Lò vi sóng với chức năng hâm nóng đồ ăn, rã đông thức ăn là thiết bị được sử dụng phổ biến trong căn bếp của nhiều gia đình hiện nay. Tuy vậy, không phải ai cũng biết cách sử dụng lò vi sóng đúng cách, an toàn, giữ được độ bền của thiết bị đặc biệt là sau khi sử dụng xong.
Lò vi sóng dùng xong nên rút điện hay cắm điện?
Lò vi sóng nên được rút điện sau khi sử dụng xong vì việc để lò ở chế độ chờ vẫn gây ra hao phí điện năng. Điều này còn gây ra nguy hiểm nếu chập cháy điện, hoặc trong trường hợp gia đình có trẻ nhỏ tò mò dễ nhấn các nút khởi động lò vi sóng, tiềm ẩn nhiều rủi ro gây bỏng và các tai nạn khác.
Không sử dụng mà vẫn cắm điện lò vi sóng còn dẫn đến hao phí điện năng nhỏ, nhưng theo thời gian sẽ dẫn đến tiêu tốn một lượng điện năng đáng kể, góp phần làm tăng hóa đơn tiền điện. Theo Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, việc rút phích cắm các thiết bị điện tử không sử dụng có thể tiết kiệm 5-10% điện năng tiêu thụ mỗi tháng.
Bên cạnh đó, lò vi sóng khi cắm điện liên tục sẽ khiến các bộ phận của lò bị hao mòn nhanh hơn, giảm tuổi thọ của lò. Vậy nên gia đình sử dụng lò vi sóng nên có thói quen rút phích cắm sau mỗi lần sử dụng xong, để lò có thời gian nghỉ, đảm bảo an toàn và tuổi thọ cho thiết bị.
Lưu ý sử dụng lò vi sóng đúng cách
Đậy các loại hộp và bát đựng khi hâm nóng đồ ăn
Việc đóng nắp hộp sẽ giúp giữ vệ sinh cho lò vi sóng, tránh khả năng thức ăn bị tràn hoặc bắn khắp lò. Theo Today, việc quay thực phẩm bằng lò vi sóng mà không có nắp đậy sẽ ảnh hưởng tới yếu tố đặc - lỏng, độ ẩm và sự phân bổ nhiệt của món ăn. Ngược lại, nếu sử dụng nắp đậy, thực phẩm sẽ được hâm nóng đều và ngon hơn.
Điều lưu ý là không đậy kín hoàn toàn, rất dễ làm áp suất tăng khi nhiệt độ tăng và có thể gây hiện tượng phát nổ. Nên để nắp đồ ăn hở một phần hoặc chọc màng bọc để thoát hơi nước trước khi cho vào lò vi sóng. Ngoài ra, khi sử dụng màng bọc thực phẩm để hâm nóng thức ăn, cần sử dụng loại ghi rõ “Dùng được với lò vi sóng”.
Không hâm nóng thức ăn còn nguyên bao bì
Tuy nhiên không nên quay các thực phẩm còn nguyên bao bì nhựa, hộp xốp, túi giấy, hộp giấy sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ trong quá trình lò vi sóng hoạt động.
Không mở cửa lò vi sóng khi đang hoạt động
Mở cửa lò khi đang hoạt động không chỉ làm thoát nhiệt mà còn gây nguy hiểm do bức xạ vi sóng có thể thoát ra ngoài. Hành động này cũng làm giảm hiệu suất hâm nóng thực phẩm và tiêu hao điện năng.
Không đặt lò vi sóng cạnh hoặc trên nóc tủ lạnh
Nhiều gia đình muốn tiết kiệm không gian trong bếp hoặc để đảm bảo tính thẩm mỹ chung nên thường đặt lò vi sóng trên nóc tủ lạnh. Lò vi sóng khi hoạt động tỏa ra nhiệt lượng cao, có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động tủ lạnh, làm giảm tuổi thọ thiết bị. Bản thân khí gas trong tủ lạnh cũng là thành phần nhạy với lửa, có thể bị rò ga do quá trình nạp gas hoặc sửa chữa không đúng kỹ thuật, dẫn đến nguy cơ cháy nổ cao.
Vậy nên các gia đình cần đặt lò vi sóng ở vị trí thông thoáng, xa nguồn nước và các thiết bị sinh nhiệt khác để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng.
Vệ sinh lò vi sóng định kỳ
Vệ sinh lò vi sóng thường xuyên đảm bảo hiệu quả hoạt động của thiết bị cũng như sức khoẻ của người dùng, loại bỏ bụi bẩn và mùi thức ăn. Cần lưu ý vệ sinh đĩa xoay đầu tiên vì đây là bộ phận tiếp xúc trực tiếp với đồ ăn, được thiết kế tháo lắp dễ dàng. Sau đó dùng mút mềm hoặc miếng bọt biển ẩm để lau các vết bẩn, dầu mỡ bám trên bề mặt lò vi sóng. Nhiều người thường có thói quen xịt nước trực tiếp để vệ sinh lò nhưng việc này sẽ dẫn đến tình trạng ứ nước, rỉ sét nếu không lau khô ngay lập tức.
(Tổng hợp)