Đức cảnh báo về thiệt hại nghiêm trọng đối với Dòng chảy phương Bắc

Duy Trinh - Trần Quyên (TTXVN) |

Nhật báo Der Tagesspiegel ngày 28/9 dẫn các nguồn tin trong Chính phủ Đức cho biết các cơ quan an ninh nước này lo ngại rằng cả hai nhánh của tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ vĩnh viễn không sử dụng sau các vụ rò rỉ khí đốt nghiêm trọng vừa qua.

Đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 tại Lubmin, Đức ngày 30/8/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 tại Lubmin, Đức ngày 30/8/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Các cơ quan an ninh Đức lý giải rằng nếu các nhánh dẫn khí đốt của các tuyến đường ống trên không được sửa chữa nhanh chóng, nước muối sẽ xâm nhập vào đường ống gây ra hiện tượng ăn mòn.

Theo các chuyên gia của Bộ Ngoại giao Đức, một số bộ liên bang và Văn phòng Thủ tướng Đức đang thảo luận về hậu quả của vụ việc. Bước đầu tiên, theo Der Tagesspiegel, cảnh sát liên bang sẽ tăng cường kiểm soát lãnh hải Đức, theo đó các tàu của Đức sẽ giám sát chặt chẽ hơn các tuyến cơ sở hạ tầng quan trọng. Ngoài ra, các vùng của Đức cần tăng cường bảo vệ các khu vực ven biển ở phía Bắc và biển Baltic.

Hiện cảnh sát Đan Mạch cũng đã thông báo mở cuộc điều tra về vụ rò rỉ khí đốt trong đường ống dẫn khí từ Nga đến châu Âu dưới biển Baltic. Trước đó, Cơ quan năng lượng Đan Mạch cho biết cơ quan hàng hải của nước này đã ban hành cảnh báo hàng hải và thiết lập vùng cấm trong phạm vi 5 hải lý xung quanh khu vực rò rỉ đường ống "vì gây nguy hiểm cho giao thông tàu thuyền".

Các nước châu Âu cũng đang điều tra vụ rò rỉ 2 đường ống dẫn khí đốt từ Nga chảy qua Biển Baltic trong bối cảnh cả châu Âu và Nga đều nghi ngờ đây là kết quả của hành vi phá hoại.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Nga dự định kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhóm họp liên quan đến các hành động khiêu khích nhằm vào 2 tuyến đường ống dẫn khí đốt trên.

Các đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và Dòng chảy phương Bắc 2 là tâm điểm trong cuộc chiến năng lượng đang leo thang giữa châu Âu và Nga, vốn là một trong những nguyên nhân khiến giá khí đốt ở châu Âu tăng vọt, gây ảnh hưởng đến các nền kinh tế lớn của phương Tây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại