Câu chuyện thứ nhất: Cuộc phỏng vấn đầu vào của ngôi trường nổi tiếng
Có một ngôi trường chuyên dạy về kinh doanh rất nổi tiếng. Để muốn chọn ra những sinh viên ưu tú nhất vào học, người ta đã lập ra một hội đồng tuyển sinh và họ có những cuộc phỏng vấn đầu vào rất khắt khe với các ứng cử viên.
Vào một trong những buổi phỏng vấn như thế, một cậu học sinh trông rất sáng sủa bước vào phòng. Nhìn vào bảng thành tích học tập, hội đồng tuyển sinh khá hài lòng. Họ chỉ cần cậu ta thể hiện được tư duy logic, khả năng phân tích, suy luận cũng như phản ứng nhanh nữa là đủ.
Một người trong số hội đồng tuyển sinh nói với cậu học sinh: "Chúng tôi có 2 lựa chọn cho cậu, đó là hoặc cậu trả lời 10 câu hỏi dễ, hoặc trả lời 1 câu hỏi khó. Cậu chọn cách nào?".
"Em chọn 1 câu hỏi khó", cậu học sinh trả lời dứt khoát.
"Được, vậy chúc cậu may mắn nhé. Giờ hãy cho chúng tôi biết, ngày có trước hay đêm có trước?", người này lại hỏi tiếp.
"Ngày có trước", cậu học sinh không ngần ngại mà đưa ra luôn đáp án, dường như không hề mất thời gian để suy nghĩ.
"Cậu giải thích được không?", người phỏng vấn lại hỏi tiếp.
"Xin lỗi, em được lựa chọn chỉ trả lời một câu hỏi duy nhất thôi mà, thưa thầy, vì thế em không cần trả lời câu hỏi thứ 2 này", cậu học sinh trả lời một cách khôn ngoan.
Các thành viên trong Hội đồng tuyển sinh nhìn nhau mỉm cười, và cậu học sinh đã được nhận vào ngôi trường nổi tiếng này ngay lập tức.
Lời bàn: Khả năng quan sát, lắng nghe và phân tích tốt sẽ giúp cải thiện khả năng tư duy logic - một trong những yếu tố vô cùng quan trọng đem lại thành công trong những cuộc phỏng vấn nói riêng và trong công việc hay cuộc sống nói chung.
Trong một xã hội phát triển với sự cạnh tranh cao như hiện nay, muốn đạt được thành tựu, bạn hãy không ngừng rèn luyện để luôn có một tư duy logic sắc sảo, nhạy bén.
Câu chuyện thứ 2: Bốn sinh viên láu cá bị "chơi khăm"
Có 4 sinh viên nọ chỉ thích chơi bời, tiệc tùng mà không chuyên tâm vào việc học. Một hôm, ngay đêm trước kỳ thi quan trọng, họ đã cùng nhau ăn chơi nhảy múa, uống rượu đến say mèm và ngủ quên đến tận trưa hôm sau.
Khi tỉnh dậy sau cơn say, cả 4 bàn nhau nghĩ ra cách qua mắt giáo sư phụ trách.
Họ tới gặp giáo sư, nói rằng tối qua đã cùng nhau đi dự một đám cưới người bạn ở xa. Thế nhưng, trên đường trở về, xe ô tô của họ đã bị thủng lốp ở một nơi khỉ ho cò gáy. Chính vì thế, họ không tìm được quán sửa xe, cũng không thể gọi điện thoại về báo cáo thầy giáo.
4 sinh viên nghĩ ra cách giả vờ xe bị hỏng giữa đường để qua mắt giáo sư. (Ảnh minh họa)
Giáo sư lắng nghe họ trình bày lý do một cách chăm chú. Một lát sau, ông ra vẻ cảm thông với 4 sinh viên và nói rằng, mình sẽ sắp xếp cho họ một ngày khác để làm bài thi, còn bây giờ, họ hãy mau về nhà để ôn thi.
Bốn sinh viên nghe thấy vậy thì vô cùng mừng rỡ, cảm ơn giáo sư rồi ra về.
Một tuần sau, giáo sư gọi cả 4 người đến trường, yêu cầu họ làm bài thi trả nợ cho thầy. Tất cả đều vui vẻ bước vào phòng thi, chuẩn bị sẵn giấy bút để làm bài. Giáo sư cho 4 người ngồi ở 4 góc phòng cách xa nhau rồi phát đề thi.
Khi họ mở đề thi ra, họ thấy chỉ có 2 câu hỏi rất ngắn, với tổng số điểm là 100.
Câu thứ nhất: Tên của bạn? (1 điểm)
Câu thứ 2: Tuần trước khi các bạn đi đám cưới, chiếc lốp ô tô nào đã bị hết hơi? (99 điểm)
A. Bánh đằng trước, bên trái.
B. Bánh đằng trước, bên phải.
C. Bánh đằng sau, bên trái.
D. Bánh đằng sau, bên phải.
Lời bàn: Câu chuyện hài hước này cho thấy một trong những tình huống phổ biến của những học sinh "nhất quỷ nhì ma" gây ra và cách xử lý cao tay của giáo viên, vì hơn ai hết, giáo viên cũng đã từng là học sinh, và việc qua mắt họ quả là không dễ.
Tuy nhiên, nó cũng cho ta thấy một góc nhìn khác, rằng trên thế giới này, không thiếu những người thông minh, lọc lõi hơn bạn. Vỏ quýt dày có móng tay nhọn, thành thực và biết chịu trách nhiệm cho những hành động của mình sẽ luôn là cách ứng xử khôn ngoan nhất.
Theo Moral Stories