Theo truyền thông Trung Quốc, vị quan chức nói trên họ Bao, làm việc trong ngành giáo dục huyện Thái Thuận, tỉnh Chiết Giang.
Vào hôm 17/9 vừa qua, vì địa phương này chịu ảnh hưởng của siêu bão Meranti nên ông Bao đã có chuyến công tác tới một vài nơi trong huyện bị ảnh hưởng.
Thế nhưng, chuyến đi ấy đã trở thành "thảm họa và bi kịch" đối với đường quan lộ của vị qua chức này. Một người đã chộp được khoảnh khắc ông Bao được nhân viên cấp dưới khênh qua một vũng bùn lầy do cơn bão để lại và sau đó, nó được chia sẻ trên Weibo.
Bức ảnh đã gây ảnh hưởng "nghiêm trọng" hơn cả siêu bão Meranti trên mạng xã hội. Cư dân mạng nhao nhao bàn tán, chỉ trích và cho rằng hành động của ông Bao thật đáng xấu hổ.
Trước làn sóng phản ứng mạnh mẽ của dư luận, cơ quan giáo dục tại địa phương đã phải đứng ra thông báo họ đã thực hiện một cuộc điều tra về những gì đã xảy ra và kết quả là, Bao đã bị sa thải.
Thanh minh với truyền thông, người đàn ông này cho biết mình đã bị kết án oan bởi tòa án của dư luận. Theo lời giải thích của Bao thì vào ngày hôm đó, ông ta vừa họp xong là đi thẳng tới khu vực bị thiên tai, không có thời gian thay trang phục thích hợp.
Khi ông đang cố đi qua vũng bùn lầy, hai nhân viên công ty bảo hiểm tới gần để giúp đỡ và hành động này chỉ diễn ra trong vài giây.
Hai người giúp ông Bao cũng đã xác nhận đúng như những gì ông ta đã trình bày. Ngoài ông Bao, họ cũng giúp đỡ người khác.
Ngay cả người chụp bức ảnh này cũng khẳng định anh ta chỉ muốn ghi lại cảnh mọi người giúp đỡ lẫn nhau. Dù vậy, phòng giáo dục huyện Thái Thuận vẫn không thay đổi quyết định đuổi việc ông Bao.
Hình ảnh ông Bao được hai người khác "giúp đỡ vài giây".
Phản ứng trước việc ông Bao bị đuổi việc
Sau khi thông tin ông Bao chính thức bị đuổi việc được trang tin Shanghaiist đăng tải trên trang Facebook của họ, không ít ý kiến cho rằng quyết định của cơ quan giáo dục huyện Thái Thuận "có vấn đề".
"Có thể là có những lý do khác chứ việc ông ta được nhấc qua vũng bùn chẳng thể nào khiến ông ta bị đuổi việc một cách chóng vánh như thế.
Thông thường, các quan chức rơi vào trường hợp này sẽ xin lỗi công chúng. Bị đuổi việc là một mức xử quá nặng. Những nơi khác rồi sẽ chẳng dám nhận ông ta vì áp lực", một người có nickname Haotian Jimmy Qu bình luận.
Vậy nhưng vẫn có nhiều người vẫn không ngớt lời chỉ trích, giọng điệu khá bức xúc: "Vâng, còn may là không phải vợ hay con gái ông ta phải làm việc này" hay "Ông ta coi trọng đôi giày còn hơn phẩm giá của mình, thật xấu hổ".
Và dù ai có nói ngả nói nghiêng, ông Bao vẫn bị mất việc. Thế mới thấy, mạng xã hội và làn sóng dư luận "quyền lực" đến mức nào.
Có lẽ sau vụ việc này, các quan chức, dù là quan lớn hay quan bé cũng sẽ phải bảo nhau thận trọng hơn trong từng lời ăn tiếng nói, từng hành động kẻo có ngày bị tung lên mạng xã hội, sự nghiệp của họ sẽ nhanh chóng về... số 0.
Hoặc có thể, họ cũng sẽ chịu khó "làm màu" hơn. Thực ra cũng chẳng mất gì mà lợi đủ đường.
Chẳng thế mà hình ảnh Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường lội hẳn xuống nước lũ khi đi thị sát lại được dân tung hô, ngợi ca không ngớt lời.
Ông Lý Khắc Cường được dư luận hết lời khen ngợi sau khi bức ảnh này được đăng tải trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc.