Dùng gậy phòng vệ dẫn đến chết người, phạm tội gì?

PV |

Theo luật sư, hành vi dùng gậy phòng vệ dẫn đến chết người của bị cáo sẽ cấu thành tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Theo hồ sơ, hai anh em Bùi Hữu Nhơn và Bùi Hữu Phú đi làm rẫy của gia đình tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai thì xảy ra mâu thuẫn với chủ đất giáp ranh là hộ ông Võ Văn Bảnh. Mâu thuẫn đã âm ỉ kéo dài gần 10 năm.

Sáng 29/7/2015, Nhơn, Phú đến rẫy chặt cây thì ông Bảnh cùng con trai ra ngăn cản, cầm ná cao su bắn Nhơn, sau đó rút dao Thái Lan ra đâm Phú. Chiều cùng ngày, Nhơn, Phú ra về bằng mô tô, cầm theo 2 cây tầm vông để phòng thân.

Khi 2 người này chạy ngang qua nhà ông Bảnh, ông Bảnh cùng 3 người con cầm hung khí gồm đá, gạch, tuýp sắt, dao rựa chạy ra tấn công. Các con của ông Bảnh xông vào đánh Nhơn, Phú, 2 người dùng gậy chống trả và đánh lại. Hậu quả làm Sang (con ông Bảnh) chết tại bệnh viện sau 2 ngày cấp cứu, Nhung (con ông Bảnh) bị thương tật 30%.

Xử sơ thẩm, TAND tỉnh Đồng Nai tuyên phạt Phú 16 năm tù, Nhơn 8 năm tù về tội giết người. Hai bị cáo đều có đơn kháng cáo gửi tòa phúc thẩm kêu oan cho rằng mình không phạm tội giết người. Phóng viên VOV phỏng vấn luật sư Nguyễn Hồng Bách – Liên đoàn Luật sư Việt Nam về vụ án này.

Không thể kết luận bị cáo tội giết người?

PV: VKSND tỉnh Đồng Nai truy tố 2 bị cáo về tội giết người theo điểm a, khoản 1, điều 93 Bộ luật Hình sự với tình tiết định khung tăng nặng là giết nhiều người. Tại phiên tòa sơ thẩm, TAND tỉnh Đồng Nai tuyên phạt 2 bị cáo tội giết người ở mức án 16 năm và 8 năm. Theo ông có căn cứ hay không?

Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Trong vụ án này, Phú đã có hành vi dùng gậy tầm vông đánh vào đầu Sang và Nhung khiến Sang bị chết, Nhung bị thương. Đây có thể được coi là hành vi tước đoạt tính mạng của người khác. Vì hành vi đánh vào vùng đầu người thì khả năng gây ra cái chết cho họ rất cao.

Do đó, VKSND tỉnh Đồng Nai truy tố Nhơn và Phú tội giết người khi có các tình tiết cho thấy Phú đã tấn công Sang, Nhung khi hành vi tấn công của những người này nhằm vào Phú, Nhơn đã chấm dứt. Nếu đang tiếp tục tiếp diễn, phải phòng vệ lại thì trường hợp này không thể coi đó là một hành vi giết người.

Trong trường hợp này, ông Bảnh cùng 3 người con, trong đó có Sang và Nhung cầm hung khí tấn công Nhơn, Phú trước. Việc 2 anh em đánh lại Sang nhằm mục đích tự vệ và ngăn chặn tấn công từ phía người bị hại để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của chính mình. Nếu vụ án không có diễn biến nào khác thì không thể kết luận Phú đã phạm tội giết người theo quy định tại điều 93.

Trong trường hợp này, tôi cho rằng các cơ quan tiến hành tố tụng phải xem xét, đánh giá hành vi của Phú, Nhơn có phải là phòng vệ chính đáng hay vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

PV: Mặc dù bị tuyên phạt tội giết người nhưng 2 bị cáo đều cho rằng mình chỉ phòng vệ và hành động phòng vệ của họ là chính đáng. Thế nào là phòng vệ chính đáng, thưa luật sư?

Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Phòng vệ chính đáng là một chế định mà Luật Hình sự quy định công dân có quyền chống lại một cách cần thiết đối với những người đang có hành vi hoặc ngay lập tức sẽ có hành vi xâm phạm, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại thực sự, ngay tức khắc đến lợi ích nhà nước, tổ chức, quyền và lợi ích chính đáng của mình hoặc người khác nhằm ngăn chặn, loại bỏ hành vi xâm phạm này, hoặc hạn chế những thiệt hại do hành vi xâm phạm này có thể đe dọa gây ra.

Hành vi phòng vệ có thể gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc tước đoạt sự tự do của người xâm hại hoặc cũng có thể chỉ nhằm vào công cụ, phương tiện mà người đó đang sử dụng. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm và người phòng vệ chính đáng không phải chịu trách nhiệm hình sự với những thiệt hại có thể là tính mạng, danh dự hoặc tài sản của người bị xâm hại.

Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

PV: Căn cứ vào các hành vi của Nhơn và Phú cũng như hành vi của các nạn nhân, ông cho rằng Nhơn, Phú phòng vệ chính đáng?

Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Tôi không có hồ sơ đầy đủ về hành vi của Nhơn và Phú, có nhiều vấn đề cần dữ liệu để đánh giá. Thực tế chỉ cần một hành vi cũng có thể khiến tính chất của phòng vệ thay đổi từ phòng vệ chính đáng sang vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Ví dụ, nếu Phú và Nhơn đã chống trả và khiến sự tấn công của các bị hại chấm dứt mà họ vẫn tiếp tục tấn công gây thương tích, hoặc tước đoạt tính mạng của các bị hại thì hành vi của các bị cáo không những không được coi là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng mà có dấu hiệu như tội giết người hoặc cố ý gây thương tích.

Ông Bảnh cùng 3 người con cầm hung khí tấn công Nhơn, Phú, với tương quan lực lượng áp đảo và hung khí nguy hiểm đó, nếu Nhơn, Phú không chống trả lại thì họ hoàn toàn có thể bị xâm phạm nghiêm trọng về sức khỏe, thậm chí tính mạng. Trong hoàn cảnh như vậy, việc 2 người này dùng gậy tầm vông chống trả lại là phù hợp và cần thiết.

Việc gây ra cái chết cho Sang, trong hoàn cảnh cùng bị 4 người với hung khí nguy hiểm quây đánh, đe dọa nghiêm trọng sức khỏe, tính mạng thì Phú và Nhơn rất khó có thể bình tĩnh để lựa chọn các phương pháp và mức độ chống trả sao cho phù hợp.

PV: Nạn nhân tấn công trước mặc dù sau đó nạn nhân chết và thương tật nhưng ở đây có phải là giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng quy định tại điều 96 Bộ luật Hình sự hay không, thưa luật sư?

Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Có lẽ chúng ta xem xét câu chuyện giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì chuẩn hơn. Nếu hành vi tấn công của Nhơn, Phú chỉ nhằm chống trả lại sự tấn công của các bị hại, tuy nhiên biện pháp chống trả vượt quá mức cần thiết và diễn biến cụ thể của vụ án chưa đòi hỏi phải chống trả và gây thương tích hoặc tước đoạt tính mạng của người khác như vậy thì hành vi của Phú sẽ cấu thành tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Xác định giới hạn của phòng vệ chính đáng khá phức tạp và ranh giới giữa phòng vệ và vượt quá nhiều khi rất mong manh, đặc biệt là khi chúng ta chưa có các quy định hướng dẫn cụ thể trong nội dung này.

Do đó, điều kiện xác định phòng vệ chính đáng hay không phụ thuộc vào nhiều nhận định chủ quan của các cơ quan tiến hành tố tụng. Trong trường hợp này, sự vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng cũng không đáng kể hoặc không rõ ràng thì cũng có thể coi là phòng vệ chính đáng, phù hợp với nguyên tắc nhân đạo cũng như nguyên tắc suy đoán vô tội của Luật hình sự. Nếu có nặng hơn cũng chỉ là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

PV: Xin cảm ơn luật sư./ .

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại