Đức và EU gặp khó khi phụ thuộc năng lượng từ Nga. (Ảnh: AP)
Theo đó, Quốc hội Đức hôm 21/10 thông qua kế hoạch vay của liên minh cầm quyền lên tới 200 tỷ euro (195 tỷ USD) để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng.
Tháng trước, chính quyền của Thủ tướng Olaf Scholz thông báo sẽ sử dụng lại quỹ hỗ trợ tác động của đại dịch COVID-19 để điều tiết ngân sách của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Trước đó, tờ The Telegraph đưa tin, động thái gần đây của Đức trong việc phân bổ hàng tỷ euro để hỗ trợ ngành năng lượng trong nước đã khiến các quan chức Pháp cũng như Liên minh châu Âu (EU) không hài lòng.
Các nước cho rằng, kế hoạch bơm tiền để hổ trợ ngành năng lượng trong nước của chính quyền Thủ tướng Scholz đe dọa sự đoàn kết trong khối, có nguy cơ bóp méo thị trường năng lượng và có thể làm gián đoạn dòng chảy điện, khí đốt tự nhiên xuyên biên giới.
Khoản viện trợ này được cho đi ngược lại với gói biện pháp khẩn cấp mới của EC nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng, được công bố vào đầu tuần này. Dự thảo đề xuất của EC sẽ được các nhà lãnh đạo EU thảo luận vào cuối tuần này, kêu gọi tăng cường đoàn kết giữa các thành viên khối trong việc giải quyết vấn đề năng lượng, mua khí đốt chung và các biện pháp điều chỉnh giá tạm thời đối với sàn giao dịch khí đốt lớn của châu Âu.
Tại hội nghị thượng đỉnh EU, các quốc gia thành viên nhất trí hợp tác về năng lượng song không đạt được đồng thuận về việc giới hạn giá dầu.
Ít nhất 15 trong số 27 quốc gia tại hội nghị thượng đỉnh đã thúc đẩy giới hạn giá khí đốt chung. Đức và Pháp đã ở hai bên đối lập trong cuộc tranh luận về giới hạn giá khí đốt, trong đó Berlin chủ trương ngừng áp dụng biện pháp này vì lo ngại nguồn cung khí đốt có thể chuyển hướng sang các thị trường châu Á và kêu gọi giảm các biện pháp khuyến khích để tiết kiệm năng lượng.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói: “ Vai trò của chúng tôi là đảm bảo rằng có sự thống nhất của châu Âu và Đức là một phần trong đó. Việc tự cô lập sẽ không tốt cho Đức và châu Âu".
Trước đó, Thủ tướng Olaf Scholz cho biết quyết định chính trị nhằm áp đặt giới hạn giá năng lượng có thể dẫn đến việc giảm nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu.