Những ngày cuối năm 2019, iFan nhận được thông tin rằng có thể mẫu iPhone "giá mềm" ra mắt đầu năm sau sẽ không có tên iPhone SE 2 mà sẽ có tên iPhone 9 . Nếu tin đồn này đúng sự thật, đây sẽ là một bước đi hoàn hảo của Tim Cook: đặt tên "iPhone 9" sẽ tạo ra cảm giác nối tiếp từ iPhone 8, thúc đẩy người dùng nâng cấp lên dòng iPhone mang cùng một thiết kế, cùng một trải nghiệm màn hình 16:9 và dĩ nhiên là cùng một mức giá mềm (450 USD). Cùng lúc, cái tên iPhone 9 vẫn nằm ở dưới iPhone 10 hay iPhone 11, truyền đi thông điệp tới người dùng dư dả kinh phí rằng, họ chớ "hạ cấp" từ iPhone X xuống iPhone 9 mà hãy nâng cấp lên iPhone 11.
Chỉ có vị CEO cáo già của Apple mới có thể tung ra những bước đi "hack não" tới vậy. Và để bạn đọc không bất ngờ, hãy cùng nhìn lại những bước đi lão luyện của con cáo già số 1 thị trường công nghệ hiện nay.
1. Đặt tên iPhone 11 Pro
Apple đã từng rất nhiều lần đặt tên "vu vơ" cho iPhone, ví dụ như iPhone SE hay iPhone XR đều là những cái tên không có lời giải thích. iPhone 11 Pro thì khác, cái tên này mang đầy đủ dụng ý chiến lược của Tim Cook.
Thiết kế không có gì mới nhưng lại được đánh số mới, đặt tên mới... Không phải vô cớ đâu!
Đầu tiên là con số 11: lẽ ra Apple không nên đặt số mới cho iPhone 2019, bởi thiết kế năm nay hoàn toàn không có gì mới so với iPhone X hay iPhone XS cả. Nhưng so với việc đặt hậu tố S thì những con số mới sẽ luôn tạo cảm giác tích cực hơn cho người dùng, đánh vào tâm lý "thèm nâng cấp" của họ. Và thế là Tim Cook tự dối lòng, và dối người dùng, đem con số 11 đặt tên cho chiếc điện thoại vốn chỉ là bản nâng cấp S-S từ iPhone X ra mắt 2 năm trước.
Tiếp đến là hậu tố "Pro". iPhone chưa bao giờ và sẽ không bao giờ là những sản phẩm chuyên biệt dành cho người dùng Pro theo cách của MacBook Pro, Mac Pro hay iPad Pro cả. Nhưng Cook cần phải tạo ra một cảm giác tân tiến, sáng tạo cho chiếc iPhone "bình cũ rượu mới". Và thế là iPhone năm nay bỗng dưng lại thành sản phẩm Pro, dù rằng ai cũng muốn mua, ai cũng sử dụng được.
Cuối cùng là cái chết của chữ "R". Chẳng ai biết tên gọi XR có nghĩa là gì, nhưng nhắc đến bộ 3 iPhone 2018 ai cũng nghĩ iPhone XS và XS Max là cao cấp, iPhone XR là "kém cao cấp" hơn một chút. Tim Cook có lẽ đã nhận ra điều này: tên R tạo ra cảm giác tiêu cực về dòng iPhone 700 USD. Apple phải bỏ hậu tố ấy đi! Thế là iPhone 11 ra mắt với cái tên gợi cảm giác ‘cao cấp bình thường", không còn bị đánh dấu tiêu cực. Còn iPhone 11 Pro và 11 Pro Max là "cao cấp đỉnh điểm" ở mức giá nghìn đô....
2. Giá đỡ màn hình giá nghìn đô
Khi antifan điềm nhiên bước chân vào bẫy marketing của Tim Cook.
Mac Pro là chiếc máy dành cho người dùng chuyên nghiệp. Pro Monitor là màn hình dành cho người dùng chuyên nghiệp. Còn Pro Stand là giá đỡ màn hình giá nghìn đô.
Không có ai trong thế giới chuyên nghiệp lại ngớ ngẩn đến mức bỏ nghìn đô ra mua giá đỡ màn hình cả. Nhưng nếu không có Pro Stand giá nghìn đô, làm sao mà Apple lại có thể tạo ra một cơn bão truyền thông trong sự kiện WWDC khô khan được. Các antifan đồng loạt lên mạng mỉa mai Pro Stand nhà Táo, nhưng điều họ không nhận ra là chính họ - những kẻ ghét Táo – đã tạo ra một mạng lưới thông tin truyền miệng khổng lồ dành cho Pro Monitor và Mac Pro. Gần như dưới bài viết nào về Pro Stand cũng sẽ có một vài bình luận nói về giá trị vượt trội của Pro Monitor. Người mua Pro Monitor đều hiểu rằng họ có thể mua giá đỡ vài chục đô để thay thế Pro Stand, và những lời mỉa mai về Pro Stand sẽ đơn giản chỉ là gia tăng độ phủ về chiếc màn hình mác Táo này lên khắp các mạng xã hội mà thôi.
