Lô tên lửa FIM-92 Stinger do phương Tây cung cấp được đưa tới sân bay Boryspil ở Kiev. Ảnh: AFP
Phát biểu với tờ Die Welt, ông Marco Buschmann cho biết, Ukraine đang chiến đấu trong một “cuộc chiến phòng vệ”, đồng thời nói thêm, họ có quyền đáp trả chiến dịch quân sự của Nga theo Hiến chương của Liên Hợp Quốc. Điều này cho phép các quốc gia khác có thể gửi vũ khí cho Ukraine mà không bị coi là một bên tham gia vào cuộc xung đột.
“Khi Ukraine thực hiện quyền tự vệ chính đáng của mình, sự hỗ trợ bằng việc chuyển giao vũ khí không thể khiến [một quốc gia] trở thành một bên tham chiến”, ông Buschmann nhấn mạnh.
Các nước phương Tây đã tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2 vừa qua, chủ yếu là những vũ khí nhỏ, tên lửa chống tăng và tên lửa phòng không di động, cùng nhiều loại đạn dược và nhiên liệu.
Nga đã nhiều lần cảnh báo NATO không nên gửi vũ khí cho Ukraine và tuyên bố rằng họ sẽ coi các đoàn vận tải vũ khí là mục tiêu tấn công hợp pháp. Đầu tuần này, Thứ trưởng Ngoại giao Sergey Ryabkov tuyên bố, bất kỳ nỗ lực nào của phương Tây nhằm gây thiệt hại đáng kể cho quân đội Nga hoặc các đồng minh của Moscow (phe ly khai) tại Ukraine sẽ bị "trấn áp một cách mạnh mẽ”.
"Chúng tôi cảnh báo rằng các phương tiên vận chuyển vũ khí của Mỹ và NATO vào lãnh thổ Ukraine sẽ bị chúng tôi coi là mục tiêu quân sự hợp pháp," hãng tin Tass dẫn lời ông Ryabkov cho biết./.