Được đàn chó hoang cứu mạng, người đàn ông chuyển lên "núi cấm" ở, sau 9 năm thay đổi vợ không nhận ra

Thiên Yết |

Anh Út vẫn nhớ như in biến cố hút chết của mình ở dãy núi Thất Sơn - nơi được coi là linh thiêng, bí ẩn bậc nhất miền Tây những năm trước.

Chạm mắt "tử thần" trong lúc đi thăm vườn, người đàn ông được chó hoang cứu mạng

Dãy Thất Sơn (hay còn gọi là vùng 7 núi, tên gọi của 7 ngọn núi không liên tục nhau thuộc hai huyện Tri Tôn, Tịnh Biên của An Giang) là địa điểm lưu truyền nhiều câu chuyện tâm linh bí ẩn của người miền Tây. Do địa hình hiểm trở, hiếm người sinh sống, vùng này vẫn còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ và hệ thống sinh thái đa dạng, nhiều động vật hoang dã.

Có một vườn trái cây ở ngay gần núi Dài (còn gọi núi Ngọa Long) thuộc dãy Thất Sơn, anh Út thường xuyên qua lại vùng này. Chuyện anh đi thăm vườn, rồi lang thang qua cánh rừng trên núi Dài mà gặp sóc, chồn, chim cú, có khi là đám rắn độc như hổ sơn, hổ mây, chàm quạp... nhiều như cơm bữa. 

Được đàn chó hoang cứu mạng, người đàn ông chuyển lên "núi cấm" ở, sau 9 năm thay đổi vợ không nhận ra- Ảnh 1.

Anh Út và bầy chó hoang trên núi Dài

Chạm mặt nhau rồi, ngó nhau cái rồi đi, việc ai ấy làm, không ai xâm phạm ai. Anh Út vẫn yên ổn như thế với đám động vật hoang dã trong nhiều năm. Nhưng 9 năm trước, cũng trong một lần lên vườn, anh đối diện với cánh cửa sinh tử, khi gặp một con rắn hổ mang chúa rất dữ tợn. 

Anh kể lại: "Không biết có phải tui vô tình đạp trúng người con rắn hay trúng hôm nó "khó ở", mà nó bành hết mang, thè lưỡi, dí (đuổi - PV) theo tui như muốn đớp tui luôn. Nó bự hơn cái bắp tay tuii luôn. Tui sợ quá vừa chạy vừa la, rồi bị té (ngã - PV) xuống. Lúc đó tưởng đâu đi theo ông bà ông vải rồi chớ".

Được đàn chó hoang cứu mạng, người đàn ông chuyển lên "núi cấm" ở, sau 9 năm thay đổi vợ không nhận ra- Ảnh 2.

Sau biến cố hút chết, anh Út gắn bó với chúng như gia đình của mình

Nhưng may mắn cho anh Út, một bầy chó hoang ở đâu bất ngờ xuất hiện, đứng chắn trước mặt anh, giúp đuổi con rắn hổ mang chúa đi. Hai bên gầm ghè, khè nhau một hồi thì con rắn cũng bò đi.

Kể từ đó, anh Út mang lòng hàm ơn với bầy chó hoang. Sau khi tìm hiểu, anh biết chúng đang cư ngụ ở núi Dài gần đó. Nhìn thấy bầy chó ốm o, xơ xác, anh Út động lòng thương cảm nên quyết định lên núi ở để... chăm sóc chúng. 

9 năm lên núi sống cùng bầy chó, thay đổi vợ không nhận ra

Anh Út có vợ con, nhưng từ sau biến cố hút chết, anh "xin phép" vợ mang gạo, rau trái lên núi ở với bầy chó hoang, nuôi nấng chúng để báo ân. Cứ ngỡ anh đi vài tháng, cũng tiện để chăm vườn trái cây gần đó, vợ anh không nói gì. 

Nhưng càng ở lâu với bầy chó, anh lại càng mến chân mến tay, cưng nựng từng con như người trong gia đình, gọi chúng là "mâý đứa nhỏ", ôm ấp hôn hít, đặt tên cho chúng. "Bả cằn nhằn miết, tui chỉ nói, tui mắc nợ chúng rồi tui phải nuôi chúng. Tui biết mình không đi mần mướn được, ảnh hưởng tới gia đình, nhưng mà đừng nhằn tui nữa. 

Hai vợ chồng gây lộn hoài về vụ này. Tui nói giờ có mùa trái cây còn cố được, sau hết mùa, tui  đi bán vé số cũng đem theo tụi nhỏ, giờ bỏ thì tội lắm. Sau thấy tui quyết tâm quá, vợ đành chấp nhận", anh Út nói.

Được đàn chó hoang cứu mạng, người đàn ông chuyển lên "núi cấm" ở, sau 9 năm thay đổi vợ không nhận ra- Ảnh 3.

Anh tự nguyện nuôi chúng để trả ân tình năm xưa

Bầy chó hoang được anh Út chăm sóc, nuôi nấng, giờ sinh sôi thêm đã thành gần 40 con. Con nào con nấy lông mướt rượt. Chúng quấn quýt với anh Út, luôn theo sau lưng anh bảo vệ, nhất nhất nghe lời.

Anh Út, sau mấy năm ngủ chung với bầy chó trên núi, thương "tụi nhỏ" nằm lạnh đã thuê đất làm chòi, chung sống với chúng. Anh làm vườn trái cây, đem gạo, đem khô dưới nhà lên nấu cơm, nấu cháo cùng ăn với chúng. Hoạ hoằn lắm anh mới về nhà ở dưới chân núi.

Vợ anh thương chồng, lâu lâu cũng chạy lên coi sóc, hỗ trợ anh chăm bầy chó. "Tụi nhỏ bảo vệ ổng lắm. Mỗi khi ổng ra vườn là nguyên bầy đi theo sau lưng. Còn ổng thì coi chúng không khác gì con.

Có mấy đứa có bầu rồi đẻ ở hang, 1 - 2 giờ khuya ổng dòm không thấy là lại soi đèn đi kiếm, có khi gọi bạn bè tới "cứu viện". Ổng sợ để mẹ con nó trong hang lạnh, đói bụng mà chết thì tội nghiệp. 

Trong đám chó này có những con người ta bỏ không nuôi nữa, đem cho, ổng cũng nhận hết, không kén chọn con nào. Tiền có đâu, nhưng ổng vẫn đem tụi nhỏ chích ngừa cẩn thận. Đứa nào mất thì chôn. Cũng có khi bị người ta rình bắt trộm, ổng khóc dữ dội làm như mất con vậy", vợ anh Út "mách tội" chồng.

Được đàn chó hoang cứu mạng, người đàn ông chuyển lên "núi cấm" ở, sau 9 năm thay đổi vợ không nhận ra- Ảnh 4.

Những thay đổi của anh Út khiến vợ anh cũng ngạc nhiên

Điều đặc biệt nhất sau nhiều năm anh Út lên núi ở với bầy chó hoang, vợ anh nói, là tính anh hiền đi nhiều. Xưa anh ham nhậu, ăn thịt chó rất dữ dằn. Nhưng từ khi lên núi Dài ở, anh bỏ hẳn. 

Áo rách, chân đi đất, anh với đám con Đen, con Tiêu, con Nị, Đực chân ngắn, Bốn Mắt, Mỡ Cục... cùng chơi đùa, nhảy với nhau, đi lên rừng thăm thú cảnh vật. Anh thuộc lòng tiếng kêu của chim chóc, hiểu được "tín hiệu" của bầy chó, khi nào là sủa vì gặp thú rừng, lúc nào là giỡn chơi.

Được đàn chó hoang cứu mạng, người đàn ông chuyển lên "núi cấm" ở, sau 9 năm thay đổi vợ không nhận ra- Ảnh 5.

Anh Út sống trên rừng, nên cũng tự nhận trọng trách bảo vệ cánh rừng

Tối tối, bầy chó tự sắp xếp nhau chỗ nằm, như thể "phân chia lãnh thổ", bảo vệ khu chòi của anh Út. Sống trong rừng, anh Út tự mang trách nhiệm bảo vệ rừng. Trái cây rừng hái bán hoặc đem ăn, anh hái vừa đủ "còn để dành cho chim". Anh cũng dặn người ta không bắn chim, gà rừng, không đặt bẫy bắt thú rừng, vì "tội nghiệp tụi nó". 

Cứ như thế, bằng thứ tình yêu đầy duyên nợ với bầy chó hoang trên núi Dài, anh Út khiến vợ anh và cả bạn bè anh cũng xiêu lòng. Bạn bè lên núi kiếm anh bàn công chuyện, thi thoảng mang cho anh ít cơm phơi khô, thức ăn phụ anh nuôi tụi nhỏ. 

Nguồn: Thích Lang Thang

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại