Có thể nhiều người chưa biết, người Nhật coi đôi đũa là một vật thiêng thiêng và vô cùng coi trọng chúng. Chính vì vậy, việc sử dụng đũa trên bàn ăn cũng có vô vàn quy tắc.
Nếu bạn đi ăn cùng những người đến từ xứ sở Mặt trời mọc, phần lớn sẽ hiểu và thông cảm vì bạn là người nước ngoài nên không biết đến những "luật ngầm" này.
Tuy nhiên dù có thông cảm, bạn cũng không nên tạo ra sự không thoải mái cho người khác đúng không? Vậy thì dành một chút thời gian tìm hiểu, chắc chắn bạn sẽ tạo được ấn tượng không hề nhỏ đâu.
Nói thì dễ, làm mới khó – bởi với người Nhật, mọi thứ đều là nghệ thuật, kể cả việc dùng đũa. Hãy cùng nhau xem qua 9 điều cơ bản và lí do cho những nguyên tắc này nhé!
1. Không cắn hoặc liếm đầu đũa
Người Việt đôi khi có thói quen cắn đũa trong lúc nghĩ sẽ chọn món gì tiếp theo. Nhưng người Nhật thì không như vậy. Họ luôn tránh điều này, vì thói quen đó sẽ làm giảm tuổi thọ của đũa và khiến cho dấu răng lưu lại trên đũa.
Đặc biệt nếu đến các nhà hàng truyền thống, nơi chuyên dùng những đôi đũa chất lượng cao và đắt tiền thì điều này lại càng không nên.
Còn với việc liếm đũa, nó chỉ đơn giản làm cho người khác cảm thấy không thoải mái, nên tốt nhất là đừng làm.
2. Đừng gắp đồ ăn từ đĩa rồi đưa thẳng vào miệng
Bạn phải đưa vào bát trước, rồi mới đưa lên miệng sau. Đây là phép lịch sự tối thiểu khi đi ăn với người Nhật đó.
Ngoài ra bạn cũng nên tập thói quen này mọi lúc mọi nơi, vì rõ ràng ăn như vậy cũng sạch hơn rất nhiều, nhất là khi ăn các món có nước.
3. Không khua đũa trên các đĩa thức ăn
Nhiều người khi lưỡng lự không biết gắp món gì lại có thói quen khua đũa trên đĩa. Với người Nhật, hành động ấy thể hiện tính tham lam, dường như không muốn cho ai gắp vậy.
4. Kiêng nối đũa
Bởi đây là một phần nghi thức trong tang lễ theo Đạo Phật. Sau khi hỏa táng, người ta sẽ dùng đũa để chuyển phần xương của người đã khuất cho nhau.
Vậy nên có thể nói, gắp nối đũa giống như gợi lại hình ảnh tang lễ vậy, và người Nhật cũng coi đó là điềm gở. Thậm chí, họ tương đối khắt khe trong vấn đề này.
5. Xiên thức ăn bằng đũa
Tưởng như vô hại, nhưng thật ra lại không phải vậy. Người Nhật cho rằng hành động này là bất lịch sự và là một sự xúc phạm đến đầu bếp, cực kì nên tránh.
6. Không giở đầu đũa khi gắp từ đĩa thức ăn chung
Điều này bắt nguồn từ khác biệt rất cơ bản trên bàn ăn của xứ sở hoa anh đào. Trong đó, một vài món được để ở nồi chung, một vài món lại được chia sẵn cho mỗi người ăn. Nghĩ đi nghĩ lại thì chỉ có cách quay đũa lại, gắp bằng phần cuối đũa là vệ sinh nhất nhỉ?
Đấy là bạn tưởng thế thôi. Đối với người Nhật, điều này mới là không sạch sẽ. Nguyên do là vì đũa của người Nhật khá ngắn, nên gần như chắc chắn tay bạn đã chạm vào phần cuối đũa.
Thay vào đó, hãy dùng muôi hoặc một đôi đũa khác khi gắp thức ăn đựng chung nhé.
7. Không cắm đũa vào cơm
Đạo Phật là một tôn giáo rất quan trọng trong tín ngưỡng của Nhật Bản, và đạo có quy định rõ người ta chỉ cắm đũa như vậy khi làm đám tang.
Đôi đũa được quan niệm như chiếc cầu dẫn linh hồn từ trần gian xuống địa phủ.
8. Khi đang ăn, đừng để đũa ngang miệng bát.
Người Nhật sẽ hiểu rằng bạn đã no và không muốn ăn thêm gì nữa. Thay vào đó hãy gác chúng lên kệ gác đũa.
Nếu không muốn nhịn luôn thì đừng có làm thế nhé
9. Hãy gắp lần lượt từ trên xuống, đừng gạt những miếng bên trên ra để chọn thứ bạn thích
Điều này thật ra nếu tinh ý thì cũng rất dễ hiểu. Trong bữa ăn, mỗi người đều có một đôi đũa và không ai chung đụng với nhau. Bạn có thể đã ngậm vào đôi đũa đó rồi, nên sẽ hơi mất vệ sinh nếu đầu đũa "in dấu" trên món ăn chung.
Hơn nữa, người ta sẽ cho rằng bạn kén cá chọn canh và không tôn trọng phần thức ăn đầu bếp đã chuẩn bị nữa.
Nguồn: Washoku, Just Hungry, KAWAII PATEEN