Bong bóng khí từ đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 bị rò rỉ. Ảnh: Bộ Quốc phòng Đan Mạch.
Điềm báo
Mỹ đã từ lâu phản đối sự phụ thuộc của NATO, đặc biệt là Đức, vào nguồn khí đốt tự nhiên của Nga và trước đây là Liên Xô. Trên thực tế, Mỹ đã sử dụng các kiểm soát về xuất khẩu để chặn đường ống Yamal nguyên thủy vào thập niên 1980 do tin rằng việc Nga cắt đứt đường ống này sẽ thay đổi các quyết định chính trị của châu Âu.
Đến tận gần đây vào năm 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn cảnh báo châu Âu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về nguy cơ Nga cắt đứt năng lượng cung cấp cho họ.
Ngày nay, khi Na Uy và Ba Lan công bố khánh thành Đường ống Xuyên Baltic thì các tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 1 và 2) bị hư hại ở khu vực gần đảo Đan Mạch Bornholm trong Biển Baltic. Có 3 chỗ rò rỉ rõ ràng, và khả năng lỗi kỹ thuật đã bị loại bỏ.
Mặc dù các đường ống này hiện nay không vận hành, bên trong người ta vẫn lấp đầy khí tự nhiên được nén và khí đốt đã rò rỉ ra ngoài, tạo thành bong bóng trồi lên mặt biển. Dấu hiệu cho thấy hư hại tại cả 2 đường ống đều rất lớn mặc dù vẫn phải cần thêm một cuộc đánh giá đầy đủ.
Nếu ưu tiên cho đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 thì việc sửa chữa cũng phải mất một thời gian và đường ống do đó sẽ chưa thể phục vụ vận chuyển khí đốt trước mùa đông, ngay cả khi có thay đổi trong tình hình chính trị.
Phá không dễ
Phán đoán sơ bộ là người ta phá hoại các đường ống khí đốt nhằm tác động đến cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Một nỗ lực phá hoại như vậy sẽ đòi hỏi khả năng định vị đường ống và đặt chất nổ ở 3 nơi khác nhau. Nếu đúng vậy, câu hỏi đặt ra là ai làm vậy và vì sao làm vậy?
Đường ống Nord Stream nằm ở độ sâu từ 80-110m dưới bề mặt biển. Người nhái thường chỉ hoạt động được ở độ sâu 6m, vì vậy để đặt thuốc nổ phá đường ống khí đốt, người ta sẽ cần phải dùng đến các tàu lặn.
Các ống đi ngầm dưới biển của tuyến Dòng chảy phương Bắc được làm từ thép tốt dày từ 26,8 đến 34,4mm do 6 hãng tầm cỡ sản xuất (1 ở Nga, 4 ở châu Âu, và 1 ở Nhật Bản). Đã vậy, các ống này còn được bọc trong lớp vỏ bê tông.
Do vậy, việc phá các đường ống này không phải là việc dễ dàng. Ukraine đã tố Nga làm việc này.
Cố vấn Tổng thống Ukraine, Mikhaylo Podolyak, tuyên bố trên mạng xã hội Twitter: “Vụ rò khí gas quy mô lớn này chỉ có thể là hành động tấn công do Nga thực hiện nhằm chống lại EU”.
Tuy nhiên, cáo buộc của Ukraine rất không thuyết phục, vì nếu Nga phá hủy các đường ống dẫn khí của mình, họ sẽ mất hết tất cả công cụ gây ảnh hưởng thông qua khí đốt. Cả Nord Stream 1 và Nord Stream 2 đều là các dự án liên doanh trong đó Gazprom (công ty quốc doanh Nga) nắm giữ tới 51% số vốn.
Dù cáo buộc Nga như vậy, bản thân Ukraine có thể hưởng lợi nếu kinh tế Nga bị tàn phá ở hiện tại và trong tương lai liên quan đến các sự cố đường ống. Nhưng, nếu Ukraine mà bị phát hiện làm vậy với đường ống khí đốt, quan hệ giữa họ với EU và NATO sẽ bị tàn phá khủng khiếp không kém.
Giới quan sát lại để ý đến Mỹ - quốc gia mong muốn loại bỏ ảnh hưởng của Tổng thống Nga Putin lên châu Âu trong mùa đông sắp tới.
Giới chính trị Washington lo sợ châu Âu có thể phá bỏ sự đồng thuận đã đạt được về trừng phạt Nga liên quan đến cuộc chiến tại Ukraine, để cứu chính họ khỏi cuộc khủng hoảng năng lượng trong mùa đông cận kề. Ở góc độ này, Mỹ có động cơ để hành động. Nhưng Mỹ cũng có những rủi ro rất lớn về chính trị, chiến lược và an ninh nếu làm vậy.
Mỹ đã trở thành đối tác cung cấp khí hóa lỏng quan trọng cho châu Âu, với số lượng cung cấp ngày càng tăng. Châu Âu đã và đang sử dụng khí hóa lỏng để lấp đầy các kho dự trữ cho mùa đông đến gần.
Hầu hết số khí hóa lỏng của Mỹ được cung cấp qua ngả Pháp, với Tây Ban Nha và Hà Lan là các tuyến phụ. Có báo cáo cho rằng Mỹ còn có đủ năng lực cung cấp khí hóa lỏng cho cả châu Âu và châu Á.
Như vậy, ai phá hoại 2 tuyến đường ống Nord Stream vẫn là một ẩn số lớn./.