Đừng tặng hoa hồng cho phụ nữ ngày 8/3 nữa!

Khải Đơn |

Một số người đùa rằng ở Việt Nam, chỉ có phụ nữ có những hai ngày được tặng hoa, làm gì tùy thích, "vùng lên" cho cả thế giới biết mặt. Thế không phải là nữ quyền đang ngon lành còn gì?

Dường như đã có sự nhầm lẫn rất lớn giữa hành động tặng hoa "nịnh vợ", "nịnh người yêu" với cái gọi là bình đẳng.

Nhiều phụ nữ vẫn tưởng rằng khi được tặng hoa, được ca ngợi trên các băng-rôn, biểu ngữ, thì vị trí xã hội của họ đã vượt lên dẫn đầu.

Quảng cáo và truyền thông dùng những lời có cánh nói về phụ nữ. Chị em thành đạt. Nữ giới có tỷ lệ làm lãnh đạo cao. Phụ nữ thành đạt ngày càng đông.

Chị em chủ động làm mẹ đơn thân và chăm sóc con cái. Phụ nữ chơi motor, chinh phục các thành tựu hệt như nam giới. "Là con gái thật tuyệt!" (slogan của một nhãn hàng) biến thành lời ca ngợi có cánh nói về nữ quyền, sự tự chủ của phụ nữ.

Có một thời, ảnh bìa trên tạp chí là những cô gái ăn mặc kiểu cứng rắn, nam tính và tự tin nói rằng "Tôi không cần đàn ông" hoặc "Tôi không cần một người chồng để làm cha của con tôi!" – có thể coi những tuyên ngôn đó như sự nổi loạn đầy tự chủ của một lớp phụ nữ trẻ tin rằng họ có thể tự kiến tạo cuộc sống mà không cần phải dựa dẫm vào người đàn ông nào.

Đừng tặng hoa hồng cho phụ nữ ngày 8/3 nữa! - Ảnh 1.

Trong ngày tôn vinh phái đẹp (8/3), rất nhiều mỹ nhân Việt "lâng lâng" hạnh phúc khi được nhận những món quà ý nghĩa từ người yêu. Ảnh: Người mẫu Phạm Ngọc Thạch được ông xã Đỗ Bình Dương tặng hoa hồng vàng vĩnh cửu.

Trên mạng xã hội, sự tôn vinh ngày 8/3 được biểu thị bằng những chàng trai đã chuẩn bị sẵn hoa cho người thương, những phụ nữ khoe mình được nhận quà, được bạn yêu hứa mời ăn tối, tặng món quà yêu thích.

Tại ngưỡng cửa của niềm vui đó, không khí bị khuấy loãng và tạo nên sự yên tâm giả vờ của nữ quyền, khi phụ nữ được trấn an để tin rằng mình đã có vị trí an toàn trong xã hội và sự trọng thị từ nhiều phía.

Những em gái trẻ tin rằng nữ quyền là mình được chàng trai mở cửa khi bước vào quán ăn, được ăn mặc đẹp tự do không vấp phải sự phàn nàn cổ hủ, được phá thai khi chưa chọn lựa làm mẹ, được cưng chiều, tặng hoa hay xuất hiện trong những hình ảnh công ty đầy hấp dẫn, thành đạt.

Nhưng sự hào nhoáng của những vỏ bọc đó đã che lấp những khoảng trống đầy đau xót.

Như trên một bản tin ngày 7/3 của VTV dẫn nguồn Viện Công nhân và Công đoàn Việt Nam, nói "80% phụ nữ ở tuổi trên 35 trong các khu công nghiệp đang bị đào thải hoặc tự bỏ việc".

Lý do cho việc họ bị đẩy ra ngoài lề là lương thấp không đủ sống, áp lực công việc và bị cho thôi việc. 

"Thậm chí có những trường hợp lao động nữ gắn bó với công việc hơn 10 năm nhưng lại bị cho nghỉ việc với lý do cơ cấu lại sản xuất hoặc tự nghỉ do không chịu được điều kiện làm việc khắc nghiệt"- Trang tin này tóm tắt lại nghiên cứu.

Con số 80% lao động nữ trên 35 tuổi này lớn hơn rất nhiều số bài báo ca ngợi chị em phụ nữ thành đạt, trở thành lãnh đạo hay tự tin cất tiếng nói thành đạt của mình trên các tạp chí sang trọng.

Số phụ nữ khổng lồ này có thể là bất cứ ai ta gặp mỗi ngày. Chị đồng nghiệp đã có gia đình. Một phụ nữ công nhân đã có hai con phải chăm sóc. Những chị gái đã ổn định về chuyên môn trong một công ty mà họ gắn bó nhiều năm.

Họ là bất cứ ai, không chỉ gói gọn trong nhóm những em gái trẻ mặc đồ Tomboy, tuyên ngôn mạnh mẽ hay sống theo ý muốn của mình. Họ bị đe dọa một cách ngấm ngầm không thể hiện thành tên.

Một thực tế phũ phàng hiện ra, dù cho quảng cáo có ca ngợi phụ nữ bao nhiêu (để bán được hàng), có vinh danh bao nhiêu chị em thành đạt (để đánh bóng tên tuổi nhãn hàng mình) thì thực tế sờ sờ ra là có hàng triệu phụ nữ tại Việt Nam không được hưởng cái nữ quyền đơn giản nhất: là được làm việc và có thể an tâm kiếm sống sau 35 tuổi, với nhiều bất trắc và gánh nặng về sự nghiệp.

Tương tự như thế, một báo cáo tên "Hướng tới bình đẳng giới tại Việt Nam: để tăng trưởng bao trùm có lợi cho phụ nữ" do cơ quan Liên Hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) thực hiện, có đoạn viết: "phụ nữ đảm nhận công việc chăm sóc và công việc gia đình không được trả lương nhiều hơn nam giới, và việc này bắt đầu từ khi còn rất nhỏ."(2)

Là một phụ nữ, tôi tin rằng sự lộng lẫy của ngày 8/3 không thể đến từ những đóa hoa được trao tặng, những biểu ngữ xuất hiện tràn ngập ngoài đường hay sau cánh cửa hành lang công sở.

Một ngày 8/3 ý nghĩa đến từ người phụ nữ bớt phải chịu gánh nặng từ những điều tất nhiên như hơi thở trong đời.

Những phụ nữ lớn tuổi an tâm hơn với công việc mình làm, thu nhập sống được, công việc không tên và không có tiền của họ được người xung quanh tôn trọng và chia sẻ hơn là kỳ vọng họ trở thành những nữ tướng biết tuốt, biết làm đủ việc, xắn tay áo đủ chỗ hay kỳ công vá đá lấp biển để trở thành phụ nữ thành công.

Trong một lần phỏng vấn những phụ nữ thành đạt, người biên tập yêu cầu tôi tìm những chị em vừa có thành đạt về sự nghiệp, vừa nuôi con giỏi, con cái có thành tựu.

Tôi hỏi lại anh: "Nếu anh bảo em đi phỏng vấn những người đàn ông thành đạt, có bao giờ anh bắt em phải truy ra xem con cái họ có thành đạt hay không không? Tại sao các anh đòi hỏi quá nhiều ở phụ nữ vậy?".

Đó cũng là điều tôi tự hỏi suốt nhiều năm trời, tại sao xã hội luôn muốn một phụ nữ lý tưởng "giỏi việc nước, đảm việc nhà" mà không đòi một người đàn ông thành đạt tương tự vậy?

Câu hỏi không được trả lời – cũng như những con số chị em bỏ việc, chịu đựng gánh nặng từ lao động khi lớn tuổi, không được bảo vệ và đánh giá đúng mức khi nuôi con, dọn dẹp nhà cửa nhiều giờ mỗi ngày.

Nếu ai đó nói với tôi về đóa hồng ngày 8/3, tôi chỉ mong mỗi đóa hoa đó là thêm một phụ nữ không mất việc sau 35 tuổi và lạy trời, một ngày nào đó, những phụ nữ cắm đầu nấu ăn làm việc nhà như mẹ tôi được coi như những người có việc làm thực sự chứ không phải ghi vào sổ là "nội trợ" và coi họ như những người đàn bà vô hình trong cuộc tranh đua lao động này.

Một đóa hồng không làm nên sự lộng lẫy của nữ quyền...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại