Đúng là Mac Pro mới có mức giá quá cao, nhưng bạn có tự hỏi "quá cao" là cao đến mức nào hay không? Việc so sánh chi tiết giữa một chiếc PC chạy Windows với một chiếc máy Mac luôn là điều khó khăn, đặc biệt khi chúng ta vẫn chưa biết chính xác từng bản cấu hình của Mac Pro sẽ có giá cụ thể ra sao.
Liệu bạn có thể sắm một dàn PC với mức giá thấp hơn nhiều nhưng vẫn có cấu hình mạnh hơn cùng khả năng mở rộng đáng kể hay không? Câu trả lời không đơn giản như bạn nghĩ.
Sức mạnh bên trong thùng máy dạng tower
Đầu tiên, hãy nhìn vào kích cỡ thùng máy. Mac Pro năm nay có thể được xem là phiên bản hiện đại của dòng sản phẩm desktop chuyên nghiệp thế hệ đầu tiên của Apple - mà sau đó bị thay thế bởi thiết kế "thùng rác" - khi quay lại với thùng máy dạng tower.
Thùng máy này được làm từ nhôm, có thể tháo gỡ hoàn toàn, cho phép người dùng tiếp cận phần linh kiện bên trong từ bất kỳ góc nào, đúng như lời hứa hẹn của Apple là mang đến một thiết kế kiểu mô-đun, có thể dễ dàng bảo trì và nâng cấp, đảm bảo hệ thống hoạt động bền vững trong nhiều năm.
Những đặc điểm nêu trên cũng chính là thế mạnh của một dàn PC để bàn truyền thống. Tuy nhiên, Mac Pro lại có một điểm khác biệt: tỉ lệ kích cỡ thùng máy so với sức mạnh bên trong.
Để phù hợp với thiết kế mới, Mac Pro đã tăng độ lớn thùng máy, từ một thùng máy dạng ống nặng gần 5kg lên một thùng máy dạng tower nặng gần 18kg. Với kích cỡ 20.8 x 17.7 x 8.58 inch, Mac Pro là một trong những chiếc desktop nhỏ gọn nhất hỗ trợ đến 4 card đồ họa mà bạn có thể mua ở thời điểm hiện tại.
Những cái tên cộm cán khác trong thế giới PC chơi game cao cấp so sánh ra sao với Mac Pro?
Trên thực tế, Mac Pro nặng hơn gấp đôi chiếc Origin Neuron (8,1kg) vốn có thùng máy nhỏ gọn hơn. Chiếc desktop Omen Obelisk của HP nặng 10,4kg, còn Aurora R8 của Alienware cũng có quai xách nhưng chỉ nặng 14,5kg mà thôi.
Dù những chiếc PC đối thủ này nhỏ gọn và nhẹ nhàng hơn chiếc máy tính bàn cao cấp của Apple, tất cả đều gặp phải một số hạn chế nghiêm trọng so với Mac Pro xét về khả năng nâng cấp và mở rộng hiệu năng. Đáng chú ý hơn cả, chúng đều chỉ hỗ trợ tôi đa 2 card đồ họa và số khe cắm PCIe cũng ít hơn hẳn.
Để có được khả năng hỗ trợ 4 GPU như Mac Pro, bạn sẽ cần một chiếc desktop Windows lớn hơn nhiều, như chiếc Aventum X của Digital Storm. Thùng máy này nặng 34kg, kích cỡ 25,7 x 28,3 x 10 inch, và thiết kế không bánh xe khiến nó cực kỳ khó để di chuyển. Có thể thấy, với sức mạnh đồ họa khủng khiếp trong một thùng máy nhỏ gọn vừa đủ, Mac Pro không có đối thủ.
