nhà đầu tư nước ngoài và khiến họ phải tìm kiếm địa điểm khác. Mức lương tăng ở Trung Quốc cũng khiến các hoạt động lắp ráp ở những nơi như Việt Nam, Bangladesh, Philippines và Ấn Độ trở nên tốn ít chi phí hơn”.

Tuy nhiên, Forbes cho biết khả năng Ấn Độ tận dụng tối đa đa dạng hóa ngày càng tăng của mỗi ngành là khác nhau.

Ông nói: “Các lĩnh vực công nghệ trung bình có nhiều hứa hẹn nhất”, đồng thời cho biết thêm rằng các ngành như hóa chất đặc biệt, sản phẩm kỹ thuật và thực phẩm ăn liền là một trong những ngành có thế mạnh lớn nhất.

Được nhận xét là giống Trung Quốc của 15 năm trước, một cường quốc đang nổi có thể thách thức vị thế công xưởng toàn cầu của nền kinh tế số 2 thế giới?- Ảnh 3.

Forbes tỏ ra nuối tiếc khi Delhi không tham gia vào khối thương mại như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) – một hiệp định thương mại tự do bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và 10 quốc gia thành viên ASEAN.

Bất chấp mối quan hệ chặt chẽ với các quốc gia phương Tây, ông nói “Ấn Độ không phải là một phần của thương mại tự do quan trọng”.

Forbes cho biết Đông Nam Á, một điểm sáng tăng trưởng, cũng có thể giúp thúc đẩy hoạt động sản xuất của Ấn Độ. “Tôi hy vọng chúng ta có cách tiếp cận ôn hòa hơn trong việc xác định lợi ích cá nhân của mình. Trung Quốc là một thị trường khổng lồ và không chỉ là nước xuất khẩu lớn mà còn là nước nhập khẩu lớn thứ hai”, ông nói.

Các nhà quan sát cũng cho rằng Ấn Độ nên xem xét giảm thuế nhập khẩu trên diện rộng. Upasana Chachra, chuyên gia kinh tế trưởng về Ấn Độ tại ngân hàng đầu tư đa quốc gia Morgan Stanley, cho biết: “Ấn Độ nằm trong số các thị trường mới nổi có mức thuế nhập khẩu cao nhất, dẫn đến khả năng hội nhập thị trường bị giảm sút”.

“Căng thẳng địa chính trị và chiến lược Trung Quốc cộng mang đến cho Ấn Độ cơ hội duy nhất để trở thành một mắt xích không thể thiếu trong chuỗi giá trị toàn cầu và lấy xuất khẩu làm động lực tăng trưởng”.

Đồng thời, các chuyên gia gợi ý Ấn Độ nên tìm cách tăng cường việc làm trong các lĩnh vực thâm dụng lao động như du lịch để đáp ứng nhu cầu của người trẻ.

Thách thức tạo việc làm

Theo Forbes, cung cấp đủ việc làm là thách thức kinh tế lớn nhất của đất nước. “Chúng tôi đang tạo ra rất nhiều việc làm nhưng chủ yếu là ở những dịch vụ không chính thức, chứ không phải những việc làm chính thức có chất lượng tốt”.

Các trường đại học kỹ thuật ưu tú của Ấn Độ khó tuyển sinh hơn Harvard trong khi nguồn nhân lực kỹ thuật và công nghệ thông tin của nước này đang phục vụ thế giới.

Tuy nhiên, hàng triệu thanh niên ở các thị trấn nhỏ và khu vực nông thôn vẫn gặp khó khăn làm chủ kỹ năng cơ bản mặc dù chính phủ gần đây đã đưa ra chính sách giáo dục quốc gia mới nhằm cải thiện tình hình.

Được nhận xét là giống Trung Quốc của 15 năm trước, một cường quốc đang nổi có thể thách thức vị thế công xưởng toàn cầu của nền kinh tế số 2 thế giới?- Ảnh 5.

Giáo sư kinh tế và khoa học chính trị tại INSEAD Pushan Dutt nhận định: “Nơi Ấn Độ tụt lại phía sau là đầu tư vào giáo dục. “Chất lượng trường học và giáo viên còn thấp và không đồng đều. Tình trạng giáo viên vắng mặt diễn ra phổ biến và số lượng trường đại học không theo kịp tốc độ tăng nhanh chóng về lượng thanh niên tham gia lực lượng lao động.”

Tăng trưởng sản xuất vừa chớm nở

Lời hứa về nhiều cải cách và tăng trưởng hơn nữa đã sinh ra một thế hệ doanh nghiệp mới hướng đến các mô hình sản xuất mới.

Đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Emobi Manufactury là Bharath Krishna Rao Potluri đang tìm cách tiên phong sản xuất xe hai bánh giá rẻ cho Ấn Độ dựa trên mối quan hệ đối tác chiến lược với Honda và Musashi Seimitsu Industry Co. của Nhật Bản, từ đó cung cấp cho các doanh nghiệp thực hiện giao hàng chặng cuối.

Potluri cho biết: “Chúng tôi đang rời xa khái niệm nhà máy lớn và tin tưởng nhiều hơn vào các nhà máy vi mô – phân bổ theo khu vực và gần hơn với các điểm tiêu dùng”.

Potluri thừa nhận rằng các công ty Trung Quốc, những công ty hàng đầu thế giới về xe điện, đã có khởi đầu từ 10-15 năm, nhưng ông hy vọng sẽ thu hẹp khoảng cách bằng các công nghệ mới, kỹ thuật tiết kiệm và tích hợp phát triển phần mềm vào xe.

Các giám đốc điều hành trong ngành cho biết ngành công nghiệp Ấn Độ có thể vạch ra một con đường tăng trưởng mới bằng cách kết hợp các thế mạnh truyền thống về phát triển phần mềm với sản xuất.

“Triển vọng dài hạn của Ấn Độ rất lạc quan”, Aditi Raman, chuyên gia kinh tế tại Moody’s Analytics cho biết. Nhu cầu trong nước sẽ vẫn là động lực tăng trưởng quan trọng, cùng đầu tư mạnh mẽ và chi tiêu chính phủ là đầu vào quan trọng.

Được nhận xét là giống Trung Quốc của 15 năm trước, một cường quốc đang nổi có thể thách thức vị thế công xưởng toàn cầu của nền kinh tế số 2 thế giới?- Ảnh 6.

Bà nói thêm rằng mặc dù sẽ có nhiều cơ sở sản xuất hơn xuất hiện, Ấn Độ vẫn cần giải quyết những khoảng cách giữa cơ sở hạ tầng thành thị và nông thôn.

Các nhà phân tích cho rằng đầu tư không đồng đều sẽ cản trở tham vọng sản xuất của nước này vì cơ sở hạ tầng vật chất đảm bảo và thủ tục hành chính tinh gọn là rất quan trọng đối với các công ty toàn cầu đang tìm cách chuyển hoạt động ra khỏi Trung Quốc. Vì vậy, rõ ràng là Ấn Độ vẫn còn một chặng đường dài để bắt kịp người hàng xóm khổng lồ ở phía bắc.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại