Cách đây gần 25 năm, tờ Economist từng gọi nền kinh tế Đức là “người bệnh của khu vực đồng tiền chung Euro” (Sick Man of Euro). Hàng loạt những vấn đề từ giảm tốc xuất khẩu, thị trường việc làm yếu khiến tỷ lệ thất nghiệp lên 2 chữ số đã khiến nước Đức trở nên đầy bất ổn.
Trước tình hình đó, chính phủ Đức đã có hàng loạt cuộc cải cách đầu thập niên 2000, qua đó đưa nước này trở thành nền kinh tế lớn nhất Châu Âu, bước vào thời kỳ vàng son (Golden Age).
Thế nhưng khi thế giới thay đổi một lần nữa, kinh tế Đức lại lâm vào cảnh “lên voi xuống hố”, lại một lần nữa bị giới truyền thông gọi là “người bệnh của Châu Âu”.
Tệ nhất thế giới
Tờ Financial Times (FT) cho biết cả Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) lẫn Tổ chức hợp tác phát triển kinh tế (OECD) đều đánh giá Đức là nền kinh tế phát triển có kết quả tệ nhất trong năm nay. Hàng loạt những vấn đề từ sự chậm cải cách cơ cấu, dân số già hóa đến cơ sở hạ tầng xuống cấp, lãi suất tăng cao, phụ thuộc vào nguồn năng lượng Nga cũng như giao thương với Trung Quốc đã ảnh hưởng đến tăng trưởng của Đức.
Trong khoảng 2006-2017, tăng trưởng kinh tế Đức ngang ngửa với Mỹ ở nhiều mặt nhưng hiện nay, quốc gia này đang chứng kiến sự giảm tốc hay thậm chí suy giảm quý thứ 3 liên tiếp, qua đó trở thành nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới có khả năng tăng trưởng âm năm 2023.
Theo dự đoán của IMF, Đức sẽ tăng trưởng chậm hơn cả Anh, Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha trong vòng 5 năm tới.
Tờ Economist cho hay nền kinh tế Đức hiện nay không tồi tệ như năm 1999 khi bị gọi là “gã bệnh của Châu Âu”. Ví dụ tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp 3% còn quốc gia này vẫn là nền kinh tế lớn nhất khu vực.
Tuy nhiên, Đức đang dần mất đà tăng trưởng. Các cuộc khảo sát cho thấy 4/5 người được hỏi nhận định nền kinh tế lớn nhất Châu Âu không còn là nơi đáng sống. Những chuyến tàu thường xuyên bị trễ từ Đức đã khiến Thụy Sĩ buộc phải loại bỏ một số chuyến tàu chạy nhập cảnh vào quốc gia mình trong mạng lưới toàn Châu Âu.
Thậm chí vào mùa hè này, sau khi chiếc máy bay công du của mình bị hỏng đến lần thứ 2, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerlock đã buộc phải hủy chuyến thăm đến Australia.
Sau cuộc khủng hoảng 2008, kinh tế Đức hồi phục nhanh hơn các nước thành viên đồng tiền chung Châu Âu. Thế nhưng lợi thế này đang dần mất đi kể từ hậu đại dịch Covid-19.
Báo cáo của Consensus Economics thì dự đoán GDP của Đức sẽ giảm 0,35% trong năm nay. Tăng trưởng dự đoán năm 2024 cũng bị giảm từ 1,4% xuống chỉ còn 0,86%.
Vậy vì sao nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới là Đức lại dần mất đà tăng trưởng của mình như vậy?
Cái giá phải trả
Tờ Economist nhận định thành tựu của người Đức phụ thuộc quá nhiều vào ánh hào quang xưa cũ, những ngành công nghiệp truyền thống mà bỏ qua sự đầu tư cho những mảng mới. Tác động quá lớn của đại dịch Covid-19 cùng cuộc xung đột thương mại Mỹ-Trung khiến nhiều ngành công nghiệp chủ lực của Đức đi xuống, trong khi những mảng mới đem lại tăng trưởng thì không được đầu tư thích đáng.
“Lợi thế mà nước Đức xây dựng được suốt 10 năm qua đang dần xói mòn khi chi phí lao động tăng cao hơn nhiều so với khu vực”, chuyên gia kinh tế Christian Schultz của ngân hàng Citibank nhận định.
Đồng quan điểm, Viện ZEW Institute đanh giá Đức là nền kinh tế có mức thuế cao dựa trên lợi nhuận đầu tư, lên đến 28,8% so với bình quân 18,8% của Liên minh Châu Âu (EU).
Cũng theo Economist, văn hóa tiết kiệm của người Đức đã dẫn đến chi tiêu công rất thấp. Tổng mức đầu tư cho công nghệ thông tin của Đức tính theo % GDP chưa bằng một nửa so với Mỹ hoặc Pháp.
Thế rồi sự già cỗi của bộ máy hành chính càng làm mọi thứ tồi tệ hơn. Việc xin cấp phép kinh doanh mất đến 120 ngày ở Đức, cao gấp đôi so với mức bình quân OECD.
Xin được nhắc là văn hóa làm việc tại Đức rất nghiêm chỉnh, tập trung làm chứ không lướt mạng xã hội hay vui đùa. Thế nhưng họ cũng không chấp nhận làm thêm hay nhận việc ngoài giờ hành chính, hết giờ là đi về.
Văn hóa này được ca ngợi khi tình hình kinh tế phát triển, nhưng lại trở thành vấn đề khi mọi thứ xấu đi, đòi hòi mọi người đều phải cố gắng.
Bên cạnh đó, việc các ngành sản xuất truyền thống tạo nên động lực tăng trưởng của Đức quá phụ thuộc vào Trung Quốc đã tạo nên điểm yếu chết người. Đức hiện là nền kinh tế Phương Tây giao thương mạnh nhất với cường quốc Châu Á với tổng kim ngạch lên đến 314 tỷ USD.
Ban đầu lợi nhuận khổng lồ từ thị trường 1,4 tỷ dân đã thu hút các doanh nghiệp Đức, thế nhưng dần dần tình hình ngày càng trở nên bất lợi hơn cho nền kinh tế lớn nhất Châu Âu.
Ví dụ điển hình nhất là những hãng xe Đức đang dần thất thế ở Trung Quốc trước trào lưu xe điện dù từng là công thần thúc đẩy thị trường này. Thế rồi một loạt những mảng thiết bị, máy móc của Đức dần bị doanh nghiệp Trung Quốc học hỏi, thậm chí được hỗ trợ từ chính phủ và vượt qua.
Hậu quả là giờ đây những hãng như Herrenknecht chuyên sản xuất máy đào hầm (TBM) của Đức phải than thở vì khả năng phát triển công nghệ của Trung Quốc đã lấy mất thị phần.
Không dừng lại đó, Đức còn quá phụ thuộc vào nguồn năng lượng nước ngoài mà ở đây là khí đốt giá rẻ từ Nga. Sự lệ thuộc này chủ yếu đến từ mạng lưới cung ứng khí đốt thuận tiện được xây dựng từ thời Liên Xô. Hệ quả là ngành công nghiệp Đức tiêu thụ nhiều năng lượng gấp đôi so với nền kinh tế lớn thứ 2 Châu Âu, còn lượng khí thải tiêu dùng thì nhiều hơn cả Pháp lẫn Italy.
Nhờ năng lượng giá rẻ từ Nga mà ngành công nghiệp Đức có lợi thế phát triển nhiều mảng sản xuất thành chủ lực cho đà tăng trưởng, nhưng chính điều này lại tác động tiêu cực khi nguồn cung khí đốt bị suy giảm.
Khi xung đột Ukraine diễn ra, sự phụ thuộc này bắt đầu bộc lộ điểm yếu. Việc thiếu đầu tư vào năng lượng trong khi giảm sản lượng nhiệt điện than lẫn hạt nhân với danh nghĩa “bảo vệ môi trường” đã khiến ngành công nghiệp sản xuất của Đức lẫn người tiêu dùng đối mặt khủng hoảng thiếu điện và khí đốt.
Theo FT, các ngành hóa chất, kính, giấy... của Đức đã suy giảm 17% so với cùng kỳ năm trước.
“Tương lai của ngành công nghiệp sản xuất tại Đức đang rất mịt mù”, chuyên gia kinh tế Franziska Palmas của Capital Economics nhận định.
Ngoài ra, nền kinh tế già nua với lực lượng lao động xói mòn càng khiến mọi chuyện tệ hơn. Khoảng 2 triệu lao động sinh sau Thế chiến II của Đức sẽ nghỉ hưu trong 5 năm tới, để lại khoảng trống trên thị trường việc làm vốn đang đầy mâu thuẫn giữa người bản địa lẫn lao động nhập cư.
Dù Đức đã nhận khoảng 1,1 triệu người tị nạn nhưng phần lớn trong số đó là trẻ em, phụ nữ không thể lao động nhiều. Ví dụ điển hình nhất là thủ đô Berlin gần đây không thể tuyển một nửa số lượng giáo viên cần tuyển vì thiếu nhân lực.
“Nước Đức cần một cuộc cải tổ sâu rộng cùng kế hoạch đầu tư quy mô lớn, nhưng chúng ta còn lâu mới nhìn thấy những điều đó”, giám đốc Carsten Brzeski của ngân hàng ING ngán ngẩm.
*Nguồn: FT, Bloomberg, Economist