Aventum X của Digital Storm
Vi xử lý
Mac Pro bản cơ sở có giá 6.000 USD, một mức giá vượt quá tầm với của hầu hết mọi người. Tuy nhiên, những người làm trong ngành sáng tạo sẽ "phải lòng" vi xử lý Intel Xeon W, RAM 32GB, GPU AMD Radeon Pro 580X, nguồn 1.4kW, card ASIC Afterburner tùy biến của Apple, SSD 256GB mã hóa bằng chip bảo mật T2, và 8 khe PCIe.
Không chiếc desktop Windows nào có được cấu hình như vậy. Nhưng hãy bắt đầu với vi xử lý. Ngôi sao trên Mac Pro năm nay là chip Intel Xeon W, một vi xử lý máy trạm với số lượng nhân điên rồ nhằm phục vụ cho những tác vụ đa luồng đòi hỏi hiệu năng cao.
Dù Apple chưa công bố cụ thể chip Xeon nào hãng dùng trên bản cơ sở, nhưng Intel có một con chip tương đương là Xeon W Cascade Lake W 3.5GHz với bộ nhớ 66,5MB, giá 749 USD. Cao cấp hơn, Intel có chip Xeon W 3275M 28 nhân 2.5GHz, giá 7.453 USD, dù con chip này có cache ít hơn con chip được Apple sử dụng trên bản Mac Pro cao cấp nhất.
Một số người ước tính rằng Mac Pro bản "full" sẽ có giá lên đến 35.000 USD - đó là chỉ tính riêng phần linh kiện mà thôi, tức bản thân vi xử lý đã chiếm đến 1/5 tổng giá trị máy.
Hiện tại, chipset Xeon Cascade Lake W mới nhất của Intel vẫn chưa được trang bị cho bất kỳ máy trạm nào, và ngay cả Mac Pro cũng chưa được bán ra cho đến mùa thu năm nay. Hầu hết các máy bộ desktop chơi game được trang bị vi xử lý Intel Core i9, như Core i9-9900K 8 nhân trên chiếc HP Omen Obelisk, hay bản nâng cấp 9980XE với 18 nhân, giá 2.000 USD.
Nếu chỉ so sánh số nhân trên vi xử lý, thì hiệu năng vi xử lý của Mac Pro không phải là thứ gì đó cao siêu. Nếu bạn cần nhiều sức mạnh xử lý hơn nữa, các máy trạm do Dell, HP và Lenovo sản xuất hoàn toàn có thể đáp ứng khi chúng hỗ trợ CPU kép, một thứ mà Mac Pro không có.
Đồ họa
Card đồ họa rời trên Mac Pro bản cơ sở là AMD Radeon Pro 580X. Dù đây không phải là một GPU mới - trước đây nó từng được trang bị cho iMac 5K - nhưng AMD không bán riêng con chip này.
Trên iMac, hiệu năng chơi game ở độ phân giải 1080p chỉ ở mức trung bình, và giới sáng tạo sẽ muốn nâng cấp lên card đồ họa Vega II có hiệu năng tốt hơn. Trên PC, hiệu năng của GPU tầm trung Nvidia RTX 2070 (giá 499 USD) mà bất kỳ hệ thống nào cũng trang bị được sẽ cho Radeon Pro hít khói.
Ví dụ, với cùng khoảng giá 6.000 USD như Mac Pro, chiếc Neuron của Origin PC sẽ có hiệu năng đồ họa tốt hơn nhiều so với Radeon 580X. Dù bạn phải chấp nhận vi xử lý Intel Core i9 9980XE yếu hơn, nhưng bạn lại có 2 card đồ họa Nvidia RTX 2080 Ti, trong khi dung lượng ổ cứng tương đương với Mac Pro, và lượng RAM thì lại cao gấp đôi.
Ngay cả một card RTX 2080 cũng có khả năng render, biên tập video và dựng hình 3D tốt hơn GPU Radeon Pro trên Mac Pro bản cơ sở.
Nếu muốn "tất tay", bạn có thể nâng cấp lên card Nvidia Titan RTX, giá 2.500 USD. Kết hợp card này với vi xử lý Intel Core i9-9900K, bạn vừa tiết kiệm được tiền, vừa có hiệu năng GPU mạnh mẽ hơn, dư sức đánh bại Mac Pro.
