Hãng hàng không Vietjet Airlines với định vị giá rẻ vẫn thường xuyên cung cấp những "chuyến bay 0 đồng" tới khách hàng. Tuy nhiên, thực tế đang chứng minh rằng bay giá rẻ không đồng nghĩa với lợi nhuận thấp.
Theo số liệu mới được Vietjet công bố, doanh thu năm 2016 của hãng hàng không này đạt hơn 15.800 tỷ đồng, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh hơn 1.500 tỷ đồng, tương đương tỷ suất lợi nhuận 9,5%.
Trong khi đó, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines năm qua đạt doanh thu 56.500 tỷ đồng, cao gấp gần 4 lần so với Vietjet. Thế nhưng, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh của Vietnam Airlines lại thấp hơn so với Vietjet Air, chỉ đạt 1.232 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận chỉ khoảng 2,2%.
Nguồn: Báo cáo tài chính công ty mẹ VNA và VJA
Nguyên nhân khiến Vietnam Airlines có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn là do các khoản chi phí đều rất cao. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý trong năm qua gần 5.500 tỷ, ngốn hơn 60% lợi nhuận gộp.
Nhìn sang Vietjet Air, 2 khoản chi phí này chỉ là 650 tỷ đồng, chỉ chiếm khoảng 30% lợi nhuận gộp, cho thấy hãng hàng không giá rẻ hoạt động tiết kiệm hơn hẳn Vietnam Airlines.
Mới đây, Vietnam Airlines đã bất ngờ công bố kết quả kinh doanh quý 4 với số lỗ hợp nhất 444 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ lỗ khoảng 70 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu chính là do các khoản chi phí quá lớn đã "ăn" hết vào doanh thu.
Tính đến cuối năm 2016, Vietnam Airlines chỉ còn nắm 42% thị phần bay nội địa, để Vietjet Air áp sát ở mức 41%. Với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, Vietjet Air rất có thể sẽ vượt qua Vietnam Airlines ngay trong năm 2017.
Nguồn: Tổng hợp
Không chỉ Vietnam Airlines bị Vietjet Air vượt mặt, một thống kê mới đây đã chỉ ra rằng, nhiều doanh nghiệp đầu ngành như FPT, VNPT, VNSteel đều đã bị lớp "hậu sinh" như Thế Giới Di Động, Viettel, Hòa Phát thắng thế trên các mặt trận cốt lõi.