3. Khai tử Apple Watch Series 4
Tại sao không phải S5 và S4 mà lại là S5 và S3?
Thông thường, các nhà sản xuất mỗi khi ra mắt thế hệ sản phẩm mới nhất đều sẽ giữ lại sản phẩm trước đó thêm một hoặc hai năm. Nhưng riêng Tim Cook thì lại sử dụng một chiêu bài khác biệt hoàn toàn: khi ra mắt thế hệ sản phẩm mới, Cook sẽ khai tử luôn thế hệ trước đó và tiếp tục dùng thế hệ từ 2 năm trước để làm "mồi nhử". Chiến lược này thông minh ở chỗ sự khác biệt giữa 2 sản phẩm cách nhau 2 năm chắc chắn sẽ rõ rệt hơn, và vì thế người dùng sẽ phải thực sự băn khoăn khi lựa chọn giữa thế hệ cũ (giá rẻ) và thế hệ mới nhất (đắt, nhưng nhiều tính năng hơn).
Chiến lược này đã từng được áp dụng vào iPad và đến năm nay thì có mặt trên Apple Watch: khi ra mắt Apple Watch S5, Cook khai tử S4 và giữ S3 ở lại để song hành cùng S5. Nếu Apple giữ S4 ở lại làm lựa chọn giá rẻ, S5 sẽ phải cạnh tranh với một "người anh em" có cảm biến điện tâm đồ và màn hình viền mỏng. Nhưng bởi S4 bị khai tử và S3 là lựa chọn giá rẻ, iFan năm nay chỉ có 2 lựa chọn: một là chiếc S5 đẹp và tân tiến, hai là chiếc S3 rẻ nhưng thiếu tính năng và thô kệch hơn hẳn. Chắc chắn nhiều người sẽ bị đẩy về phía S5, và như thế tỷ suất lợi nhuận của Apple trên từng chiếc Watch bán ra sẽ được cải thiện đáng kể.
4. KHÔNG thay thế chip trên iPad mới
Nâng cấp kiểu Apple: Chip giữ nguyên, bộ nhớ vẫn 32GB nhưng thêm "hẳn" 0.5 inch màn hình...
So với iPad 2018, mức giá khởi điểm của iPad 2019 không thay đổi. Về mặt phần cứng, iPad 2019 có thay đổi rõ rệt nhất nằm ở kích cỡ màn hình, từ 9.7 inch lên 10.2 inch. Bởi màn hình là bộ phận quan trọng nhất trong trải nghiệm người dùng, Apple có quyền nói rằng iPad 2019 là một sản phẩm hoàn toàn mới (chưa tính đến dung lượng RAM 3GB hay tính năng hỗ trợ Smart Keyboard mới tích hợp).
Ở phía ngược lại, Apple không hề thay đổi con chip hay dung lượng bộ nhớ khởi điểm cho iPad mới. iPad 2019 vẫn tiếp tục sử dụng A10 Fusion, cũng là con chip trên iPhone 7: nếu Apple tiếp tục chu kỳ nâng cấp 4 năm như hiện nay, chỉ đến 2019 thôi là iPad 2019 sẽ không còn được cập nhật iPadOS nữa. Người mua iPad giá rẻ không hề nhận được món hời nào cả, bắt buộc họ sẽ phải thực hiện nâng cấp sớm hơn người mua những chiếc iPad Air hay iPad Mini đắt tiền ra mắt từ đầu năm (dùng A12 Bionic 6 lõi).
5. "Làm giá" iPad Mini 5
To giá nhỏ, nhỏ giá to.
Cho đến tận đầu 2019, triển vọng tương lai của iPad Mini vẫn vô cùng mờ mịt. Khi phiên bản mới nhất của dòng tablet này đã ra mắt từ tận... 2015, người ta có quyền tin rằng iPad Mini sẽ sớm bị khai tử hoàn toàn. Phải đến ngày 18/3, tín đồ của chiếc tablet Apple cỡ nhỏ mới có thể thở phào nhẹ nhõm khi iPad Mini 5 được vén màn.
Dĩ nhiên, Tim Cook sẽ tận dụng thời khắc ngàn vàng này để kiếm bộn tiền: iPad Mini 5 lên kệ ở mức giá tận 400 USD. Apple đã gửi đi một thông điệp rất rõ ràng tới iFan rằng, họ phải trả giá cho kích cỡ nhỏ gọn và sự tiện dụng của iPad Mini 5 (so với chiếc iPad "thường" kích cỡ 10.2 inch và giá chỉ 330 USD). Quả là một sự thật không mấy dễ chịu khi iPad Mini thậm chí có lúc từng chạm đến mức "đáy" chỉ 250 USD. Song, iFan làm gì có lựa chọn nào khác: ngay sau khi iPad Mini 5 ra mắt, iPad Mini 4 cũng bị khai tử. Muốn có trải nghiệm iPad 7.9 inch, cách duy nhất là trả cho Apple 400 USD!