Trên Mac Pro bản cao cấp, Apple đưa ra giải pháp 4 card đồ họa, gồm 2 GPU kép của AMD. AMD Radeon Pro Vega II gồm 2 GPU, mỗi GPU được kết nối thông qua cổng kết nối Infinity Fabric Link độc quyền của Apple nằm bên trong hộp MPX cũng độc quyền nốt. Để có được 4 card đồ họa, bạn sẽ phải dùng 2 mô-đun như vậy, tạo thành AMD Pro Vega II Duo.
Trong bài keynote tại WWDC 2019, Apple khẳng định rằng Maxon có thể đạt hiệu năng render của GPU nhanh hơn 20% trên Cinema 4D so với một hệ thống Windows với 3 card Nvidia Quadro mới nhất, nhưng đó có lẽ là một so sánh không mấy công bằng bởi Mac Pro về mặt kỹ thuật được trang bị đến 4 card đồ hòa AMD.
Chiếc Aventum X là một trong rất ít các máy bộ PC có hỗ trợ 4 GPU như Mac Pro, và nó có giá lên đến 36.000 USD khi đi kèm với vi xử lý Intel Xeon W-3175 28 nhân 3.GHz, RAM DDR4 512GB, nguồn 1.600W, SSD 4TB chia đồi thành 2 card M.2 Samsung 970 EVO 2TB, và 4 card đồ họa Nvidia GeForce RTX 2080 Ti với kết nối NVLink.
Ngay cả ở mức giá này, Aventum X vẫn không thể đọ lại cấu hình của Mac Pro, khi RAM máy ít hơn và không thể thêm vào một card ASIC được.
Thiết kế để mở rộng trong tương lai
Điểm sáng giá nhất trên Mac Pro là 8 khe PCIe và hỗ trợ Thunderbolt 3. Hầu hết các máy bộ PC thường chỉ có 4 hoặc 5 khe PCIe, khiến khả năng mở rộng bị hạn chế.
Ngay cả Aventum X cũng chỉ hỗ trợ 4 khe PCIe dù thùng máy có kích thước lớn hơn nhiều. Vậy nên, dù chiếc PC này có thể chứa 4 card đồ họa, bạn sẽ không thể thêm vào bất kỳ thứ gì nữa, như card Afterburner của Apple - vốn được dùng trong video và render.
Dù Digital Storm mang đến vi xử lý hiệu năng cao để đạt được chức năng tương tự, bạn sẽ phải đánh đổi số lượng GPU nếu muốn dùng 4 khe PCIe.
Khi được trang bị 2 card đồ họa Nvidia Titan RTX và 2 vi xử lý Nvidia GPGPU ASIC, cùng RAM 512GB, giá của Aventum X sẽ ngang với một chiếc siêu xe BMW 4 series.
Nếu muốn tự build một dàn PC với khả năng mở rộng ngang ngửa Mac Pro, bạn sẽ phải tìm một bo mạch chủ và một thùng máy hỗ trợ 8 khe PCIe. Một thùng máy có thể hỗ trợ 8 khe PCIe là Cube 3 của One Stop System, giá 3.795 USD.
Có nghĩa là bạn sẽ phải chi ra 5.000 USD để mua thùng máy, vi xử lý Xeon bản cơ sở, card đồ họa AMD Radeon Pro 580X, và nguồn - đó là chưa bao gồm quạt, RAM, khả năng hỗ trợ Thunderbolt 3, hay SSD.
Bộ nhớ và dung lượng lưu trữ khủng
Rất dễ để tìm được một chiếc PC hỗ trợ 32GB RAM như Mac Pro bản cơ sở, nhưng bạn sẽ không thể tìm tấy chiếc PC nào có 1,5TB RAM như Mac Pro bản "full". Với lượng RAM khổng lồ kia, Mac Pro hoàn toàn có thể được dùng như một chiếc máy chủ, và Apple thậm chí đã công bố một thùng máy dạng rack để phục vụ mục đích này.
