Đức và Pháp đề xuất các nước châu Âu cùng góp 500 tỷ Euro để viện trợ không hoàn lại cho các quốc gia và các ngành ở châu Âu bị thiệt hại nhiều nhất.
Tờ báo Đức Sudwest Presse viết về đề xuất của bà Merkel và ông Macron tạo lập quỹ chung 500 tỷ Euro, cho rằng đây là "một nỗ lực phi thường và chưa có tiền lệ nhằm đảm bảo sự gắn kết của Liên minh châu Âu".
Các nước phía Nam châu Âu đã liên tục kêu gọi Uỷ ban châu Âu đứng ra phát hành một trái phiếu chung, giúp các nước này vay tiền thị trường tài chính với chi phí thấp hơn, tất nhiên là nước nào vay bao nhiêu thì vẫn phải trả bấy nhiêu. Nay Đức và Pháp đề xuất một giải pháp còn hơn cả mong đợi. Đó là Uỷ ban châu Âu đứng ra vay 500 tỷ Euro, rồi tất cả các nước thành viên châu Âu cùng nhau trả khoản nợ này, nước giàu trả nhiều, nước nghèo trả ít, tỷ lệ với tổng sản phẩm nội địa của mỗi nước.
"Số tiền 500 tỷ sẽ được tặng luôn cho các nước đang gặp khó khăn, cho hẳn, chứ không phải là dưới dạng cho vay".
Các nước Nam Âu đồng loạt hoan nghênh ý tưởng bất ngờ của Đức và Pháp. Tờ Corriere della Serara tại Italy viết rằng: "Thủ tướng Đức Merkel, cách đây chưa tới một tháng vẫn còn phản đối tất cả mọi ý tưởng nước giàu đứng ra bảo lãnh nợ cho nước nghèo, vậy mà nay hành xử như một bậc thày chiến lược".
Bảo lãnh nợ thì nước nào vay nước ấy vẫn phải trả, các nước giàu chưa chắc đã tốn tiền. Lập quỹ chung rồi cấp tiền cho nơi cần, nước giàu chắc chắn là phải chi nhiều hơn.
Theo bài báo, "Thủ tướng Đức đã hiểu rằng để thoát khỏi khủng hoảng chung này, thì các nước phải có trách nhiệm lớn hơn đối với ngôi nhà chung châu Âu".
Tuy nhiên, Đức và Pháp còn phải mất nhiều công sức để ý tưởng thành hiện thực. Theo tờ Le Figaro của Pháp, "khó khăn chủ yếu vẫn là từ Hà Lan, Áo, Thuỵ Điển và Đan Mạch". Tờ báo Pháp trích lời Thủ tướng Áo, rằng "Lập trường của chúng tôi không thay đổi. Chúng tôi sẵn sàng giúp các nước khó khăn bằng cách cho vay thêm, chứ không chấp nhận đóng góp thêm".
Tại Đan Mạch, tờ Politiken kêu gọi chính phủ nước này từ bỏ lập trường cứng nhắc. Kinh tế châu Âu là một khối, một nước gặp khó chắc chắn tác động đến tất cả các nước khác trong khối. Tờ báo trích lời Tổng thống Pháp, rằng "cách làm mới này sẽ giúp cho các nước đang gặp khó khăn do đại dịch không phải bán cả cảng biển hay hạ tầng quan trọng cho Trung quốc, như là Hy lạp và Italia đã buộc phải làm sau cuộc khủng hoảng tài chính".