Một thanh RAM DDR4 ECC 128GB có giá 1.500 USD, và Mac Pro có 12 khe DIMM mà nếu lắp đầy đủ sẽ tốn tổng kinh phí 18.000 USD.
Dù phiên bản 64-bit của Windows 10 có thể hỗ trợ tối đa 2TB RAM - bản Windows 10 Pro for Workstations thậm chí còn hỗ trợ nhiều RAM hơn nữa, tối đa 6TB RAM, tức gấp 4 lần dung lượng RAM tối đa của Mac Pro. Tuy nhiên hầu hết máy trạm PC ngày nay không được trang bị sẵn lượng RAM khủng như vậy.
Những máy trạm như Lenovo Thinkstation 920 chỉ được bán kèm RAM 512GB với 16 khe DIMM, trong khi máy trạm cao cấp nhất của HP khi xuất xưởng cũng chỉ có 768GB RAM, kèm mức giá gần 30.000 USD.
Máy trạm Precision của Dell là máy trạm duy nhất có thể được trang bị nhiều RAM hơn Mac Pro: khách hàng có thể chọn nâng RAM lên 3TB, được chia thành nhiều thanh 128GB lắp vào 24 khe DIMM - tất nhiên mức giá tổng cộng cũng tăng lên hơn 90.000 USD.
Dung lượng lưu trữ trên Mac Pro là 256GB SSD, hoặc 4TB chia thành 2 SSD. Trên PC Windows, mức dung lượng này chẳng có gì đặc sắc, một số máy trạm hỗ trợ đến 10 khe cắm ổ cứng để tăng dung lượng cao hơn nữa nếu cần.
Trên Neuron, bạn có 1 SSD Samsung 860 Pro 4TB, cùng với 4 SSD SATA III 4TB bổ sung để tối đa hóa dung lượng, hoặc chuyển sang ổ NVMe để đạt hiệu năng cao hơn nhưng dung lượng thấp hơn. Dù bạn không có nhiều lựa chọn dung lượng lưu trữ trên Mac Pro, bạn vẫn có thể sử dụng một ổ Thunderbolt 3 để tăng cường dung lượng.
Dù Mac Pro hứa hẹn sẽ là một công cụ mạnh mẽ đến điên rồ, thỏa mãn mọi nhu cầu của giới sáng tạo, nhưng bản cơ sở của nó lại hơi đuôi sức - dung lượng lưu trữ 256GB chỉ đủ để "cưỡi ngựa xem hoa", và hiệu năng card đồ họa AMD Radeon Pro 580X cũng không xứng đáng với một chiếc desktop đẳng cấp pro - đặc biệt đôi với mức giá 6.000 USD của nó.
Nhưng đối với Mac Pro bản cao cấp, rất khó để tìm được một chiếc PC ngang ngửa. Lựa chọn gần nhất là một chiếc máy trạm PC như Dell Precision 7920 với kiến trúc 2 CPU và 4 GPU, dù hệ thống như vậy sẽ có giá đến hơn 150.000 USD. Như đã nói ở trên, việc Apple không công bố giá của Mac Pro bản cao cấp khiến việc so sánh trực tiếp là rất khó.
Có nhiều yếu tố mà Apple hi vọng không thể tìm thấy ở bất kỳ đâu. Card Afterburner tùy biến giúp việc chính sửa và render video nhanh hơn, 8 khe PCIe giúp có được khả năng mở rộng "vô đối", và RAM 1.5TB ở bản cao cấp nhất - tất cả đều được Apple thực hiện nhằm biến Mac Pro thành một chiếc máy trạm đỉnh cao hướng đến số đối tượng mà nó đã luôn phục vụ từ trước đến nay.
Tham khảo: DigitalTrends